Đạo chích qua ký ức văn nhân thi sĩ

Nói về những kẻ khua khoắng này, riêng trong ký ức văn thi sĩ dạo xưa, cũng có dăm ba chuyện hay ho có thể kể làm quà được.

Thời xưa khi nói tới trộm cắp, người ta thường nghĩ ngay tới Đạo Chích, một kẻ trộm có tài thời xưa bên đất Trung Hoa, được cho là hư cấu mà có. Còn nay, mấy người biết đạo chích là ai. Cứ là kẻ lấy của người khác, thì là trộm. Mà nói về những kẻ khua khoắng này, riêng trong ký ức văn thi sĩ dạo xưa, cũng có dăm ba chuyện hay ho có thể kể làm quà được. Thậm chí, năm 1960 nhà văn Toan Ánh (1916 - 2009) còn viết cả tác phẩm tìm hiểu mang tên Nghệ thuật ăn trộm và bắt trộm của người xưa.

Để dẫn chứng sinh động cho một “nghề” trái đạo lý, chúng tôi lượm lặt trong ghi chép của các văn thi sĩ đôi ba việc về trộm, giúp bạn đọc giải khuây đôi chút.

Trộm tháng củ mật

Trong dân gian Việt Nam, lâu nay vẫn quan niệm, tháng Chạp là “tháng củ mật”, mà đã là tháng củ mật, thì phải “cẩn thận cửa nẻo” bởi tháng này, là thời gian mà những kẻ đục tường khoét vách hoạt động mạnh hơn cả, gây nên những vụ “vào nhỏ ra to”. Trong ký ức của nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014), khi viết về đất văn vật trong tác phẩm Chuyện cũ Hà Nội, tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký dành riêng một bài “Tháng củ mật” để nói về trộm.

Cứ theo nguyên văn chuyện được kể, thì cảm nhận rằng có đôi phần thêm thắt cảm xúc, tình tiết cho ly kỳ đúng chất giọng của nhà văn kể chuyện, nên chúng tôi không dẫn ra đây vụ trộm được nói tới. Nhưng riêng về “tháng củ mật” thì nhà văn nói đến chi tiết lắm, mà theo lời ông “Một thời nghe nói đến đã rợn tóc gáy”. Nguyên do là cứ vào tháng Chạp, nơi đâu cũng vậy “từ quê ra tỉnh, trộm cướp như ong, người người giữ nhà, giữ của, giữ mình”.

Phạt roi kẻ có tội. Ảnh sưu tầm

Phạt roi kẻ có tội. Ảnh sưu tầm

Khi nói đến nạn trộm cắp nhân “tháng củ mật”, nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987) vẫn còn nhớ câu chuyện kể mà ông ghi lại như một ấn tượng nơi hồi ký Những năm tháng ấy. Cụ thể là vào đầu thế kỷ 20 ngôi nhà hàng xóm (số 56 phố Hàng Đào thời điểm những năm 1980) ngay sát vách nhà Vũ Ngọc Phan (số 54 Hàng Đào) có đôi vợ chồng son là cậu Cả, mợ Cả phố Hàng Hài mới kết hôn chưa lâu. Liền mấy đêm, chị vợ ngủ dậy cứ thấy trên gác xép có ánh sáng xanh lóe lên một lúc rồi tắt. Cho là hương hồn chủ nhà cũ hiện về, nên mợ Cả sắm sửa lễ vật, trước khi ngủ là hướng lên gác xép hương khói khấn vái.

Thế rồi một đêm, đang say giấc điệp, hai vợ chồng bị dựng dậy. Khổ nổi là chẳng phải hương hồn tiền chủ quấy nhiễu hay báo mộng gì mà buồn thay “Quân cướp sáu bảy đứa mặt đều bôi nhọ nồi, nhét giẻ vào mồm hai người và trói gô lại. Chúng vơ vét hết đồ tư trang, quần áo cưới của hai vợ chồng, các thứ đồ đồng, rồi mở cửa ra đường tẩu thoát”.

