Đạo đức nghề nghiệp người làm báo: Kinh nghiệm từ nước ngoài

Đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ lâu đã trở thành chủ đề được cả xã hội quantâm. Ngày nay, xã hội thay đổi, phương thức tiếp cận và truyền tin cũng thay đổi, trướcyêu cầu đó đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng đạođức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí và các nhà báo.

Những ngày gần đây, dư luận thế giới rất bất bình vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: TL

Kinh nghiệm trên thế giới

Ở Indonesia, các nhà báo sẽ bị quy vào lỗi “giết người” nếu có hành động: Biến dạng thông tin, tăng hoặc giảm thông tin để tạo ra những giá trị tin tức sai sự thật; Sai lệch thực tế, phóng viên sử dụng những hành động thái quá cả việc sử dụng hình ảnh và lời nói nhằm tạo ra những thông tin kịch tính khiến người đọc hiểu sai lệch; Tấn công về quyền riêng tư.

Do muốn trở thành người đầu tiên nắm bắt được tin tức, nhà báo có xu hướng bỏ qua quyền riêng tư của người khác, ví dụ đặt các câu hỏi cá nhân cho các chính trị gia đang tham gia vào vụ bê bối; Phóng đại nhân vật, có xu hướng mô tả, khai thác và nhấn mạnh những mặt xấu của đối tượng và đưa đối tượng đó ra trước công chúng với những điểm tiêu cực không căn cứ: Vấn đề khai thác tình dục, ngộ độc tâm trí trẻ em và lạm dụng quyền lực. Một số phóng viên, biên tập viên sử dụng quyền hạn của mình nhằm đạt được những thông tin nhạy cảm mà không được phép.

Sinh viên báo chí Mỹ trong một buổi thực tập phỏng vấn. Ảnh: TL

Công tác đào tạo báo chí ở Mỹ tập trung hướng dẫn sinh viên thực hành hơn là chỉ nghe lý thuyết suông, sinh viên được tham gia vào các hoạt động thực tiễn, thảo luận theo nhóm. Sinh viên được phát triển các kỹ năng, tư duy bậc cao, phân tích tổng hợp, đánh giá... Vì thế, đây cũng là điểm mạnh cho sự khám phá của sinh viên qua thái độ và giá trị của chính họ(1) .

Ở Đan Mạch và Thụy Điển, hằng năm mỗi nhà báo được quyền tham gia ít nhất một khóa học (ngắn nhất là 7 ngày/khóa) tại một trong các trung tâm đào tạo của Hội Nhà báo hoặc một trường đại học báo chí. Điều này được quy định trong hiến chương của Liên đoàn các nhà báo. Chính vì vậy, dù nhà báo có thâm niên 20 năm hay nhà báo mới được tuyển dụng đều có quyền và nhiệm vụ được đào tạo như nhau. Để bảo đảm thực hiện được điều này, các tổng biên tập phải đóng tiền thường niên cho Quỹ Giáo dục báo chí.

Các nhà báo tự do được tham dự các khóa đào tạo do Liên đoàn Báo chí Đan Mạch tổ chức miễn phí. Kinh phí đào tạo của họ có được từ nguồn cam kết của Chính phủ và phí bản quyền xuất bản báo chí (2). Đây cũng là hình thức giúp trau dồi kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo.

Đạo đức nghề nghiệp luôn cần cho người làm báo ở mọi quốc gia. Ảnh: TL

Năm nguyên tắc cốt lõi của báo chí thế giới

Theo tổng hợp của Liên minh Đạo đức Báo chí (tổ chức đăng ký hoạt động ở Vương quốc Anh) có hơn 400 nguyên tắc về đạo đức báo chí, nhưng có thể rút ra 5 nguyên tắc cơ bản sau:

Nguyên tắc 1: Sự thật và sự chính xác

Nhà báo không phải lúc nào cũng nhận được tin tức bảo đảm nguyên tắc sự thật và sự chính xác. Tuy nhiên, nhà báo phải là người đưa thông tin thật chính xác và cung cấp tất cả sự kiện liên quan cho công chúng và những thông tin phải được kiểm tra và kiểm chứng. Nhà báo phải chịu trách nhiệm về thông tin đó. Khi nhà báo không nắm chắc thông tin, hoặc thông tin không chính xác thì không được công bố.

Nguyên tắc 2: Khách quan

Nhà báo phải là người có tiếng nói khách quan. Nhà báo không được hành động chính thức hoặc không chính thức, thay mặt cho những lợi ích chính trị đặc biệt của một công ty hoặc tổ chức, cá nhân. Nhà báo phải luôn khách quan trong ngòi bút của mình. Đặc biệt không được tạo ra sự xung đột về lợi ích, dẫn đến mất tính khách quan.

