Đạo diễn Việt Tú: Bối cảnh tổ chức Đại lộ di sản ở chùa Tam Chúc là 'khủng' nhất trong các kỳ Vesak

Tham gia chương trình Đại lộ di sản trong khuôn khổ Đại lễ Vesak của Liên Hợp Quốc, đạo diễn Việt Tú cho đó là mối duyên và là cơ hội lớn để quảng bá di sản nghệ thuật của Việt Nam.

Đạo diễn Việt Tú. Ảnh: TL

Đạo diễn Việt Tú. Ảnh: TL

Vesak và Đại lộ di sản là hai trong một

Tại sao lại là chùa Tam Chúc, khi nơi đây đang có nhiều luồng tranh cãi...

- Ngay từ khi được mời tham gia, tôi nghĩ đó hẳn là một mối nhân duyên. Tôi đến Tam Chúc thì thấy mọi thứ còn rộng mở hơn. Khu vực Tam quan, nơi chúng tôi chọn làm địa điểm tổ chức, lưng tựa vào núi Ngọc theo chiều thoải đi lên. Nghĩa là có hạ, trung, thượng với kết cấu rất chặt chẽ. Còn trước mặt hướng ra vùng nước được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, xung quanh là những ngọn núi rất lớn. Chương trình có chủ đề Việt Nam - Đất Phật ngàn năm sẽ tạo được mối giao thoa giữa chương trình của Đại lộ di sản với không gian chung của Đại lễ Vesak.

Trong không gian của chùa Tam Chúc, tất cả những gì chúng ta muốn nói về Việt Nam - Đất Phật ngàn năm sẽ được thực hiện một cách uyển chuyển bằng âm nhạc. Còn về phía dư luận, tôi nghĩ, bất cứ hoạt động gì, dù là tôn giáo hay không… nếu là hoạt động ý nghĩa và được làm với tấm lòng thành kính, thành tâm thì đều rất ý nghĩa.

Đại lộ di sản là chương trình thực hiện cho đại lễ Vesak hay được hiểu là số đầu tiên làm về Đại lễ Vesak?

- Nhiều người cũng nhầm chương trình Đại lộ di sản là của Vesak hay chỉ đơn thuần là chương trình Đại lộ di sản riêng biệt. Thực ra nó là hai trong một. Chính vì vậy mà Đại lộ di sản phải chọn các tiết mục đến từ các quốc gia có ảnh hưởng của Phật giáo để nó phù hợp với khuôn khổ của Vesak. Nghĩ đó là riêng hay chung, tôi cho không phải là vấn đề vì dù thế nào thì cả hai chương trình đều hướng đến cái đích chung là các nền văn hóa Phật giáo nhân kỳ Vesak.

Anh từng tham gia tổ chức Đại lễ Vesak ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình năm 2008. Đại lộ di sản được tổ chức trong không gian ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á thì kịch bản sẽ phải nắn chỉnh như thế nào so với khi tổ chức ở Mỹ Đình?

- Có thể nói, năm nay, bối cảnh tổ chức được coi là “khủng” nhất trong các kỳ Vesak. Vì tôi làm thực cảnh quen rồi nên khi tổ chức ở không gian lớn như vậy, tôi chỉ nhìn là biết “đóng-mở” như thế nào. Nếu gọt nội dung theo không gian hay ngược lại chỉnh không gian theo nội dung đều không nên mà tất cả phải nương tựa vào nhau. Đó là thuật dàn dựng. Không muốn bị loãng thì tập trung ánh sáng vào một chỗ và đừng có bật mọi thứ sáng bừng lên. Muốn rộng rãi ra thì phải có đủ các thiết bị. Dàn dựng thực cảnh có một triết lý rất hay là “tự lượng sức mình”. Sức chương trình đến đâu, làm đến đó chứ đừng ham bày biện ra.

Chẳng hạn, đoàn nước ngoài không thể có hàng trăm người để diễn thì nước chủ nhà sẽ “đỡ” cho họ. Nếu đoàn của họ chỉ 20-30 người, phải gom vào giữa sân khấu, ánh sáng tập trung gối vào Tam quan chứ đứng khoe cảnh rộng. Làm thực cảnh có cái khó là phải kiểm soát được không gian và các thuật dàn dựng là dùng người. Đông người thì dùng thế nào, vắng người sử dụng ra sao…

Vậy về mặt nội dung thì nó có gì khác so với Đại lễ Vesak từng diễn ra ở chùa Bái Đính (Ninh Bình)?

