Đạo đức và phát triển

Cách đây khoảng 20 năm, người viết bài này đến thăm một tổng công ty dệt may, nơi gần như đầu tiên làm gia công, xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu. Tổng Giám đốc đưa đi thăm các hạng mục đầu tư, trong đó có nhà vệ sinh cho nữ công nhân về mùa đông, ông giải thích 'họ đến kiểm tra tận nơi, đó là một trong các tiêu chuẩn đạo đức trong sản phẩm'.

Hình minh họa

Hình minh họa

Sau đó là đến phong trào các doanh nghiệp áp dụng SA8000. SA8000 là một hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm giải trình xã hội để hoàn thiện các điều kiện làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp, trang trại hay văn phòng do Social Accountability International (SAI) phát triển và giám sát. SA8000 dựa trên Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc và một loạt các công ước khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Nói điều này để thấy một vấn đề hệ trọng: Con người xưa nay rất quan tâm đến giá trị đạo đức. Đáng tiếc, đạo đức trong xã hội đang có biểu hiện xuống cấp.

Nhận ra điều này, năm ngoái ông Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã nói trên diễn đàn Quốc hội: “Ngăn chặn tình trạng này là vấn đề căn bản, cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh, an toàn, giàu tính nhân văn và củng cố giá trị văn hóa, đạo đức - nền tảng của sức mạnh dân tộc trong dòng chảy hội nhập”.

Mọi người đều nhận thức được nguy hại của sự xuống cấp đạo đức xã hội đối với sự phát triển của dân tộc chứ không riêng ông Bộ trưởng. Ngày 10/4, khi gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, ông thấy rất xót ruột khi đạo đức xuống cấp. “Đạo đức là nền tảng tinh thần. Càng kinh tế thị trường thì càng phải quan tâm giữ gìn văn hóa, đó là bản chất của CNXH”, Tổng Bí thư nhận định.

Thế nhưng câu hỏi quan trọng là sự xuống cấp đó từ đâu mà ra thì hẳn là có rất nhiều câu trả lời. Câu trả lời nào cũng có lý do của nó và giải pháp không dễ dàng thực hiện một sớm, một chiều. Để giải đáp một cách thấu đáo, có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và bền vững thì càng khó hơn. Từ cách tiếp cận của văn hóa cũng như vậy.

Sẽ phải làm nhiều việc, tuy nhiên truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ cái chân - thiện - mỹ là vô cùng quan trọng. Về bản chất, xã hội là tốt và con người là hướng thiện. Cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ giúp đẩy lùi tệ nạn và cái xấu, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại.

Cán bộ, đảng viên phải nêu gương đạo đức trước nhân dân, người lớn phải nêu gương trước con trẻ, ứng xử đạo đức trong môi trường xã hội may ra mới khôi phục được đạo đức. Xã hội không thể phát triển bền vững nếu đạo đức bị hủy hoại.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/dao-duc-va-phat-trien-447717.html