Phim 'Viet va Nam' không được cấp phép phổ biến, nhiều khán giả đồng tình

Cục Điện ảnh cho biết không cấp phép phổ biến phim 'Viet and Nam' (tựa Việt: Trong lòng đất) của đạo diễn Trương Minh Quý dự Liên hoan phim Cannes.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Mới đây, Cục Điện ảnh cho biết không cấp phép phổ biến phim “Viet and Nam” (tựa Việt: Trong lòng đất) của đạo diễn Trương Minh Quý dự Liên hoan phim Cannes năm nay.

Qua những gì nhà sản xuất “nhá hàng”, thì bộ phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện 39 người Việt Nam tử vong trong thùng xe đông lạnh trên đường vượt biên trái phép tới nước Anh năm 2019.

Hai nhân vật chính Việt và Nam là công nhân làm việc dưới mỏ sâu 300m, nơi vô cùng nguy hiểm và đầy bóng tối. Họ có một tình yêu đồng tính, những băn khoăn về nguồn gốc xuất thân và những câu chuyện về lịch sử đất nước thế kỷ 20.

Thuộc thế hệ 9X, Trương Minh Quý được biết đến là một đạo diễn kiên trì theo đuổi dòng phim độc lập. Trước phim truyện dài đầu tay này, anh đã có một số phim tài liệu và phim ngắn tham gia các liên hoan phim quốc tế và tạo được dấu ấn riêng.

Với “Viet and Nam”, bộ phim không chỉ xoay quanh vấn đề vượt biên mà đạo diễn còn muốn đặt ra các vấn đề liên quan tới lịch sử, lòng yêu nước trong mối quan hệ với tình cha con, gia đình.

Nam chưa từng gặp cha mình, một người lính tử nhân, nhưng xã hội lại bảo anh phải yêu quý người đó, nhưng làm sao để có thể yêu quý một người cha mà mình chưa từng gặp?”. Theo đạo diễn trẻ, quan điểm này có thể gây ra tranh cãi nhưng nó lại là thắc mắc chính đáng của một cá nhân*.

Dù chưa được xem “Viet and Nam”, nhưng khi tiếp cận những nội dung - hình ảnh liên quan tới bộ phim như vậy thì trên một số nhóm - diễn đàn về điện ảnh, nhiều khán giả tỏ ý tán thành với quyết định của Cục Điện ảnh.

Câu chuyện, tựa phim tiếng Anh, tên các nhân vật (Việt, Nam, Bắc…), màu sắc phim (qua một số đoạn clip và ảnh)… cho thấy những cài cắm đầy tính ẩn dụ của đạo diễn. Ở góc độ nghệ thuật có thể được đánh giá cao. Song ở góc độ tiếp nhận, nó đụng chạm tới lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc của mỗi người.

Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng trường hợp của phim “Viet and Nam” gợi nhớ tới phim “Taste” (Vị) của Lê Bảo. Năm 2021, Cục Điện ảnh cũng không cấp phép phổ biến cho phim này, bởi những cảnh quay khỏa thân kéo dài tới gần 30 phút. Sau đó, đạo diễn và nhà sản xuất từ bỏ quyền tác giả, quyền sở hữu để phim được đổi sang “quốc tịch” Singapore.

Việc các đạo diễn, nhà sản xuất theo đuổi dòng phim độc lập, kêu gọi đầu tư thành công cho tác phẩm của mình là việc làm đáng khích lệ trong bối cảnh ngân sách của Nhà nước rất hạn hẹp. Những tài năng, những sáng tạo vô cùng quan trọng đối với nền điện ảnh Việt Nam đang muốn thay đổi để bắt kịp với thế giới.

Mặt khác, điện ảnh cũng là gương mặt văn hóa - lịch sử của một đất nước. Sáng tạo, phản biện mang tinh thần tích cực luôn được ủng hộ. Còn nhân danh nghệ thuật, nhân danh sáng tạo để ám chỉ, đặt lại lịch sử với điểm nhìn cá nhân cực đoan thì sẽ không được chào đón.

Đừng bao biện rằng đó là rào cản, là bảo thủ. Sự tự do sáng tạo chỉ có thể bay bổng trên đôi cánh của những điều nhân nghĩa, tử tế, lòng biết ơn và bao dung.

--------------

* Nguồn: Từ điển Wikipedia, bản sửa lần cuối ngày 12/5/2024.

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phim-viet-va-nam-khong-duoc-cap-phep-pho-bien-nhieu-khan-gia-dong-tinh-post683142.html