Đạo diễn Đặng Linh: Làm phim trước hết phải thuyết phục chính mình

Đạo diễn Đặng Linh nói, chị vẫn đang 'bình thản bước đi trên con đường đầy chông gai nhưng không có hoa hồng' này, con đường làm phim tài liệu. Đó là hành trình của tình yêu, sự dấn thân và chị sẽ vẫn tiếp tục khi trái tim còn rung cảm. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị nhân dịp bộ phim 'Hai bàn tay' về danh họa Nguyễn Sáng giành Cánh diều Vàng tại Giải Cánh diều 2021.

Tôi bị hấp dẫn bởi câu chuyện cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Sáng

- Chúc mừng đạo diễn Đặng Linh và bộ phim xúc động về họa sĩ Nguyễn Sáng "Hai bàn tay" đã giành giải Cánh diều Vàng. Chọn đề tài về một tứ trụ của hội họa Việt Nam, chị có bị áp lực? Vì sao chị chọn đề tài này?

+ Trong suốt quá trình làm nghề của mình, việc chọn đề tài ít khi là áp lực đối với tôi. Hầu hết các đề tài đều đến với tôi tự nhiên như hơi thở, xuất phát từ cảm xúc về những vấn đề xã hội, văn hóa, lịch sử, con người, môi trường... Đối với mảng đề tài nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, tôi càng ít áp lực khi làm phim hơn, vì đây là lĩnh vực mà tôi yêu thích từ nhỏ. Ngay cả khi không làm phim tôi cũng rất thích ngắm tranh và khám phá những câu chuyện đằng sau bức tranh, đằng sau cuộc đời của các nghệ sĩ. Tôi đặc biệt yêu thích tranh của tứ đại danh họa hiện đại Việt Nam Nghiêm - Liên - Phái - Sáng. Trong đó, nghệ thuật và con người của họa sĩ Nguyễn Sáng luôn tạo cho tôi nhiều xúc động và đam mê nhất.

- Hành trình làm phim về một nhân vật lớn như họa sĩ Nguyễn Sáng mà cuộc đời và số phận gắn với những biến thiên của lịch sử có gặp nhiều khó khăn? Chị có thể kể về hành trình làm bộ phim này?

- Hành trình làm phim về một nhân vật lớn như họa sĩ Nguyễn Sáng mà cuộc đời và số phận gắn với những biến thiên của lịch sử có gặp nhiều khó khăn? Chị có thể kể về hành trình làm bộ phim này?

+ Quả thực là khó khăn! Khó khăn thứ nhất là trước đây đã từng có một vài bộ phim làm rất tốt về chân dung của họa sĩ Nguyễn Sáng. Tôi cần phải tìm một hướng đi khác, mới mẻ hơn, trong khi cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Sáng chỉ có một.

Khó khăn thứ hai là họa sĩ Nguyễn Sáng đã ra đi cách đây gần 40 năm. Tư liệu về ông còn rất ít, chỉ là vài bức ảnh được bạn bè và những người thân quen ông lưu giữ. Chiến tranh, những lựa chọn của thời cuộc và sự nghiệt ngã của số phận đã khiến gia đình ông "tan đàn xẻ nghé" từ lâu. Ngay cả các cháu họ hàng của Nguyễn Sáng sau này cũng phải đi tìm và xin ảnh để lập ban thờ cho ông. Điều may mắn đối với tôi và ekip làm phim là họa sĩ Nguyễn Sáng đã để lại cho cuộc đời những bức tranh tuyệt đẹp và những ký ức tuyệt hay.

Bộ phim "Hai bàn tay" chỉ khai thác được một phần trong gia tài nghệ thuật và tư tưởng đồ sộ của ông. Nhưng tôi thật may mắn khi được gặp gỡ và lắng nghe những người từng gắn bó với họa sĩ Nguyễn Sáng kể về ông bằng những câu chuyện thú vị và xúc động, đã in sâu vào dòng hồi tưởng của họ. Không chỉ chia sẻ về Nguyễn Sáng, các nhân vật tham gia phim còn cung cấp cho tôi những tư liệu cần thiết, kết nối giúp tôi với những người có thể đóng góp tích cực cho bộ phim và góp ý giúp tôi cách thể hiện bộ phim sao cho chân thực với con người và nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Sáng nhất.

