Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt: 'Chỉ cần có người kể chuyện đủ tốt...'

Tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội tháng 11 vừa qua, đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt là cái tên gây chú ý bởi mới là sinh viên năm thứ hai, bộ phim độc lập đầu tay của anh 'Khu rừng của Páo' đã xuất sắc vượt qua 19 bộ phim từ các nước tham dự để thắng giải Phim ngắn xuất sắc nhất.

Cái kết mở gợi nhiều suy ngẫm

“Khu rừng của Páo” kể về một chàng trai người dân tộc thiểu số H’Mông tên Páo lấy vợ khi mới 14 tuổi theo phong tục tập quán của quê nhà. Khi Páo trưởng thành lại dành tình yêu cho một người con gái khác. Trong con người Páo xảy ra cuộc đấu tranh giữa việc phải thực hiện trách nhiệm của một người con, người chồng trong gia đình hay là từ bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của tình yêu.

Thành Đạt cùng các em nhỏ H'Mông.

Thành Đạt cùng các em nhỏ H'Mông.

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt chia sẻ, nam chính trong bộ phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện của một nhân vật có thật ngoài đời. Trong một lần thực hiện một bộ phim ngắn khác cũng về người dân tộc thiểu số H’Mông, anh đã gặp Phá và được Phá kể cho nghe câu chuyện của cuộc đời mình. Phá có hỏi xin ý kiến của anh là nên giải quyết việc của mình theo cách nào? Thành Đạt cũng không biết khuyên Phá ra sao bởi tảo hôn là phong tục lâu đời của người H’Mông, không dễ gì có thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai. Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số không ít người trẻ như Phá đang loay hoay không thể tìm ra lối thoát cho mình bởi những hủ tục đã gây cho họ những hệ lụy trong cuộc sống.

Vì không thể cho Phá một câu trả lời thỏa đáng, cũng không dám khuyên Phá nên làm thế nào, Thành Đạt quyết định đưa câu chuyện của Phá lên màn ảnh và để cái kết mở cho bộ phim: “Tôi không đủ khả năng để đưa ra giải pháp, để đánh giá về một văn hóa đã được người H’Mông gìn giữ từ bao đời nay là đúng hay sai. Tôi làm bộ phim này không vì mục đích phán xét văn hóa mà chỉ đưa câu chuyện của Phá lên màn ảnh, để người xem tự suy ngẫm, và biết đâu sẽ có những người như Phá, sẽ cho cậu ấy những lời khuyên bổ ích”.

Bên cạnh việc khai thác chủ đề về văn hóa, tập tục lâu đời của dân tộc thiểu số ở Việt Nam cùng những khung hình mang đậm màu sắc núi rừng Tây Bắc, Thành Đạt muốn góp tiếng nói của người trẻ muốn “giải phóng” người trẻ khỏi những tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.

Tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội tháng 1/2022, “Khu rừng của Páo” đã vượt qua 19 phim từ các nước tham dự để giành giải Phim ngắn xuất sắc nhất. Khi lên nhận giải, Thành Đạt chia sẻ: “Tôi vui vì bộ phim đoạt giải thưởng và vui hơn vì có Phá, người bạn H’Mông đã truyền cảm hứng cho tôi làm bộ phim này ở đây. Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng cần được nói ra. Nhiều phim nước ngoài tham gia liên hoan có cách đưa thông điệp rất riêng và phim của tôi cũng có cách truyền đạt mang đậm bản sắc Việt Nam”. Tại LHP, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm, thành viên BGK phim ngắn đánh giá: “Khu rừng của Páo” đã chạm đến mẫu số chung của nhân loại ở góc độ lựa chọn cuộc sống của một con người. Đây là điều luôn gây nhức nhối cho các nhà làm phim.

