Đạo đức cách mạng - cốt lõi trong di sản tư tưởng của Bác

LTS: Tại Hội thảo khoa học: '60 năm tác phẩm 'Đạo đức cách mạng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay', do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, các đại biểu đã phân tích, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn và sức sống trường tồn của tác phẩm. Đạo đức cách mạng là cốt lõi trong di sản tư tưởng của Bác, là thành tố rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến tham luận tại hội thảo.

GS, TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vai trò rất quan trọng của đạo đức cách mạng đối với người cán bộ cách mạng. Bác khẳng định: "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Đạo đức cách mạng giúp người cán bộ, đảng viên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bởi sự nghiệp cách mạng của Đảng rất khó khăn, gian khổ. Đó là quá trình đấu tranh xóa bỏ đạo đức cũ cổ hủ để xây dựng đạo đức cách mạng, đạo đức của người lao động. Đây là cuộc chiến nội tâm, không mang gươm, không mang súng, là quá trình tự chuyển biến trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên thông qua nêu gương và dư luận xã hội.

GS, TS Trần Văn Phòng

Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng giúp chống lại chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của mọi sự hủ bại, xấu xa “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc...”. Nếu không có đạo đức, không có niềm tin, không có chuẩn mực thì con người sẽ khó vượt qua được những cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, khi chiến đấu chống lại kẻ thù thì rất dũng cảm, nhưng trong đời thường, trước những cám dỗ vật chất, lợi ích nhóm, thì họ dễ bị sa ngã. Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng giúp củng cố niềm tin, trau dồi lập trường cách mạng, thế giới quan, nhân sinh quan của người cách mạng. Bác viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước...”. Chỉ khi có niềm tin thì mới dám dấn thân và đi theo, luôn kiên định và kiên trì con đường ấy.

Đạo đức cách mạng còn giúp người cán bộ cách mạng trau dồi phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nhân sinh, “...giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa...”. Đạo đức cách mạng giúp cho người cán bộ dám nhận sai lầm và chỉ người có bản lĩnh mới dám nhận sai lầm, khuyết điểm. Người dám nhận sai lầm, khuyết điểm cũng sẽ là người nhanh chóng tiến bộ.

ĐÔNG HẢI (lược ghi)

PGS, TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo đức cách mạng từ rất sớm. Trong bài viết “Lê-nin và các dân tộc phương Đông” năm 1924, Người đã viết về đạo đức vĩ đại và cao đẹp của Lênin, đó chính là coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị. Tra cứu trong Hồ Chí Minh toàn tập, khái niệm đạo đức cách mạng được sử dụng nhiều lần trong gần 80 bài viết, bài nói của Người.

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Nội hàm khái niệm đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong 3 tác phẩm: “Đường cách mệnh” năm 1927, “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947 và “Đạo đức cách mạng” năm 1958. Nghiên cứu 3 tác phẩm này, có thể thấy nội hàm khái niệm đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày toàn diện, hệ thống, logic chặt chẽ và khái quát nhất; từ nguồn gốc, vai trò, nội dung và giá trị của đạo đức cách mạng, trong đó, biểu thị đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên là trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, tháng 12-1958.

Trong tác phẩm, Người chỉ rõ đạo đức cách mạng gồm 4 chuẩn mực, trong đó điều mấu chốt nhất và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “tiêu chuẩn số 1” của người cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Người giải thích: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch, luôn cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu...”.

Chuẩn mực thứ hai của đạo đức cách mạng được Người chỉ ra là cán bộ, đảng viên phải ra sức để thực hiện 3 nội dung: Ra sức làm việc cho Đảng; ra sức giữ kỷ luật của Đảng và ra sức thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng.

Chuẩn mực thứ ba của đạo đức cách mạng là: “Phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của mình; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình...”.

Chuẩn mực thứ tư của đạo đức cách mạng là ra sức học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người giải thích rõ, có học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác mà Đảng giao phó cho mình.

Việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, vận dụng, tuyên truyền về đạo đức cho cán bộ, đảng viên thông qua tác phẩm “Đạo đức cách mạng” sẽ giúp phân biệt rõ đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra với quan niệm chung về đạo đức của con người Việt Nam nói riêng và đạo đức của cán bộ, đảng viên trong từng công việc cụ thể.

MAI CHI (lược ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dao-duc-cach-mang-cot-loi-trong-di-san-tu-tuong-cua-bac-559164