Khó khăn thứ ba là bộ phim được triển khai trong hai năm 2020 - 2021, khi Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương đang gặp những vấn đề chồng chất về tài chính. Toàn bộ cán bộ công nhân viên của Hãng đều bị chậm lương, các nghệ sĩ phải xoay sở đủ mọi cách để có tiền đi làm phim. Giai đoạn chúng tôi bắt tay vào sản xuất tiền kỳ bộ phim này cũng là thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát phức tạp nhất nên rất khó trong khâu tiếp xúc. Còn "Hai bàn tay" lại là một bộ phim về nghệ thuật, không chỉ khó xin phép làm phim mà còn khó tiếp cận với nhân vật, vì lúc này hầu hết mọi người đều đang lo chống dịch, chẳng mấy ai để tâm đến một bộ phim về một nghệ sĩ đã mất từ lâu. Thật may là bên cạnh tôi vẫn có những đồng nghiệp thấu hiểu và hứng thú với phong cách làm phim của tôi. Tôi chưa bao giờ thực sự nói với họ một lời cảm ơn trực tiếp, nhưng tự sâu trong đáy lòng mình tôi vô cùng biết ơn họ.

- Điều xúc động ở "Hai bàn tay" là chị đã kể được những câu chuyện đời thường phía sau những bức tranh của danh họa Nguyễn Sáng, nỗi cô đơn, tình yêu hội họa và những khắc khổ, bi kịch của ông trong những năm tháng ông sống và vẽ. Với "Hai bàn tay", chị muốn chia sẻ với khán giả điều gì?

+ Tôi biết có những tác giả làm phim luôn muốn truyền tải đến khán giả những thông điệp nhân văn, ý nghĩa. Có những tác giả khác lại thường đặt mình vào vị trí của người xem, thậm chí cho một số người xem thử để biết được cảm nhận của các đối tượng khán giả như thế nào rồi mới hoàn thiện bộ phim với tiêu chí làm vừa lòng nhiều người nhất. Nhưng với tôi, thật lòng, tôi ít khi nghĩ đến cảm nhận của khán giả trong giai đoạn làm phim. Tôi nghĩ đến cảm nhận của mình nhiều hơn, và hạnh phúc, khổ đau với những xúc cảm mà mình được tiếp nhận.

Mỗi câu chuyện xuất hiện trong phim đều là những câu chuyện tôi kể cho mình nghe trước. Vì thế, tôi phải tự tìm ra ngôn ngữ kể chuyện thuyết phục được bản thân, trước khi nghĩ đến việc thuyết phục khán giả. Những tư tưởng và thông điệp mà khán giả cảm nhận được qua phim của tôi có thể giống hoặc khác với suy nghĩ của tôi. Và tôi thích điều đó hơn là truyền đạt một tư tưởng cụ thể gì đó để mong muốn người xem hiểu mình. Tóm lại, tôi thích những cảm xúc phức tạp, tự do và bản năng hơn là những thứ thiên về lý trí. Với bộ phim "Hai bàn tay", tôi chỉ muốn chia sẻ lại với khán giả những điều mà họa sĩ Nguyễn Sáng lúc sinh thời đã bộc bạch. Còn cảm nhận như thế nào thì cứ để trí tưởng tượng tự do của người xem bay cao, bay xa.

Không có tiền rất khó có phim hay

- Phim tài liệu ra rạp có lẽ vẫn là một giấc mơ. Tôi nhớ Hãng phim Tài liệu đã từng nỗ lực đưa bộ phim về ban nhạc Bức tường ra rạp nhưng không mấy khả quan. Từ góc nhìn của đạo diễn, chị có chia sẻ gì, chị có buồn không khi phim của mình thiếu vắng khán giả?

+ Nếu nói rằng tôi không buồn vì phim mình thiếu khán giả thì là nói dối. Nhưng ngay từ khi bước chân vào con đường làm phim tài liệu này, tôi đã xác định rằng mình sẽ thường làm ra những tác phẩm kén người xem. Vì thế, nỗi buồn của tôi không nhiều và không quá sâu sắc. Với bộ phim "Chuyện ngày hôm qua" về ban nhạc Bức Tường, tôi và những người phát hành phim cũng đã xác định trước là sẽ có rất ít khán giả đến xem. Nhưng kết quả thu được lại khả quan hơn những gì chúng tôi mường tượng. Với tôi, đó đã là một thành công lớn cho bộ phim đầu tay. "Chuyện ngày hôm qua" đã thực sự mở ra cho tôi con đường để đến với đam mê làm phim tài liệu. Và tôi vẫn đang tiếp tục bước đi một cách bình thản trên con đường "nhiều chông gai nhưng quá ít hoa hồng" này.