Muốn có thêm trải nghiệm

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt là người con của núi rừng Tây Bắc. Bố mẹ anh đều làm bác sĩ nên định hướng con sau này theo nghề của gia đình. Thế nhưng khi học cấp III, Thành Đạt thích làm những clip ngắn để kể những câu chuyện của mình. Từ những clip ấy, Thành Đạt tìm hiểu về điện ảnh và nhận ra mình có hứng thú với điện ảnh hơn nghề bác sĩ. Vì thế khi thi đại học thay vì đăng ký vào trường y theo ý của bố mẹ, cậu lại đăng ký thi vào trường Sân khấu Điện ảnh với số điểm gần như ở top cuối. Khi mới vào trường, Thành Đạt có phần hoang mang không biết mình có theo học được không, có làm nên trò trống gì không khi lựa chọn một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với bản thân mà không có sự trợ giúp của người thân. Nhưng có lẽ trong con người Đạt có chút năng khiếu về điện ảnh nên những đề tài được thầy cô trong trường giao Thành Đạt đều hoàn thành xuất sắc và được thầy cô đánh giá cao. Càng học, Thành Đạt càng cho thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Khi mới là sinh viên năm thứ hai, lần đầu tiên tự tay sản xuất và đạo diễn bộ phim “Khu rừng của Páo”, Thành Đạt đã giành giải nhất chung cuộc cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” (được tiếp sức bởi Sáng kiến Quỹ “Vẻ đẹp điện ảnh - kinh tế sáng tạo Việt Nam” của Netflix) vào tháng 5/2022. Nhờ thế, bộ phim đã được trao tặng kinh phí sản xuất trị giá 10.000USD (tương 230 triệu đồng).

Dù Thành Đạt không theo nghề bác sĩ mà cha mẹ định hướng nhưng anh vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ gia đình. Bố mẹ anh là nhà tài trợ chính cho các dự án phim của anh. Bộ phim “Khu rừng của Páo”, anh phải bỏ ra khoản chi chi phí khoảng 450 triệu đồng, một số tiền khá lớn với gia đình. Vì thế khi nhận được kinh phí hỗ trợ sản xuất trị giá 230 triệu đồng từ Netflix, anh đã bớt cho bố mẹ chút gánh nặng. Với chiếc cúp Vàng tại LHP Quốc tế Hà Nội, Thành Đạt đã chứng tỏ cho bố mẹ thấy rằng họ đã đầu tư cho con không uổng phí. Khi nhận được thông tin thắng giải, người đầu tiên mà Thành Đạt gọi điện chia sẻ niềm vui là bố mẹ. Anh muốn cảm ơn họ đã yêu thương và đồng hành với anh trong những dự án nghệ thuật. Bố mẹ không chỉ hỗ trợ cho anh về vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần để anh vượt qua mọi khó khăn trong những ngày đầu chập chững bước vào nghề.

Sau khi nhận được giải thưởng có nhiều đơn vị quan tâm đến anh hơn và ngỏ lời hợp tác. Thế nhưng, Thành Đạt không vội vã bởi anh còn rất trẻ. Anh tiếp tục học tập và có những chuyến đi để cho mình có thêm vốn sống, sự trải nghiệm, như thế mới có thể kể những câu chuyện của mình một cách chân thực và hấp dẫn. Thành Đạt nhận được lời mời tham gia một dự án điện ảnh. Đối với một sinh viên như anh thì đây là cơ hội lớn để anh đến với màn ảnh rộng nhưng anh vẫn đắn đo, cân nhắc bởi sợ mình chưa có đủ sự chín chắn. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Thành Đạt muốn thực hiện một dự án cao bồi tại Việt Nam. Dù có ý kiến cho rằng mang văn hóa Tây Âu vào Việt Nam sẽ khó được hưởng ứng nhưng Thành Đạt cho biết anh không ngại thử nghiệm bởi chưa làm đã sợ thì sẽ chẳng bao giờ dám sáng tạo. “Nghệ thuật là sự sáng tạo không giới hạn. Mọi điều đều có thể hiện thực hóa trên màn ảnh một cách hấp dẫn nếu có người kể chuyện đủ tốt”, Thành Đạt giãi bày./.

Phương Hoa/Báo TNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/dao-dien-nguyen-pham-thanh-dat-chi-can-co-nguoi-ke-chuyen-du-tot-post996214.vov