Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, sống còn đối với hoạt động báo chí

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đang trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi hiện tượng thông tin sai sự thật trên báo chí liên tiếp xảy ra, gây bức xúc xã hội, khiến công chúng giảm sút niềm tin vào báo chí. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã dành cho Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề đạo đức người làm báo trong giai đoạn hiện nay.

PV: Hiện nay, báo chí chính thống đang phải cạnh tranh rất gay gắt với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, mạng xã hội tác động tiêu cực tới đạo đức của những người làm báo. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ mạng xã hội là biển thông tin, trong đó có những thông tin tốt, nhưng vì tính đa dạng, tính không được kiểm soát và không chịu trách nhiệm nên trên mạng xã hội có cả thông tin hỗn tạp và xấu độc. Chính các nhà báo của chúng ta, bằng bản lĩnh chính trị, bằng sự tinh thông nghề nghiệp, bằng trách nhiệm đối với xã hội và bằng đạo đức làm nghề phải tỏ rõ năng lực thẩm định một cách hiệu quả nhất.

Chúng ta không quay lưng với mạng xã hội, nhưng phải hiểu được mạng xã hội là như vậy để ứng xử phù hợp. Hệ thống pháp luật rồi sẽ có sự điều chỉnh, nhưng chúng ta không chờ đến lúc đó. Nguồn sống của báo chí chính là thông tin, chúng ta phải tiếp cận với tất cả nguồn tin, nhưng phải có gạn lọc, có thẩm định, dứt khoát không theo đuôi mạng xã hội, không để mạng xã hội dẫn dắt.

PV trong nước và quốc tế đưa tin khách quan trung thực về Hội nghị Cấp cao Apec Việt Nam 2017 tổ chức tại Đà Nẵng

Một khi để mạng xã hội dẫn dắt thì chúng ta làm mất đi vai trò của báo chí, tự loại bỏ mình. Chúng ta sử dụng mạng xã hội cần sự tinh thông, cần sự quản lý và có kiểm soát. Bản thân các nhà báo phải tự kiểm soát mình và các cơ quan báo chí cũng phải hình thành hệ thống tự kiểm soát. Nếu có tinh thần trách nhiệm từ người gạn lọc thông tin đến hệ thống kiểm soát thì tôi nghĩ thông tin từ mạng xã hội đưa lên báo chí là những thông tin bổ ích, thông tin cần thiết.

Tôi muốn nhấn mạnh, điều tạo nên môi trường báo chí lành mạnh chính là sự tác nghiệp đúng đắn và chuẩn mực của các nhà báo. Chúng ta bảo vệ mình bằng cách tác nghiệp bằng sự đúng đắn, chuẩn mực, bằng sức mạnh của thông tin mà chúng ta truyền tải đến xã hội, đấy chính là vũ khí bảo vệ mình và bảo vệ xã hội. Trong thời đại ngày nay, tôi nghĩ tính thuyết phục và độ tin cậy là con đường sống của báo chí. Và chúng ta phải tiếp tục xây dựng báo chí từ truyền thống tốt đẹp, trên cơ sở sử dụng nền tảng công nghệ mới.

Có một điều lâu nay chúng ta vẫn nói là tình trạng “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”trên báo điện tử. Trong thời gian vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” và để thực hiện hiệu quả những quy định này, Hội Nhà báo đã áp dụng phần mềm theo dõi việc đăng và gỡ tin bài trên báo điện tử.

Phần mềm này đã hoạt động gần 1 năm và rất có hiệu quả. Trước đây, khi chưa thực hiện thì hàng tháng có hàng trăm bài đăng lên rồi gỡ xuống vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp chúng ta “ngửi” thấy sự vụ lợi, sự cám dỗ của lợi ích vật chất. Vấn đề này đã được khắc phục đáng kể, hiện nay một tuần chỉ còn hai, ba bài gỡ. Ai đăng lên gỡ xuống phải có giải trình thỏa đáng. Cách làm này đã góp phần chấn chỉnh lại kỷ cương trong hoạt động báo chí nói chung và đặc biệt trong báo điện tử.

PV: Báo chí đang đứng trước nhiều vấn đề thay đổi như vậy, theo ông, làm thế nào để giữ bản sắc mỗi tờ báo?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Bản sắc của tờ báo trước hết phải gắn chặt với tôn chỉ mục đích của tờ báo, bởi đó chính là lý do để ra đời, tồn tại và phát triển tờ báo. Anh phải tìm bản sắc trong tôn chỉ mục đích của tờ báo mình chứ không phải ở đâu xa. Trong tình hình cạnh tranh gay gắt của thị trường báo chí ngày nay, làm thế nào để phát triển và tồn tại là câu hỏi lớn mà bất cứ cơ quan báo chí nào cũng phải đối mặt, tìm cách thức vượt qua.

Không ai hết, chính các nhà báo phải tìm kiếm bản sắc bằng sự khẳng định thông qua chất lượng các tác phẩm báo chí, để cho bạn đọc chỉ có thể tìm được vấn đề này, tìm được lời giải đáng tin cậy ở tờ báo này. Cái đó phải luôn trong suy nghĩ và hành động của người làm báo .

Trong tình hình hiện nay, chúng ta không thể không quan tâm đến tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện. Tất nhiên tùy vào tình hình, mức độ từng cơ quan báo chí để chúng ta xác định lộ trình thích hợp, nhưng đấy chính là hướng đi không thể khác. Chúng ta phải quan tâm đúng mức đến vấn đề kinh tế báo chí khi mà tất cả các cơ quan báo chí phải vươn lên để tự chủ về mặt tài chính, đủ nguồn lực để nuôi sống đội ngũ cán bộ báo chí.