Nước mắm truyền thống Việt Nam từng bị truyền thông bẩn hủy hoại. Ảnh: TL

Nguyên tắc 3: Trung thực và công bằng

Nhà báo phải bảo đảm rằng, trong những câu chuyện tin tức phải có ít nhất 2 bên. Mặc dù không có nghĩa vụ phải trình bày tất cả, nhưng các câu chuyện phải luôn thể hiện tính công bằng, đầy đủ ngữ cảnh. Tính khách quan không phải lúc nào cũng có thể và không phải lúc nào cũng là điều mong muốn (trong khuôn mặt ví dụ về sự tàn bạo hoặc vô nhân đạo), công bằng sẽ giúp nhà báo xây dựng lòng tin và sự tự tin.

Nguyên tắc 4: Nhân đạo

Các nhà báo không nên làm hại người khác bằng câu chữ. Những gì nhà báo xuất bản hoặc phát hành có thể gây tổn thương. Chính vì vậy, trước khi viết hoặc đăng một vấn đề nào đó, nhà báo nên nhận thức được tác động của từ ngữ. Luôn vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và vì cuộc sống của người khác.

Nguyên tắc 5: Trách nhiệm

Tính chuyên nghiệp của báo chí là khả năng tự chịu trách nhiệm. Khi nhà báo mắc lỗi, cần phải sửa chữa lỗi lầm của mình, với những biểu hiện về sự hối hận và chân thành nhất mà không phải là sự hoài nghi ngược lại. Nhà báo phải là người luôn lắng nghe những lo lắng, những phản hồi của độc giả. Bản thân nhà báo không thể thay đổi những lời công chúng nhận xét, nhưng cần thực hiện các biện pháp khắc phục khi mắc lỗi (3) .

Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều có điểm giống nhau là một số người làm báo chưa đủ kiến thức về đạo đức báo chí. Ảnh: TL

Một vài gợi ý

Thứ nhất, vấn đề đạo đức báo chí luôn được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều có điểm giống nhau là một số người làm báo chưa đủ kiến thức về đạo đức báo chí, thêm vào đó là sự thiếu thận trọng, khiến công chúng hiểu sai hoặc thậm chí gây hậu quả đáng tiếc, đánh mất niềm tin của công chúng.

Khi niềm tin của công chúng bị mất, thì những giá trị mà báo chí mang lại cũng đều vô nghĩa. Chính vì vậy, quan tâm đến vấn đề đạo đức là một trong những việc bắt buộc của các nhà báo, các nhà làm truyền thông trên toàn cầu.

Thứ hai, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng và cần thiết với sinh viên báo chí và nhà báo. Giáo dục đạo đức là yêu cầu bắt buộc trong quá trình hoạt động, học tập và làm nghề. Từ sinh viên báo chí sắp vào nghề đến những nhà báo lâu năm vẫn cần phải được đào tạo và trau dồi kiến thức đạo đức nghề nghiệp. Các cơ quan chủ quản hay các cơ quan báo chí cũng có thể tham khảo các mô hình giáo dục báo chí từ các nước trong khu vực và trên thế giới, nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam nhằm đưa ra các chương trình phù hợp và có giá trị thiết thực nhất.

Thứ ba, việc giáo dục đạo đức báo chí cần không ngừng thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Không ngừng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí ngay từ trong nhà trường.

Nhà trường là cái nôi để đào tạo người làm báo, muốn làm báo có chất lượng, có tâm, có kiến thức và đạo đức nghề nghiệp, cần phải dạy sinh viên thấm nhuần, khắc ghi vào tiềm thức lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí như là “thần hộ mệnh của người làm báo”./.

Nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn*

* Phó Tổng Biên tập, Tổng đại diện khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Singapore, Tạp chí chống tham nhũng & Hợp tác Quốc tế

(1) https://teachingjournalismethics. wordpress.com/research/
(2) Đào tạo nhà báo ở Đan Mạch và Thụy Điển, VOV.vn, https://vov.vn/xahoi/dau-an-vov/dao-tao-nha-bao-o-d an-mach-va-thuy-dien-454194.vov
(3) https://ethicaljournalismnetwork. org /who-we-are/5-principles-ofjournalism

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/dao-duc-nghe-nghiep-nguoi-lam-bao-kinh-nghiem-tu-nuoc-ngoai-n11211.html