Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Nhuệ Giang: Theo đuổi điều mình thích

Người làm nghề và giới mộ điệu đều biết Nhuệ Giang là con gái của cố đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Văn Khoa, là con dâu của cố đạo diễn - NSND Hải Ninh và là vợ của đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân. Nhưng sơ yếu lý lịch 'quá khủng' đó không hề là cái bóng che khuất Nhuệ Giang bởi chính chị hiện giờ cũng đã là một NSND - danh hiệu ghi nhận cho những thành công trong sự nghiệp làm phim của Nhuệ Giang.

1. Trong lần đồng hành trên chuyến tàu cao tốc ra Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), giữa tiết trời nắng gắt, tôi nói với nghệ sĩ Nhuệ Giang: “Chị bôi kem chống nắng nhé, để em giúp chị!”. Nhuệ Giang đáp: “Ừ, thế cho chị một ít!”. Tôi phủ lớp kem lên má, trán và vai chị với sự hăng hái của một đứa con gái vốn sợ nắng như sợ cọp và đem cái sự ngại ngần với nắng gió miền Trung ấy áp đặt cho chị mà quên mất rằng người phụ nữ đang đứng yên cho tôi thoa thứ kem, chẳng biết có tác dụng gì không, là một người đã “tuyên chiến” với bao nhiêu ngày nắng gió ở phim trường trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Và, cũng vì tiếp xúc gần với Nhuệ Giang nên tôi mới biết được sự thật “trớ trêu” - da của chị thậm chí còn mềm và trắng hơn da tôi. “Tạo hóa như đùa”, tôi thầm nghĩ, thậm chí cho đến giờ vẫn chưa thôi thắc mắc.

Sinh trưởng trong một gia đình mà không gian sống thấm đẫm chất nghệ thuật khi bố là một đạo diễn điện ảnh thành danh và mẹ (nghệ sĩ Bích Châu) là diễn viên nổi tiếng của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhuệ Giang lại chọn con đường trở thành kỹ sư xây dựng. Gác lại tình yêu với điện ảnh vốn đã tự nhiên hình thành ngay cả từ bữa ăn cho tới giấc ngủ khi còn nhỏ, Nhuệ Giang quyết định tương lai mình sẽ gắn bó với xi măng, gạch, cát, vôi vữa một phần cũng bởi đạo diễn Phạm Văn Khoa không muốn con gái ông theo nghiệp làm phim bởi sự nhọc nhằn vất vả mà chính ông lúc đó đã và đang trải qua. Trong trường hợp phải để con gái “dính” đến nghệ thuật, ông cũng chỉ muốn Nhuệ Giang trở thành cô giáo dạy nhạc. Trước đó, Nhuệ Giang từng có 9 năm học nhạc, là bạn cùng lớp với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Khi Nhuệ Giang tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc và đã làm kỹ sư xây dựng 2 năm thì ngành đào tạo Sân khấu - Điện ảnh bắt đầu có hệ đại học. Vốn sẵn tình yêu với nghệ thuật, giờ đây càng cảm nhận điện ảnh chính là hơi thở, là cuộc sống của mình, chị quyết định rẽ ngang sang lĩnh vực này với sự ủng hộ hết lòng của mẹ. Và, Nhuệ Giang đã không chọn nhầm nghề. Thực ra, xét cho cùng, không có gì là thừa, âm nhạc là chất xúc tác để chị điều hòa cảm xúc trên phim trường, làm mềm những trường đoạn gai góc, xoa dịu tâm tư của nhân vật vốn thường bị bỏ trôi trong dòng đời nghiệt ngã của Bỏ trốn, Tâm hồn mẹ, Lạc lối... Còn sự chính xác của những phép toán, hàm lượng trong lĩnh vực kỹ thuật giúp chị, với sự hỗ trợ của chồng, xây dựng một kế hoạch làm việc tốt hơn, cùng với đó là sự gai góc, mạnh mẽ và phong phú ở nội tâm của nhân vật trong phim chị: Mơ mộng nhưng vẫn thực tế như cô giáo Minh, cô giáo Giao, như thầy Tành trong Thung lũng hoang vắng... Cũng nhờ thế mà công việc làm phim tuy vất vả trăm bề với phụ nữ, chị vẫn thấy yêu thích, vẫn thấy hạnh phúc và cảm nhận được nhiều điều thú vị.