Thực sự, đây là cuộc vật lộn hết sức khó khăn đối với nhiều cơ quan báo chí. Nhưng tôi đã thấy nhiều nơi đã thành công, thu nhập của anh em rất khá. Các thành phần kinh tế của chúng ta đang có sự chuyển dịch, trong đó kinh tế tư nhân đã được khẳng định là động lực quan trong trong nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh đó, vấn đề tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí cũng có cách tiếp cận mới để có thêm nguồn lực cần thiết.

PV: Như ông vừa đề cập đến phần mềm theo dõi việc đăng tin bài trên báo điện tử, đó được coi là phương thức rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo, cơ quan báo chí trong hoạt động nghề nghiệp.Về lâu dài, theo ông, làm thế nào để 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trở thành yếu tố cấu thành nên phẩm cách của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Vấn đề bây giờ là các cơ quan báo chí, các hội viên phải quán triệt sâu sắc 10 quy định đó, không ai làm thay chúng ta hết. Luật báo chí cũng như 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là cẩm nang, là vũ khí phục vụ công việc hành nghề của mình. Có những điều bảo vệ mình, cảnh báo, nhắc nhở mình.

Tôi nghĩ, chính các nhà báo phải xác định đúng tâm thế làm nghề. Nếu bản thân các nhà báo không coi đó là việc làm thiết thân, mà cảm thấy bị áp đặt, bị thúc ép thực hiện một cách thụ động thì tác dụng của nó không cao. Cái đó phải trở thành lợi ích của các nhà báo.

Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức đợt sinh hoạt sâu rộng trong suốt hai năm vừa qua với các hoạt động như: Hội thảo, gặp gỡ giao lưu, tọa đàm từ Trung ương cho đến các cấp Hội. Cùng với đó, có một số các điều khoản trong 10 quy định đã có những hướng dẫn, ví dụ như “Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”, tới đấy sẽ có hướng dẫn cụ thể do các cấp Hội, các cơ quan báo chí cùng góp sức xây dựng.

Rồi sinh hoạt của hội viên là nhà báo của các cơ quan báo chí thường trú tại địa phương cũng sẽ có quy định rất cụ thể. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, có những biện pháp tăng cường để mỗi nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện quy định về đạo đức người làm báo có hiệu quả.

PV: Là nhà báo nổi tiếng, đã kinh qua nhiều công việc trong lao động báo chí, ông có lời khuyên gì cho các nhà báo trẻ?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những ai là nhà báo trẻ? Có thể là những người còn ngồi trên ghế nhà trường, trong các trung tâm đào tạo báo chí, nhưng đã tham gia viết rất sôi nổi. Rồi những người ra trường đang tìm kiếm công việc ở các cơ quan báo chí, những người có thời gian làm việc dưới 10 năm ở các cơ quan báo chí sau khi ra trường. Tôi cho rằng, những người đó được coi là nhà báo trẻ.

Tôi đã có thời gian làm báo gần 40 năm, đã kinh qua nhiều công việc trong lao động báo chí từ phóng viên, biên tập viên, bình luận viên, phó phòng, trưởng phòng Thư ký tòa soạn, phó Tổng biên tập, Tổng biên tập, đến Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, giờ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Tôi nhận thấy, quá trình rèn luyện đối với một nhà báo là quá trình liên tục, từ khi chúng ta bắt đầu học trong các trung tâm đào tạo báo chí, cho đến khi chúng ta ra trường, làm nghề và mãi mãi sau mày chúng ta vẫn phải tu dưỡng, rèn luyện. Vì thế, tâm thế của người làm báo là vừa làm nghề vừa học. Chúng ta học ở trên nhà trường, học ở sách vở, học ở các đồng nghiệp, trong toàn bộ quá trình tác nghiệp báo chí đều phải học, từ cách biên tập một cái tin, rút một cái tít, cách tiếp cận nhân vật để khai thác các thông tin một cách chính xác nhất, làm sao để mình tránh được rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp... tất cả đều là quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm liên tục.

Cho dù có tinh thông nghề nghiệp đến mấy nhưng chúng ta không xác định được tâm thế làm nghề một cách đúng mực thì không bao giờ có thể làm tròn trách nhiệm của người làm báo, thậm chí những người thao tác nghề nghiệp điêu luyện mà không có đạo đức nghề nghiệp thì hệ lụy gây ra đối với xã hội nói chung và trực tiếp đối với cơ quan báo chí của mình và đối với bản thân mình nói riêng là không thể tránh khỏi.

Có thể một lúc nào đó, một ai đó có những thao tác lắt léo rất tinh vi vì lợi ích cụ thể trực tiếp nào đó nhưng hậu quả về sau thì không thể lường được. Chính vì vậy, sự chính trực trong làm nghề là vô cùng quan trọng. Cây bút ở trong tay những người làm báo chính trực thì mới đủ sức mạnh làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.

Tôi nhấn mạnh lại, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, sống còn đối với lao động báo chí. Làm báo là một nghề, đã gọi là nghề thì nó liên quan đến cuộc sống của mình, nó gắn với sự mưu sinh của bản thân và gia đình mình.

Không ai nói làm nghề không cần tiền, nhưng bên cạnh việc chúng ta làm nghề báo để duy trì cuộc sống, tôi nghĩ, làm nghề này phải có lý tưởng. Xã hội cần thông tin và hơn ai hết chúng ta là những người cung cấp thông tin chính xác nhất cho xã hội, để niềm tin vào sự thật, chính nghĩa và công lý luôn là ánh sáng trong cuộc đời này. Tôi nghĩ đó là lý tưởng của người làm báo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Vũ Quế (Thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dao-duc-nghe-nghiep-la-van-de-cot-loi-song-con-doi-voi-hoat-dong-bao-chi-75235.html