Dạo quanh tết Bắc

Tết về Kinh Bắc tràn đầy một âm hưởng quan họ. Bên cạnh việc chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tày (mà miền Nam gọi là bánh tét), bánh gio (một thứ bánh bột lọc trộn nước gio trong) và chè lam - một thứ kẹo đặc biệt được nấu bằng mật mía cùng bột bỏng nếp và lạc rang, người Kinh Bắc còn chuẩn bị cho ngày hội Lim hát quan họ vào ngày 13 Tết.

Hoài niệm Tết trong thơ xưa

Ngày hội Lim thực là ngày hội chùa Lim. Chùa Lim được làm từ hồi nào không rõ, nhưng truyền thuyết về Bà Mụ Ả linh thiêng và truyền thuyết quan họ đã tạo ra linh thiêng của hội Lim. Từ trước Tết, người ta đã chuẩn bị cho ngày hội đó.

Suốt tháng Một (Tý), tháng Chạp (Sửu), các bọn quan họ đã say sưa luyện giọng. Bọn này mời bọn kia hát đối đáp. Ra Giêng, từ mồng 4, mồng 5 Tết từng bọn đã nhận lời mời của các thôn bạn. Rồi đến hội thì hát ngoài đổi lại hát trong nhà rồi đêm "về đê quai rảo bước, ruổi tà lụa nhạt ánh trăng đầm thẫm đường sương". ("Theo đuổi" - thơ Hoàng Cầm).

Sương sớm hồ Gươm. Ảnh: Đình Nguyễn

Sương sớm hồ Gươm. Ảnh: Đình Nguyễn

Quanh hội hát quan họ còn thi sợi bún, thi ăn mía thổi cơm, đánh đu, đánh cờ người, chọi chim, chọi gà, đốt pháo, bắt vịt. Không khí tết hội thêm tưng bừng, náo nức. Tết ở Kinh Bắc còn sống động những bức tranh làng Hồ và mềm môi trong hội làng Vân thơm nức mùi rượu gạo. Những chai đại, chai bố, chai con túy lúy cho đến tàn men.

Tết về xứ Đông mênh mang một không gian của đồng bằng. Xin cùng quay về năm Nhâm Ngọ 1942 ăn tết với nhà văn Thạch Lam ngày sinh thời. Trong một ngôi nhà gạch kiểu ánh sáng, quang đãng mà ấm cúng, giữa một vườn cây nhiều hoa trắng. Ngày Tết ở miền quê, không khí gia đình hòa lẫn vào không khí thân hữu, tự nhiên đượm một phong vị vừa thân mật, vừa sảng khoái.

Bữa rượu đầu xuân đã được uống với tất cả chất men say ngây ngất từ chính tấm lòng xuân phơi phới của mình, hòa với cái say của hương khói trong nhà, của mưa bụi ngoài trời, của lá hoa xuân hiền dịu, của mùi thơm cây cỏ ngoài vườn. Mâm cỗ Tết có đủ các trân vị của tết Bắc: Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, cá kho, giò thủ, thịt đông, cùng các món đồ nấu cổ điển rất hòa điệu.

Chất men rượu xuân xứ Đông sánh quện đầu lưỡi, ngọt lừa mà tê lịm, có thể uống như không, say ngất lúc nào không biết. Rượu đựng trong những nậm sứ cổ, rót vào chén nhỏ men trắng như ngọc, càng tôn thêm phẩm chất và hương vị. Rượu quê mà thuần chất hơn Mai quế lộ, say hơn Thanh Mai, thanh khiết hơn hết các thứ rượu cúc, rượu cẩm và cố nhiên không nên so sánh với rượu Tây, vì đây là chất men hợp với huyết thống con người Đông Phương trầm mặc.

Tết về miền cửa biển Hải Phòng ì ầm tiếng đại dương xa khơi. Nơi đây, tôi sống từ nhỏ và bắt đầu biết rằng trong cuộc đời có những ngày vui gọi là những ngày tết. Đó là Tết năm Ất Mùi 1955, Hải Phòng vẫn còn ở trong vùng 300 ngày. Tết đến, các học trò, phụ huynh đến chúc tết bố mẹ và gia đình tôi. Còn chúng tôi thì cũng ăn tết với hai cán bộ nằm vùng. Bữa ăn trưa mồng Một mẹ tôi vừa múc bát canh bóng nấu với tôm nõn bóc vỏ vừa chép miệng nhớ một người bạn chiến đấu ở vùng Nam Bộ đã hy sinh. Bố tôi thì bảo: "Bác Nguyễn Bình thích món này lắm".

Hai anh em cán bộ nằm vùng thì im lặng như cùng nhớ với mẹ tôi. Tết ấy qua, mãi khi lớn tôi mới biết đấy là một cái tết đầy nguy hiểm trước ngày Hải Phòng giải phóng. Nhưng từ đấy tôi bắt đầu biết đời tôi còn qua nhiều cái tết nữa.

Tết ở Hải Phòng, nếu muốn thì có thể đến một lễ hội đốt pháo khá long trọng. Đâu chỉ có ở Đồng Kỵ mới có hội thi đốt pháo. Ở đây, trong ngày mồng 4 Tết, khi nắng xuân dát một màu vàng cốm, khi trên mỗi nhành cây hoa là còn đọng những giọt sương mai óng ánh trong suốt, dân làng rủ nhau theo tiếng trống đến hội thi đốt pháo.

Khi các làng rước pháo đến, sân đình càng náo nhiệt. Những quả pháo lớn chiếm diện tích khá rộng. Trẻ con chạy lăng xăng, đứa vuốt thân pháo một cách trìu mến, đứa nghịch ngợm leo tót lên thân pháo hò hét, tay ra roi như phi ngựa.

Chính Ngọ, sau khi lễ hội khóa lễ vọng thành hoàng đã mời các vị cao niên lên làm giám khảo. Ba hồi trống đại gióng giả báo hiệu cuộc thi bắt đầu. Một chàng trai lực lưỡng đầu chít khăn nhiều màu, thắt dải lưng xanh với bộ quần áo sa tanh màu mận chín nhanh nhẹn bước ra. Một chiếc pháo hiệu lóe sáng. Chàng trai vẫy tay. Những tiếng nổ như trời long, đất lở mang niềm vui mùa xuân cửa biển bay lên không gian. Khói thuốc pháo mù mịt bầu trời.

Tết về Hà Nội, xin đi theo một đoạn văn kiệt tác của Vũ Bằng.

"Anh có thể đạp xe trên Hồ Gươm, đợi đến xâm xẩm tối ra ngồi ở Thủy Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình xuống đáy nước lung linh. Anh có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống, "mở quả mứt" phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu lấy may. Anh có thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút, đưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuống bên cạnh cầu trời khấn Phật cho cô càng ngày càng đẹp và trong năm lấy được một anh chồng xứng ý như… anh vậy.

Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi, nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy".

Nguyễn Thụy Kha

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/dao-quanh-tet-bac-578366/