Dạo chơi bản Tả Phìn

Trên đường lên thị trấn du lịch Sa Pa (Lào Cai), còn chừng 4km, du khách rẽ phải vào con đường nhựa nhỏ, dừng xe mua vé ở trạm thu phí (mỗi người 20.000 đồng). Tiếp tục đi một đỗi chừng 13km, du khách sẽ đến bản Tả Phìn của người Dao Đỏ, thuộc xã Sả Séng, huyện Sa Pa. Đường vào bản một bên là thung lũng, một bên là đồi núi. Dưới thung lũng có dòng suối nước trong vắt chảy len lách qua những chân ruộng bậc thang. Xa xa trên những sườn núi là những rẫy bắp xanh rờn.

Một góc Tả Phìn.

Dạo chơi, ngoạn cảnh Tả Phìn cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên. Có một con đường nhỏ chạy đến cuối bản, bên đường là nhà ở xen kẽ với những thửa ruộng xanh ngút ngàn. Trong khung cảnh yên bình của miền núi hoang sơ, du khách bắt gặp các cô gái ngồi bên hiên nhà, chăm chỉ may thêu; hay các em bé thơ ngây trong trang phục truyền thống, nhìn khách bằng đôi mắt to trong veo.

Đi bộ chừng non cây số, du khách sẽ tới một chân núi cao, ở đây có một hang động lớn, sâu, tương truyền xưa kia là nơi ẩn náu của tổ tiên người Dao, có tên “Đại Bình Tả Thanh Long Động”. Với chi phí 50.000 đồng, khách sẽ được soi đèn, đưa vào tham quan hang động và chắc chắn sẽ có cảm giác như lạc vào cõi huyền ảo bởi những thạch nhũ nhiều hình dạng lạ lùng, kỳ thú trong hang. Có thạch nhũ như nàng tiên đang múa khúc Nghê Thường, hay nhiều thạch nhũ tạo hình như chốn thiên đình, hoặc loài linh thú như rồng, phụng, hạc, hổ, đại bàng... Động còn là nơi bắt nguồn của dòng suối Tả Chải uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh hoang dã, tạo thành bức tranh non nước hữu tình.

Gần động Thanh Long có làng dệt thổ cẩm của đồng bào Dao, sản xuất thủ công những sản phẩm váy, áo thêu, gối, túi đeo, túi xách, nón, thảm, đệm đến các đồ trang sức. Với chất liệu từ sợi tơ tằm, sợi lanh, qua đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ Dao đã trở thành những sản phẩm tinh xảo, đặc trưng của vùng cao. Thổ cẩm Tả Phìn không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn được nhiều nơi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Tắm lá thuốc của người Dao Đỏ ở Tả Phìn là một trải nghiệm thú vị. Bản làng của người Dao Đỏ thường ở nơi lưng chừng núi cao, cuộc sống lại gắn liền với rừng già hoang sơ nên người Dao rất giỏi nghề thuốc. Không biết từ khi nào mà các thế hệ người Dao từ đời này sang đời khác truyền nhau một bài thuốc tắm cổ truyền từ các loại thảo mộc để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Thuốc tắm này gồm nhiều loại thảo dược, ít nhất cũng phải hơn 10 loại, còn nhiều phải hơn 120 loại. Tùy từng loại thảo dược mà cách chế biến khác nhau. Thuốc được đun liên tục trong vòng từ 3-4 tiếng, cho ra nước thuốc đậm đặc màu nâu đỏ có mùi thơm ngào ngạt. Nước này được pha với nước ấm theo tỷ lệ 2-98% thành nước tắm, giữ ở nhiệt độ 30-37 độ C thì mới phát huy tác dụng. Người khỏe tắm chừng 25-30 phút, người yếu chỉ nên tắm 15-20 phút, nếu không sẽ bị say thuốc… Ngày nay, bài thuốc tắm thảo dược cổ truyền của người Dao Đỏ đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Tả Phìn thu hút du khách vì nét kỳ vĩ, hoang sơ. Du khách đến đây một lần, sẽ không thể nào quên phong cảnh và sinh hoạt của đồng bào vùng cao. Đến Tả Phìn, khách còn thưởng thức các loại trái cây xứ lạnh, đặc sản nổi tiếng: rượu thóc của người Dao Đỏ thôn Tả Chải, bánh chưng đen nhân thảo quả, xôi năm màu, bánh ngô hấp (mèn mén), măng giang khô, thịt heo muối chua… Các sản vật này cũng là quà quý cho du khách mang về sau khi đến với Tả Phìn.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dao-choi-ban-ta-phin-a116119.html