- Cái khác rõ nhất chính là về không gian tổ chức. Như mọi người biết, chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á nên với người làm nghệ thuật như chúng tôi thì đây là cơ hội lớn để thử thách và thể hiện. Hoàn toàn không có chuyên gia nước ngoài, dù đây là chương trình quốc tế. Một phần, tôi coi đó là cơ hội để người Phật tử như tôi được đóng góp vào tinh thần chung. Các chương trình trong Đại lộ di sản lần này có nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ các quốc gia của nền Phật giáo phát triển thì sẽ tạo nên sự cộng hưởng rất lớn. Chương trình cũng được truyền hình trực tiếp nên góp phần quảng bá cho di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới. Tôi nghĩ đây là nhân duyên vì tôi cũng là người theo Đạo Phật.

Một chương trình mang tầm quốc tế, ở không gian như chùa Tam Chúc thì hẳn là số lượng người tham gia cũng rất lớn?

- Tiết mục đông nhất có 300 tăng ni và hơn 100 diễn viên múa. Còn tổng thể thực hiện chương trình cũng lên đến cả ngàn người gồm diễn viên và người thực hiện.

Tôi coi tốn kém trong vụ kiện là học phí đi học

Anh vừa trải qua vụ kiện quyền sở hữu tác phẩm “Ngày xưa” của anh với “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty Tuần Châu Hà Nội. Sự việc đó có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của anh không?

- Việc gì đi việc đó chứ. Câu chuyện cũng diễn ra 2 năm rồi và tôi vẫn có tác phẩm bình thường. Đó là sự cố ngoài ý muốn thôi. Tôi căng thẳng như tổ chức một chương trình sự kiện vậy. Đơn giản nó chỉ là một khía cạnh của cuộc sống và mình phải đón nhận. Khi làm Đại lộ di sản, trong con người tôi có dòng chảy về văn hóa, về di sản dân tộc rồi nên chỉ cần khơi gợi “mỏ quặng” đó, kết hợp với kỹ thuật của người dàn dựng nữa là thực hiện được thôi.

Trong một bài báo, anh từng nói, việc theo đuổi vụ kiện với Công ty Tuần Châu Hà Nội cũng khiến anh khá tốn kém. Vậy cụ thể như thế nào?

- Tôi không cho đó là sự thiệt thòi đâu. Mục đích của tôi là hướng đến hành lang pháp lý không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả các nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để làm sao chúng ta có một hạ tầng về mặt pháp lý tốt để hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế. Bởi vì vấn đề Sở hữu trí tuệ là vấn đề bắt buộc mà nghệ sĩ cần phải hiểu, tuân thủ và thực hành khi muốn hội nhập quốc tế. Còn tốn kém thì tất nhiên là có nhưng tôi cho đó giống như bạn đi học vậy. Học khóa học nào cũng cần phải trả học phí. May mắn là các công việc tôi làm cũng đủ để bù đắp để không làm ảnh hưởng đến công việc chung và cuộc sống cá nhân.

Trong phiên sử sơ thẩm, TAND Hà Nội tuyên, Công ty Tuần Châu Hà Nội phải trả cho anh hơn 660 triệu đồng. Đến nay, việc này đã có hiệu lực chưa?

- Vẫn còn phiên phúc thẩm nữa thì mới có hiệu lực chính thức. Nhưng đó không phải là vấn đề chính với tôi, mà quan trọng nhất là vấn đề pháp lý.

Cảm ơn đạo diễn Việt Tú!

Trong Đại lộ di sản, khán giả sẽ được xem những di sản nghệ thuật không chỉ của Việt Nam mà còn là những màn biểu diễn độc đáo của các quốc gia có nền Phật giáo phát triển trên thế giới như: Ấn Độ, Indonesia, Bhutan, Trung Quốc, Thái Lan, Srilanka... Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh - Trưởng ban Thanh Thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam, người đảm nhiệm vai trò chỉ đạo sản xuất, cho biết: Nếu tổ chức ở Hoàng Thành thì rất khó để có được lượng khán giả quốc tế lớn như thời điểm diễn ra Đại lễ Vesak. Đây là cơ hội để giới thiệu đất nước và nền văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới một cách hiệu quả. Tôi tự tin đây sẽ là chương trình đáng nhớ cho các đại biểu, Phật tử và khán giả khi xem”. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 12/5 trên kênh VTV1.

Minh Nhật (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/dao-dien-viet-tu-boi-canh-to-chuc-dai-lo-di-san-o-chua-tam-chuc-la-khung-nhat-trong-cac-ky-vesak-2019050819524661.htm