'Đảo của những chú chó': Độc đáo, hài hước và giàu ý nghĩa

Đạo diễn tài năng Wes Anderson tiếp tục đem đến cho khán giả trải nghiệm điện ảnh đầy khác biệt, đậm chất giải trí nhưng không kém phần ý nghĩa, với 'Isle of Dogs'.

Trailer bộ phim 'Đảo của những chú chó' "Isle of Dogs" là bộ phim mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Wes Anderson.

Thể loại: Hoạt hình, giả tưởng, hài hước
Đạo diễn: Wes Anderson
Diễn viên lồng tiếng: Koyu Rankin, Kunichi Nomura, Bryan Cranston, Edward Norton, Bill Murray, Jeff Goldblum, Liev Schreiber, Scarlett Johansson, Tilda Swinton, Yoko Ono
Zing.vn đánh giá: 9/10

Isle of Dogs là tác phẩm mới của Wes Anderson - nhà làm phim cá tính và độc đáo bậc nhất của Hollywood hiện đại.

Bộ phim hoạt hình Isle of Dogs lấy bối cảnh tương lai gần ở một thế giới giả tưởng. Tại thành phố Megasaki của Nhật Bản, số lượng chó phát triển quá nhiều, dẫn đến dịch bệnh cúm chó ngày một bùng phát trên diện rộng và có nguy cơ lây lan sang con người.

Nhằm giảm thiểu khả năng dịch bệnh, thị trưởng Kobayashi (Kunichi Nomura) quyết định ký sắc lệnh trục xuất toàn bộ loài chó trong thành phố ra đảo Rác - một hoang đảo chứa rác thải ngoài biển khơi.

Chú chó kém may mắn đầu tiên bị “đưa ra làm gương” là Spots - người bạn thân kiêm vệ sĩ đắc lực của cậu bé Atari Kobayashi (Koyu Rankin). Atari vốn là cô nhi, mất cha mẹ sau vụ tai nạn tàu hỏa thương tâm, rồi được ngài thị trưởng nhận nuôi nấng và bảo trợ.

6 tháng sau, cậu thiếu niên bèn ăn trộm một chiếc máy bay để bay tới đảo Rác. Nhờ sự tương trợ của bầy chó mà đứng đầu là Chief (Bryan Cranston), Atari bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh hòn đảo để tìm kiếm người bạn thân bốn chân.

Cùng lúc đó, tại thành phố Megasaki, một nhóm học sinh và những người ủng hộ loài chó vẫn đang lên tiếng gay gắt về sắc lệnh của thị trưởng, cũng như khám phá ra âm mưu đáng sợ mới.

Câu chuyện đơn giản với cách thể hiện mới lạ, ý nghĩa

Isle of Dogs là bộ phim hoạt hình thứ hai trong sự nghiệp của đạo diễn Wes Anderson sau Fantastic Mr. Fox (2009), và cả hai đều có phương pháp sản xuất stop-motion - tức dùng máy quay bắt thủ công từng chuyển động của các nhân vật búp bê trên nền mô hình bối cảnh thực ở trường quay.

Bên cạnh đó, bộ phim cũng được kể theo từng chương hồi cụ thể, giống với cách mà Anderson áp dụng cho The Grand Budapest Hotel (2014). Câu chuyện mới có tổng thể đơn giản, dễ nắm bắt, với mạch truyện chính mang đậm tính phiêu lưu khi xoay quanh hành tình đi tìm chú chó Spots của Atari.

Cậu bé hoàn toàn không đơn độc trong chuyến đi ấy. Dưới sự hỗ trợ của bầy năm chú chó cũng bị trục xuất như Spots, Atari lần lượt khám phá từng khu vực của đảo Rác, gặp gỡ những “cư dân chó” tiêu biểu, cũng như phát hiện ra sự thật về cả Spots lẫn nơi loài chó bị trục xuất tới.

Khán giả như được đắm mình vào thế giới riêng của loài chó với câu chuyện trên đảo Rác.

Dù là nhân vật con người duy nhất tại đảo Rác, Atari thực tế không phải là nhân vật chính. Cậu thậm chí còn có rất ít lời thoại, và phải nhường “sân khấu chính” cho các chú chó.