Đến khi hàng xóm biết chuyện chạy sang, thì bọn trộm cướp đã cao bay xa chạy rồi. Thì ra nơi gác xép kia, chẳng có hương hồn chủ cũ nào hiện về sất, mà là một tên đạo chích đã lẻn vào giấu mình trên đó theo dõi động tĩnh, sinh hoạt gia chủ, để rồi khi thời cơ khua khoắng đã như trái chín sắp rớt cây, hắn nhân đêm tối mà mở cửa cho đồng bọn lẻn vào làm một mẻ lớn.

Từ trộm đơn độc

Nói về văn học Việt Nam trước 1945, không ai có thể quên được Tự lực văn đoàn, trong đó anh em nhà Nguyễn Tường (Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo - Nguyễn Tường Long, Thạch Lam - Nguyễn Tường Vinh (Lân)) làm nòng cốt. Nhưng ở bài viết này, ta không nói đến chuyện văn chương của họ, mà nói đến việc khác, việc nhà Nguyễn Tường gặp đạo chích. Chỉ có điều, vụ việc này thật bi hài, khi viết Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, người em thứ năm Nguyễn Thị Thế vẫn còn nhớ như in và thuật lại.

Việc gặp trộm xảy ra dạo gia đình anh em nhà Nguyễn Tường ở tại số 10 phố Hàng Bạc vào khoảng năm 1914, khi Nguyễn Thị Thế mới lên 5. Vốn đây là ngôi nhà cổ, bên ngoài cho thuê, gia đình Nguyễn Tường ở gian giữa, buồng bên trong tối om. Một đêm, bé Thế đang ngủ với mẹ ở trong buồng với mẹ thì thức giấc. Bà mẹ tóc tai rũ rượi, miệng cười không ngớt. Ai hỏi gì cũng không nói, chỉ tay xuống đất rồi lại cười.

Số là đêm ấy cả nhà đang say giấc, bỗng bà mẹ giật mình thức dậy vì có tiếng đụng mạnh vào giường. Cảnh tượng trước mắt là gì? Thì đây, bà “trông thấy một người đầu tóc như ma sừng sững ngay trước mặt, mẹ tôi sợ quá nên ú ớ không thành tiếng, ở nhà ngoài ba tôi ngủ cùng với một ông bạn nữa, nghe vậy tưởng bà ngủ mê, ông châm nến đem vào, thấy người đàn bà đứng lù lù như ma, ông ta sợ quá buông rơi cây nến cắm đầu chạy ra ngoài, mẹ tôi buồn cười vì đàn ông gì mà nhát quá. Người đàn bà đi ăn trộm cứ đứng thuỗn người ra ngơ ngác vì thấy mẹ tôi cười hoài”.

Cái người đàn bà khốn khổ khốn nạn đi trộm đêm kia, từ lúc chập tối nhân không ai để ý, đã lẻn vào nhà, chui xuống gầm bậc gạch và núp ở đó. Đến đêm khi cả nhà Nguyễn Tường đã ngủ sâu, thị mới lẻn dậy, vơ được ít quần áo bỏ vào chiếc thúng. Sau đó thị bò vào buồng mẹ con nhà Nguyễn Thị Thế định khoắng thêm ít đồ nhưng rón rén thế nào mà đụng vào giường làm bà mẹ thức giấc, để rồi mới có trận cười như điên như dại dù gặp trộm kia.

Bi hài thêm nữa là, khi thấy bà mẹ cười không dứt được, mọi người thức giấc xúm lại không làm sao cho bà dứt cơn cười, rồi như hiệu ứng mà cùng cười theo. Riêng người đàn bà ăn trộm bất thành, thì đơ như tượng gỗ, cứ đứng như trời chồng đó cho đến khi hàng xóm nghe lao xao biết việc mà sang, dẫn thị đi thì việc mới xong.

