Dạo chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok

Đến Bangkok vào dịp cuối tuần, bạn và tôi đi chợ Chatuchak không chỉ để thỏa mãn thú vui shopping của phụ nữ mà còn để được tận mắt chứng kiến một “thiên đường mua sắm”...

Một gian hàng ở chợ Chatuchak

Ngôi chợ bắt đầu hoạt động thường xuyên vào đầu những năm 1960 và chỉ mở vào hai ngày cuối tuần nên mỗi ngày ước tính có đến hàng trăm ngàn lượt khách.

Tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1km vuông, chợ được “quy hoạch” như ô bàn cờ tạo thành những khu vực bán những chủng loại hàng khác nhau.

Cổng chợ mở ra tất cả những con đường xung quanh tỏa đi nhiều phía, thuận tiện cho du khách đến chợ từ bất cứ khu vực nào của thủ đô Bangkok và vùng lân cận nên hầu như không có tình trạng kẹt xe trước cổng chợ mặc dù xe taxi, xe du lịch thường xuyên thả và đón khách. Một ga metro lớn sát bên là đầu mối giao thông thuận tiện cho rất nhiều du khách tới chợ.

Có thể coi chợ Chatuchak là chợ của hàng may mặc bởi số lượng gian hàng bán quần áo may sẵn, vải vóc... chiếm gần một nửa trong số hơn 15.000 gian hàng trong chợ, chưa kể những sạp hàng trên vỉa hè những con đường xung quanh. Số lượng kế là những gian hàng giày dép, thủ công mỹ nghệ bằng gỗ, mây tre đan, đồ tơ lụa vải, gốm, da, nhựa đậm đà màu sắc Thái Lan.

Rồi hàng tiêu dùng, ẩm thực, trái cây... Có cả một số gian hàng cổ vật (tôi đứng tần ngần mãi trước quầy hàng nhỏ xíu bày những chiếc rìu đá, rìu đồng và những phế phẩm trong quá trình chế tác công cụ của người xưa cách nay hàng ngàn năm).

Hàng hóa trưng bày gọn gàng, thứ tự, dễ nhìn dễ lấy. Đặc biệt từ những gian hàng trên con đường xung quanh chợ đến những lối đi giữa những gian hàng đều sạch sẽ, hầu như không có rác. Thùng rác để khắp nơi nhưng cả người bán người mua đều có ý thức giữ vệ sinh chung.

Lệnh cấm hút thuốc trong chợ đã được thực hiện hàng chục năm nay, nếu hút bị phạt 2000 bath (khoảng 70 USD). Chợ đông là thế nhưng không quá ồn ào, không trả giá lớn tiếng hay cãi lộn, không tiếng loa cảnh báo trộm cắp hay rao hàng ầm ĩ.

Ngay tại các cổng chợ có quầy đổi tiền, máy ATM, trạm cảnh sát du lịch và một bảng lớn trưng hình ảnh những kẻ móc túi để mọi người cảnh giác. Nói chung, đi “chợ trời” nhưng du khách không bị cảm giác bất an.

Khách mua hàng cũng tỷ lệ theo số lượng các loại hàng hóa: khu vực quần áo may sẵn, giày dép từ sáng đến chiều lúc nào cũng tấp nập người xem người thử, hầu như ai cũng mua được những món hàng mình thích thú. Hàng thun, vải cotton, hàng tơ lụa, hàng da... luôn là ưu tiên hàng đầu.

Mẫu mã rất đa dạng phong phú, giá cả hợp lý, dễ mua, thái độ người bán hàng vui vẻ, bán được hay không cũng nhẹ nhàng cám ơn, người mua có thể trả giá chút ít, người bán nếu không bớt thì nhã nhặn giải thích là hàng đã hạ giá hết mức, cả hai bên cùng vui lòng.

Nụ cười thường trực trên gương mặt những người bán hàng, giọng nói, giọng rao hàng trầm bổng nghe như hát. Tôi đến rất sớm khi chợ còn đang mở cửa dọn hàng, trong các gian hàng không thấy có nhang đèn cúng mở hàng, khi tôi thử xem hàng và trả giá nhưng không mua thì cũng không bị đốt “phông lông” hay bị người bán mắng mỏ, khó chịu. Hàng hóa gọn gàng ngăn nắp, màu sắc hài hòa đẹp mắt.

Ở một gian hàng bán áo thun bất chợt tôi nhìn thấy một chiếc áo có in dòng chữ “Not made in China”. Thấy hơi lạ, tôi hỏi “mẫu áo này không còn? Áo này bán cho khách du lịch à?” - “Xin lỗi vì mẫu này mới hết, nhiều người Thái Lan cũng mua”. Người bán vui vẻ trả lời. Tôi hiểu dòng chữ trên áo kia là một thông điệp khẳng định “chủ quyền” sản xuất bởi phần lớn hàng trong chợ do Thái Lan sản xuất có nhãn hiệu rõ ràng. Đây còn là thông điệp thể hiện trách nhiệm với người mua hàng về chất lượng hàng hóa của Thái Lan.

Tại một số trung tâm thương mại những nhãn hàng nổi tiếng cũng có 2 loại giá rõ ràng: hàng nhập khẩu giá cao và giảm giá ít; hàng hiệu nhưng do Thái Lan sản xuất giá rẻ hơn, giảm giá cũng nhiều hơn. Sự công khai này vừa dễ dàng cho người mua đồng thời cũng đảm bảo cho giá trị của các thương hiệu hàng ngoại trên đất Thái Lan. Một sự sòng phẳng làm hài lòng du khách.

Bangkok đang là mùa du lịch cao điểm nhưng du khách vắng hơn mọi năm, tình trạng này phản ánh ảnh hưởng khá rõ của khủng hoảng kinh tế.

Tuy vậy khách du lịch đến chợ Chatuchak vẫn rất đông, bạn tôi nói vui: hình như vào cuối tuần du khách ở Thái Lan đều tập trung về đây. Đến chợ để biết về “văn hóa chợ” của người Thái Lan, để mua hàng hóa vừa túi tiền và yên tâm không bị “lừa” không bị mua hớ. Và chợ Chatuchak đã hoàn thành chức năng của mình: giúp du khách tiêu tiền thoải mái, hợp lý, vui vẻ, và chắc chắn nhiều du khách sẽ còn trở lại.

Quanh quẩn cả buổi sáng trong chợ Chatuchak tôi cứ băn khoăn tự hỏi: vì sao chúng ta không có một ngôi chợ lớn như vậy để bán hàng Việt Nam chất lượng tốt và phong phú mẫu mã chủng loại, vừa cho “người Việt dùng hàng Việt” vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. Chúng ta có nhiều công ty gia công may mặc hàng xuất khẩu nhưng thị trường trong nước thì hầu như bỏ ngỏ cho hàng hóa nước ngoài.

Nếu ta sản xuất nhiều hàng chất lượng cao để “xuất khẩu tại chỗ” thu hút khách nước ngoài đến mua sắm như Thái Lan thì đây là một nguồn thu lớn, đồng thời hệ thống nhà hàng khách sạn cũng sẽ tăng công xuất. Cùng với các sản phẩm du lịch khác, chất lượng dịch vụ và chất lượng hàng hóa, nét đẹp của “văn hóa chợ Việt”... sẽ hấp dẫn và lưu giữ du khách hơn nhiều lần những khẩu hiệu tuyên truyền bóng bẩy mà thiếu chiều sâu văn hóa.

Phát triển du lịch bền vững chính từ những điều giản đơn như thế.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dao-cho-cuoi-tuan-chatuchak-o-bangkok-post166447.html