Ngay đầu phim, đạo diễn Wes Anderson không ngần ngại giới thiệu rằng: “Tiếng sủa của các chú chó sẽ được thể hiện bằng tiếng Anh”. Nhờ đó, khán giả không chỉ có cơ hội theo dõi những chú chó hành động, chạy nhảy trên màn ảnh, mà còn được thấy chúng tương tác, nói chuyện như con người.

Điều đó giúp cho việc xây dựng cá tính, tâm lý các nhân vật bốn chân, cũng như hành trình khám phá đảo Rác và cuộc sống nơi đây trở nên hấp dẫn, đa dạng. Mỗi chú chó đều có tạo hình, tâm lý và cá tính riêng, cũng như mang trong mình không ít tâm tư, tình cảm cụ thể.

Từ đó, người xem như được hóa thân vào thế giới của loài chó, được lắng nghe và cảm nhận suy nghĩ chân thực của những người bạn bốn chân: từ việc tranh giành đồ ăn, phân chia lãnh địa, hay xây dựng tình cảm nam nữ…

Cũng nhờ các chú chó mà chuyến hành trình của cậu bé Atari trở nên thú vị, có chiều sâu hơn. Thông qua việc miêu tả thế giới của loài chó, bộ phim muốn mang đến bài học về tình bạn, lòng trung thành, niềm tin và sự đoàn kết một cách nhẹ nhàng, không lên gân. Đó cũng là những điều mà nhóm con người trong phim gần như không thể hiện được.

Thế giới loài người u ám và giàu tính châm biếm

Bên cạnh mạch truyện tại đảo Rác, Isle of Dogs còn xây dựng một tuyến truyện song song, nói về những sự kiện diễn ra tại thành phố Megasaki. Nếu cuộc hành trình của Atari và những chú chó mang hơi hướm phiêu lưu nhẹ nhàng, thì những gì xảy ra trong đất liền lại hết sức u ám.

Ở Megasaki, các nhân vật chia ra làm hai phe đối lập rõ ràng. Một bên là những người yêu quý động vật như giáo sư Watanabe (Akira Ito) hay cô bé du học sinh Tracy Walker (Greta Gerwig). Họ tìm mọi cách để cứu giúp những chú chó bị bệnh, sắp bị trục xuất.

Câu chuyện bên trong đất liền u ám, nhưng không nặng nề và giàu tính châm biếm.

Bên đối lập là thị tưởng Kobayashi với sự kỳ thị, căm ghét loài chó từ thời xa xưa. Lão thực tế không chỉ muốn trục xuất, mà còn đang mang âm mưu tiêu diệt hoàn toàn loài chó ở Megasaki.

Sự đối đầu giữa hai phe thể hiện tính hiện thực xã hội rất cao, gây liên tưởng mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh giữa chính quyền và nhân dân. Trên thực tế, câu chuyện trong phim đã được đơn giản hóa đi rất nhiều để phù hợp với tinh thần phim hoạt hình.

Song, màu sắc đen tối vẫn hiện hữu khi chính quyền của thị trưởng Kobayashi tìm đủ mọi cách để triệt hạ phe đối lập. Cùng lúc, tiếng nói của truyền thông và xã hội yếu ớt. Còn số ít dám lên tiếng mau chóng rơi vào thế lạc lõng, nguy hiểm.

Dẫu vậy, câu chuyện tại thành phố Megasaki không hề nặng nề, và vẫn đem tới cho khán giả nhiều khoảnh khắc sảng khoái. Bởi nhiều chi tiết u ám được cường điệu hóa với mục đích châm biếm. Xã hội u ám là vậy, nhưng không hiện lên quá thực tế hay trần trụi.

Nhìn chung, mạch truyện ở đất liền giúp Isle of Dogs trở nên có chiều sâu hơn hẳn so với dòng phim hoạt hình vốn hay phải mang định kiến là chỉ dành cho thiếu nhi. Nhưng nó cũng không bị quá lệch tông so với tuyến truyện chính ở đảo Rác.

Nhật Bản dưới góc nhìn của một người phương Tây

Sau khi tôn vinh văn hóa Ấn Độ trong The Darjeeling Limited, hay xã hội Bắc Âu trong The Grand Budapest Hotel, Wes Anderson tiếp tục tái hiện và tri ân nền văn hóa lớn của thế giới: Nhật Bản.