Đến trộm tập thể

Nói đến trộm tập thể, là có hội có đoàn, là ăn trộm chuyên nghiệp mà ta được biết ở trên qua chuyện cậu Cả, mợ Cả hàng xóm của nhà phê bình văn học tương lai, tác giả bộ Nhà văn hiện đại. Nhưng cũng có trường hợp, trộm tập thể, không chỉ là dăm người, mà cả đoàn người, ấy nhưng họ lại không phải là những kẻ lấy việc đục tường, khoét vách làm kế sinh nhai. Chẳng qua, vì họ đói. Việc ấy, cứ xem Nhớ gì ghi nấy của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 2002) sẽ rõ.

Khi kể lại chuyện trộm dưới đây, nhà văn khai sinh ra Kép Tư Bền còn nhớ rõ mồn một. Vì thế mà khung cảnh, diễn biến, như mới xảy ra chưa lâu. Đận ấy khi Nguyễn Công Hoan còn nhỏ, ở Thái Ninh (huyện cũ của tỉnh Thái Bình ngày nay), “thường đến tối xảy ra những vụ gặt trộm lúa. Không phải một người đi gặt trộm, mà là làng nọ kéo đi gặt trộm của làng kia, hoặc trong một làng, hàng chục người nghèo rủ nhau đi gặt trộm ở ngoài đồng”.

Đạo chích là nghề bất hợp pháp.

Cái lý nào, mà lúa của người ta, gieo cấy trồng trọt công nhiên ngoài đồng ngoài ruộng, mà đêm đến lại kéo đoàn kéo lũ đi gặt trộm? Có lý cả đấy! Kẻ gặt trộm ở đây, không phải phường đạo chích chuyên nghiệp. Nếu đã là trộm chuyên nghiệp, tội gì không khua khoắng tài sản là mỹ kim, của nả giá trị mà lại kín đáo, hà cớ gì phải đi gặt trộm lúa vừa vất vả, vừa cồng kềnh dễ bị phát hiện? Đó là do họ nghèo, không lấy trộm cắp làm nghề. Chỉ vì nhà đói quá không có gì đút miệng, thế là đành mặt dày, kế cùng rủ nhau đi cắt trộm lúa nhà người có hạt thóc, hạt cơm qua bữa.

Cũng do đó mới xảy ra cái sự ăn trộm, mà bắt trộm cũng bi hài. Ấy là khi phát hiện có đám gặt trộm, thì làng nước nổi trống ngũ liên, rúc tù và, dân làng cùng nhau tay gậy tay thước đi bắt trộm. Một hôm, Nguyễn Công Hoan… cũng đi bắt trộm. Vốn đã được học võ với ông lang Mạch người Thượng Tầm, thôn Phần, nên khi có tin bắt đám gặt trộm, Hoan cũng vác gậy chạy theo.

Và thật ly kỳ, “Trời có trăng mờ. Đến nơi, thấy lố nhố hàng trăm người, ai cũng có gậy trong tay. Lại thấy cả ông lang Mạch. Mình suýt vụt vào ông, nhưng ông gọi mình. Hai người cùng đi đuổi trộm”. Suýt vụt gậy đánh nhầm thầy dạy võ, mà khi đuổi trộm, lại cũng không đuổi được, là vì lúc có báo động, thì những người đi gặt trộm cũng tài thay hình đổi dạng lắm, nhân có đòn gánh trong tay, họ sẽ đóng ngay vai đi đuổi trộm, và thế là không ai nhận ra đâu là kẻ gặt trộm lúa nữa.

Với những vụ trộm cắp kể trên, dẫu chưa được gọi là đầy đủ, nhưng ít ra cũng cho ta hình dung được trộm cướp thời xưa qua lời kể của các văn thi sĩ, cũng lắm nẻo.

Đinh Huyền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dao-chich-qua-ky-uc-van-nhan-thi-si-post975219.html