Đào Quốc Minh và mối lương duyên bất ngờ với thơ ca

Đào Quốc Minh SN 1986 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Bố làm thầy giáo. Mẹ là Thạc sĩ Văn học (bảo vệ Th.S văn học tại trường Macxim Gioócki (Liên Xô cũ-nay là Liên bang Nga). Minh tốt nghiệp Cử nhân trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và chuẩn bị học Văn bàng 2 tại khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội (tiền thân là trường viết văn Nguyễn Du). Đào Quốc Minh bắt đầu làm thơ từ năm 2007 đến nay đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập thơ gây ấn tượng bạn đọc…

Minh vốn là cậu học sinh giỏi Toán, Lý. Ngay từ hồi nhỏ, cậu đã bộc lộ rõ tố chất là một đứa bé thông minh, nhanh nhẹn. Liên tục trong 12 năm học phổ thông, Minh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường với điểm tổng kết trung bình các năm học đạt 8,7. Ngay từ cấp 2, Minh đã có mặt trong đội tuyển Toán của trường tham dự các kỳ thi cấp quận. Lên cấp ba, Minh đã thi đỗ vào lớp chuyên Toán (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng em không theo học ở đó mà chuyển sang học tại trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Với sự thông minh, nắm chắc kiến thức ngay từ cấp 1, Minh sớm khẳng định được lực học của bản thân được thầy cô đánh giá cao và bạn bè nể phục. Từ lớp 10, Minh đã có mặt trong đội tuyển Toán và Lý của trường Việt Đức tham gia kỳ thi cấp TP.

Cũng trong năm này, Minh đã giành giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán cấp TP Hà Nội. Bước sang năm lớp 11, em tiếp tục tham gia đội tuyển của trường dự thi và giành giải Nhì môn Vật Lý và giải Ba môn Toán cấp TP. Lên lớp 12, em tiếp tục có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi hai hôn Toán và Lý của trường. Nhưng sau đó Minh xin không tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp TP để tập trung cho việc ôn thi tốt nghiệp và kỳ thi ĐH năm đó. Điều đặc biệt khác, Minh không chỉ học giỏi các môn khoa học tự nhiên mà em còn giỏi văn (từ lớp 9-12), năm học nào Minh cũng đạt từ 8,0 trở lên. Cũng trong thời gian này, ước mơ lớn nhất của Minh là thi vào trường ĐH Ngoại thương và đam mê kinh doanh…

Nhà thơ Đào Quốc Minh. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tuy nhiên, một điều thật trớ trêu đã ập đến với em sau một tai nạn giao thông khiến Minh bị chấn thương nặng và sớm phải từ bỏ mọi ước mơ, hoài bão của mình để chữa bệnh. Sau vụ tai nạn, Minh bị mất trí nhớ và phải nằm điều trị mất hơn 3 năm. Gia đình Minh đã phải tìm đến rất nhiều tỉnh, TP trong cả nước và các thầy thuốc đông y để lấy thuốc chữa bệnh cho em. Thế nhưng, dòng dã suốt hơn 2 năm trời cắt và uống đủ thứ các loại thuốc (đông y lẫn tây y) bệnh tình của Minh không thuyên giảm. Song, điều kỳ diệu đã đến với em và gia đình (đầu năm 2006), Minh đã may mắn gặp được Bác sĩ Cao Thanh Tùng (Bệnh viện Mai Hương) đã trực tiếp chữa trị cho em bằng thuốc tây y, bệnh tình của em thuyên giảm nhanh chóng. Đến kỳ thi tuyển sinh năm 2006-2007, khi bệnh tình của em phục hồi tốt, Minh đã xin ý kiến của BS Tùng và bố mẹ, sau đó em quyết tâm thi và đỗ vào trường ĐH kinh doanh & công nghệ Hà Nội trong niềm vui khôn tả của bản thân và gia đình, cũng như bạn bè em.

Cũng trong quá trình điều trị trấn thương (năm 2007), do có khiếu văn chương nên em bắt đầu làm thơ. Ban đầu là những bài thơ tặng thầy cô dịp 20-11. Rồi cứ thế, Minh viết hết bài này sang bài khác, với nhiều đề tài khác nhau như tình thầy trò, bạn bè, quê hương đất nước, các địa danh mà e đã đi qua…

Mặc dù bị bệnh tật, song cảm hứng sáng tác của Minh thì vô tận. Cho đến nay, Minh đã viết được 11 tập thơ và đã xuất bản được ba tập (dự kiếm mỗi năm Minh xuất bản 1 tập thơ). Đào Quốc Minh sáng tác không thiên về những tình cảm cá nhân, những than thân trách phận, những tâm sự bi ai…. Minh quan tâm đến tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên, lịch sử và những vấn đề xã hội, thậm chí là những vấn đề thời sự liên quan đến lớp trẻ. Đây là một điều rất đặc biệt và lạ lùng. Có lẽ vì vậy mà nhiều bài thơ của Minh có chất hùng ca, tráng ca với âm hưởng mang đậm sự hoài niệm của một người lớn tuổi hoặc trung niên ngẫm về thế sự. Bài thơ đầu tiên Minh viết với tiêu đề “Thầy tôi” dành tặng thầy giáo Lê Mộng Ngọc - chủ nhiệm những năm học cấp ba. Và một thời gian sau, bài thơ này đã được nhạc sĩ Lê Gia Hiếu phổ nhạc và được hát trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam.

Sau tập thơ “Hoa xuân và nắng hồng 1” được ra mắt bạn đọc cuối năm 2008, đến tháng 7-2009, Minh tiếp tục trình làng tập “Hoa xuân và nắng hồng 2”. Từ cảm hứng hùng tráng, hướng ngoại với phần lớn những bài thơ dài, Minh đã quyết định thu nhỏ kích cỡ bài thơ xuống mức tối thiểu, để tăng sức nặng một cách tối đa. Từ việc dùng ngôn từ để trình diễn ý tưởng, nhiều chỗ không thoát khỏi cảm giác trang điểm (dù không cố ý), Minh chuyển sang chăm chút ngôn từ là yếu tố chính của một bài thơ. Và đây là một quyết tâm lớn để vượt qua chính mình toát lên từ những con chữ của Minh.

Ở tập thơ “Mưa tháng ba” (2010), Đào Quốc Minh đã cho thấy những điều lạ, nét lạ ấn tượng ngay từ tên tập thơ đối với người đọc. Điểm đáng chú ý khác, Minh đã “thay đổi” khác mình đi, bạn đọc có thể nhận thấy một Đào Quốc Minh hoàn toàn mới. Anh bắt đầu tìm thấy một sự thoải mái, tung tẩy khi trình bày ý tưởng mang màu sắc triết lý…

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét về “nhà thơ mới” Đào Quốc Minh: “Đọc Hoa xuân và nắng hồng 2 và Mưa tháng ba của Minh lần này thấy cảm giác rõ nhất là một quyết tâm lớn vượt qua chính mình. Với người làm thơ còn trẻ thì điều đó đồng nghĩa với hy vọng. Và không phải ai cũng đủ bản lĩnh làm được việc này. Đó là điều đáng mừng và đáng nói nhất khi khép lại tập thơ thứ 2 và thứ 3 của Minh…”.

Nguyễn Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dao-quoc-minh-va-moi-luong-duyen-bat-ngo-voi-tho-ca-166918.html