2. Bạn làm gì khi bạn làm phim? Đó là câu hỏi xuyên suốt sự nghiệp đạo diễn của Nhuệ Giang khi với mỗi dự án, chị đều trăn trở tìm cho mình một hướng đi mới chứ không đơn giản là “làm phim là làm phim chứ còn làm gì nữa?”. Nhuệ Giang thú nhận, bản thân chị chưa khi nào cảm thấy thỏa mãn một cách thực sự trong lúc đang làm phim vì lý do duy nhất là không có đủ tiền. Muốn quay cảnh từ dưới nước lên ư? Không có tiền thôi đành tìm cách dễ hơn là đứng trên bờ ngắm xuống... Với người làm phim độc lập như chị, thì tiền càng là yếu tố quan trọng. Có kịch bản rồi, phải đi chào hàng, tìm nhà tài trợ. Làm phim xong rồi lại phải lo đầu ra. Lạc lối và Tâm hồn mẹ được nhà sản xuất người Pháp giúp dịch và gửi kịch bản vào các quỹ văn hóa của Pháp và đều xin được tiền. Lạc lối nhận được 2 tỷ đồng, phần còn lại Nhuệ Giang tự gom tiền túi và huy động bạn bè để làm. Xong phim là tiền cũng vừa hết, mà chị thì khao khát phim được quảng bá, tiếp thị bài bản để phim có thể đến với công chúng...

Vợ chồng đạo diễn Nhuệ Giang - Thanh Vân cùng các diễn viên trên trường quay bộ phim Tâm hồn mẹ.

3. Gia tài nghệ thuật của Nhuệ Giang không nhiều, nhưng mỗi bộ phim đều có dấu ấn riêng của chị, dù đề tài có gai góc, bối cảnh có hoang sơ thì trong các tác phẩm đó vẫn có sự dịu dàng, thanh mát nữ tính. Đặc biệt, Nhuệ Giang luôn tâm niệm trong phim của chị, ngoài con người có số phận thì thiên nhiên cũng chính là “nhân vật” quan trọng. Bởi vậy, để chọn được bối cảnh ưng ý, chị và chồng thường phải đi rất nhiều vùng, và dĩ nhiên mất rất nhiều thời gian. Làm Thung lũng hoang vắng, chị và NSND Nguyễn Thanh Vân đã lặn lội lên tận bản Tả Giàng Phình ở Sa Pa, xuống chân núi Fansipan và vào sâu trong rừng quốc gia Cúc Phương để chốt được không gian ưng ý cho phim.

NSND Nhuệ Giang giờ đã nghỉ hưu. Nhưng như bao người làm điện ảnh, tuổi tác chỉ là những con số và thời gian trôi qua chỉ giúp Nhuệ Giang có thêm trải nghiệm về cuộc sống, từ đó bồi đắp cho những số phận trên trang giấy và sau đó giãi bày nỗi lòng nhân vật trong mỗi khuôn hình lúc nào cũng tha thiết và đầy trăn trở trong phim của chị. Ở tuổi 60, Nhuệ Giang vẫn có những dự án, công việc liên quan đến phim ảnh: Dạy đạo diễn tại Trường Đại học - Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, làm giám khảo chấm giải tại Trung tâm Hỗ trợ tài năng và phát triển điện ảnh Việt Nam, tham gia các trại sáng tác, đọc sách tìm kiếm ý tưởng cho kịch bản mới, viết và làm phim truyền hình theo đúng tôn chỉ đề ra cho bản thân - mỗi năm chỉ làm một phim không hơn không kém. Chuyện tình rừng ngập mặn, Sống gượng là hai bộ phim truyền hình tiêu biểu trong thời gian gần đây của chị, còn trước đó là Hậu họa, Trò đời...

Ngoài ra, chị còn tập đàn, tập yoga để cân bằng cảm xúc, tái tạo năng lượng, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu và đam mê với điện ảnh. Nhuệ Giang và Thanh Vân vẫn đau đáu với nghiệp làm phim, với Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê - nơi đong đầy kỷ niệm về gia đình, bạn bè, tình yêu và sự nghiệp. Còn nhớ, ở thời điểm hãng phim gặp “sự cố”, Nhuệ Giang và chồng đang đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt thì đạo diễn Thanh Vân phải về gấp, chị đặt vé máy bay để anh bay về Hà Nội kịp cuộc họp cùng anh chị em đồng nghiệp bàn giải pháp cứu Hãng phim. Tiền vé về tự chi trả. Chị ở lại Đà Lạt, nhưng tôi đã cảm nhận được sự lo toan một cách chu toàn của người phụ nữ trong Nhuệ Giang khi chị chia sẻ: “Về thì về nhưng không biết chuyến về của Vân có ích gì không mới là quan trọng”. Sự thực tế, quan tâm đến hiệu quả của Nhuệ Giang, bên cạnh chất bay bổng, lãng tử của Thanh Vân khiến cho họ trở thành một đôi ăn ý của điện ảnh Việt. Tôi cho là vậy!

Vân Thảo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/957726/dao-dien---nghe-si-nhan-dan-nhue-giang-theo-duoi-dieu-minh-thich