Có thể thấy rằng Isle of Dogs thể hiện rõ ràng góc nhìn thông thường của người phương Tây đối với xứ sở mặt trời mọc. Wes Anderson không ngần ngại đưa vào trong phim hầu như tất cả nét văn hóa lừng danh của Nhật Bản: nghệ thuật trình diễn trống taiko, anime, tranh Hokusai, thi đấu sumo, kịch kabuki, thơ haiku, hoa anh đào, hay thậm chí cả “cột khói hình nấm” của những quả bọm nguyên tử đã trút xuống Hiroshima và Nagasaki…

Có thể thấy những gì tinh túy nhất của Nhật Bản đều được Wes Anderson cho xuất hiện trong phim.

Anderson cũng miêu tả con người Nhật Bản theo như góc nhìn của người phương Tây: lừng danh về công nghệ - kỹ thuật, nhưng khép kín, hướng nội, hầu như không có tiếng nói dân chủ, phản kháng chống lại bất công do chính quyền gây ra.

Chi tiết thể hiện qua việc nhóm người Nhật yêu động vật trong phim chỉ có những hành động yếu ớt, dè dặt. Và họ vùng dậy sau khi một cô bé người Mỹ đang du học tại Nhật Bản như Tracy đứng lên kêu gọi và thức tỉnh mình.

Bên cạnh văn hóa Nhật Bản, đạo diễn Wes Anderson còn thể hiện sự tri ân cụ thể tới nền điện ảnh nơi đây nói chung, và riêng bậc thầy Akira Kurosawa nói riêng. Theo dõi Isle of Dogs, những ai tinh ý có thể phát hiện ra hàng loạt chi tiết gợi nhắc tới Stray Dogs, Throne of Blood, High and Low, Ran, Seven Samurai… cài cắm trong phim

Tạo hình nhân vật và lồng tiếng ấn tượng

Isle of Dogs sở hữu phần bối cảnh và tạo hình nhân vật cực kỳ ấn tượng. So với các tác phẩm cùng thể loại hoạt hình được xây dựng bằng kỹ thuật vi tính 3D, bộ phim có thể không rực rỡ, bóng bẩy, mượt mà bằng.

Nhưng dự án của Wes Anderson vẫn sở hữu ưu thế riêng, thông qua việc sử dụng các khung hình tĩnh, góc máy cận, nhằm nhấn mạnh biểu cảm của gương mặt và đôi mắt, qua đó đặc tả cảm xúc nhân vật.

Tạo hình các nhân vật, đặc biệt là những chú chó, có nét đặc trưng và mang tính biểu tượng cao. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của dàn diễn viên lồng tiếng hùng hậu gồm Bryan Cranston, Edward Norton, Bill Murray, Jeff Goldblum, Liev Schreiber, Scarlett Johansson, Tilda Swinton, Yoko Ono…, các nhân vật trở nên sinh động hơn hẳn trên màn ảnh.

Có một chút đáng tiếc với những gì xảy ra ở nửa sau của bộ phim.

Là một tác phẩm độc đáo và hấp dẫn, nhưng Isle of Dogs thực tế vẫn tồn tại một số điểm yếu đáng tiếc. Có phần mở màn khá sáng tạo, nhưng càng về sau, bộ phim càng trở nên khuôn mẫu và dễ đoán, đặc biệt là với những ai yêu thích phim của Wes Anderson. Các nút thắt trong phim cũng được tháo gỡ hơi vội vàng theo đúng chất phim hoạt hình gia đình.

Bên cạnh đó, vai trò của các nhân vật trong phim không duy trì sự ổn định cần thiết. Chẳng hạn như bầy chó đi theo Chief ở đầu phim đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nhưng đến nửa cuối, bốn nhân vật gần như biến mất để nhường chỗ cho các gương mặt mới. Việc xây dựng nhân vật ban đầu bỗng trở nên lãng phí, còn khán giả thì chưa kịp đồng cảm với những nhân vật xuất hiện muộn.

Dù sao, Isle of Dogs vẫn xứng đáng nằm trong danh sách những bộ phim điện ảnh ấn tượng nhất của nửa đầu 2018. Đây rõ ràng là tác phẩm đầy quyến rũ nữa của Wes Anderson, cho thấy rõ tài năng của anh trong việc xây dựng thế giới quan thông qua cách kể chuyện độc đáo, sáng tạo.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Đảo của những chú chó.

Khánh Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dao-cua-nhung-chu-cho-doc-dao-hai-huoc-va-giau-y-nghia-post848859.html