Tư liệu trong phim “Hai bàn tay”.

- Một trong những lý do mà nhiều người cho rằng do phim tài liệu của Việt Nam cũ về cách kể chuyện, thiếu hấp dẫn nên không thu hút được khán giả. Chị nghĩ gì về điều này?

+ Là người từng trực tiếp tham gia vào quá trình phát hành phim tài liệu ra rạp, tôi biết, hầu hết doanh thu của những bộ phim tài liệu Việt Nam từng chiếu rạp đều không đủ để bù cho chi phí sản xuất. Một số phim phải dựa vào sự nổi tiếng của nhân vật được phim nhắc đến, số khác phải dựa vào sự kiện nổi cộm của thời cuộc hoặc lấy mục tiêu làm từ thiện để phát hành. Mà khi doanh thu đã ít, lại dùng cho việc từ thiện thì rõ ràng là nhà sản xuất lỗ vốn. Một khi đã lỗ thì chẳng nhà sản xuất nào lại muốn mạo hiểm đầu tư. Và khi nguồn đầu tư không có, hoặc quá ít, thì rất khó để làm phim hay.

Chúng ta cần thẳng thắn nói với nhau rằng: Có tiền chưa chắc đã làm được phim hay, nhưng không có tiền thì rất khó có khả năng làm được phim hay. Tôi không nói "phim tài liệu của Việt Nam cũ về cách kể chuyện, thiếu hấp dẫn nên không thu hút được khán giả" là hoàn toàn do vấn đề tiền bạc. Nhưng nếu muốn thay đổi thực trạng này thì phải có sự đầu tư, trước hết là về tài chính. Khi đã có tài chính thì việc tìm được những người có tài năng và tâm huyết với phim tài liệu ở Việt Nam không có gì khó khăn. Có đủ chi phí sản xuất, có những tác giả đủ năng lực và đam mê tham gia vào sáng tạo thì mới có được tác phẩm hay, và phim tài liệu Việt Nam mới có cơ may thoát khỏi được cái bóng nhàm chán, cũ kỹ của mình. Nhưng rõ ràng đây là bài toán quá khó để giải.

- Vậy theo chị, trong bối cảnh khó khăn đó, có cơ hội nào để những bộ phim tài liệu với nhiều tâm huyết của chị và đồng nghiệp được đến rộng hơn với khán giả, ngoài các kỳ Liên hoan phim?

+ Thực sự là quá ít cơ hội. Ngoài các kỳ Liên hoan phim thì phần lớn phim tài liệu của các hãng phim đều dễ tìm được cơ hội phát sóng trên các đài truyền hình, vì giá rẻ hoặc miễn phí (có những trường hợp nhà sản xuất còn bỏ tiền ra mua sóng của nhà đài để phim mình được phát). Nhưng nếu thử quan sát một khán giả bình thường ngồi trước màn ảnh nhỏ, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là khán giả ấy sẽ chuyển kênh hoặc bấm nút tắt khi thấy TV đang phát sóng một bộ phim tài liệu. Ngay cả các phim tài liệu up lên internet cũng chẳng mấy ai quan tâm.

Người ta thường hứng thú hơn với những thứ vui nhộn, bắt mắt và giàu kịch tính, mà phim tài liệu rất khó làm được điều này. Cơ hội để phim tài liệu đến với khán giả là rất ít. Ngay cả với những phim hay, được giới chuyên môn đánh giá cao thì cũng chưa chắc thu hút được khán giả. Đây là thực tế đã trở thành thói quen và định kiến trên toàn cầu chứ không riêng chỉ ở Việt Nam. Cho nên những người làm phim tài liệu chúng tôi thường có xu hướng chấp nhận hiện thực hơn là cố gắng thay đổi nó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dao-dien-dang-linh-lam-phim-truoc-het-phai-thuyet-phuc-chinh-minh-i669339/