Đào tạo kỹ thuật chuyên môn cho bác sĩ về phục hồi chức năng đột quỵ não

33 bác sĩ làm công tác phục hồi chức năng (PHCN) tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành khóa đào tạo kỹ thuật chuyên môn về PHCN đột quỵ não cơ bản được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Hòa Nhập 1.

Theo số liệu được báo cáo trong Hội nghị Quốc tế về đột quỵ ngày 5/11/2022 tại Hà Nội, mỗi năm có khoảng trên 200.000 trường hợp đột quỵ tại Việt Nam. Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Các trường hợp may mắn sống sót phải chịu di chứng khuyết tật nặng nề và có nhu cầu cao về can thiệp PHCN một cách tích cực và phối hợp đa chuyên ngành.

Trong nhóm PHCN đa chuyên ngành, ngoài trách nhiệm chẩn đoán tình trạng bệnh lý, điều trị cho người bệnh theo chuyên môn của mình, bác sĩ PHCN đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các lĩnh vực chức năng cần được lượng giá, can thiệp, xác định các thành viên cho nhóm PHCN đa chuyên ngành và điều phối hoạt động điều trị của nhóm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực của bác sĩ PHCN, trong khuôn khổ Dự án Hòa Nhập 1, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã phối hợp với Bệnh viện (BV) Bạch Mai tổ chức khóa đào tạo kỹ thuật chuyên môn về PHCN đột quỵ não cơ bản dành cho bác sĩ với thời lượng 10 buổi học, từ 23/4 – 10/5/2024.

Khóa học có tổng số 40 tiết học, gồm 16 tiết lý thuyết giảng dạy trực tuyến và 24 tiết thực hành lâm sàng giảng dạy trực tiếp tại BV PHCN tỉnh Thừa Thiên Huế. Đội ngũ giảng viên là các bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm lâm sàng trong các lĩnh vực Vật lý trị liệu (VLTL), Hoạt động trị liệu (HĐTL), Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) và chỉnh hình.

Thực hành lâm sàng lượng giá rối loạn nuốt & thực hành kê đặt tư thế

Thực hành lâm sàng lượng giá rối loạn nuốt & thực hành kê đặt tư thế

Mục tiêu khóa học là trang bị cho các bác sĩ kiến thức và kỹ năng cơ bản trong điều trị và PHCN người bệnh đột quỵ não. Kết thúc khóa học, học viên có khả năng xác định được các tiêu chuẩn bắt đầu và tiêu chuẩn dừng tập PHCN, lượng giá người bệnh bằng thang NIHSS (National Institutes of Health Stroke Scale - thang đo đột quỵ của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) chỉ định và thực hiện các bài tập vận động trị liệu, các kỹ thuật lượng giá HĐTL, đánh giá được rối loạn nuốt, rối loạn vận ngôn tại giường.

Với phương châm "lấy người học làm trung tâm", trong học phần lý thuyết học viên được khuyến khích chủ động tìm hiểu về chủ đề sẽ học theo nhóm; sau đó thuyết trình tại lớp về nội dung kiến thức đã tìm hiểu, đồng thời đặt ra các câu hỏi, các vấn đề mong muốn được giảng giải cụ thể hơn.

Đặc biệt, trong học phần thực hành, học viên được giảng dạy và hướng dẫn về các kỹ thuật PHCN. Mục tiêu của nội dung này không phải là đào tạo để các bác sĩ thực hiện thay nhiệm vụ của kỹ thuật viên PHCN, mà giúp các bác sĩ hiểu rõ nguyên lý và cơ chế hoạt động của các kỹ thuật PHCN, bao gồm lý do thực hiện và cách thức thực hiện hiệu quả.

Giảng viên NNTL, BS. CKI Lê Thị Phương Dung, Trung tâm PHCN, BV Bạch Mai, cho biết:

"Học viên có trình độ và kinh nghiệm lâm sàng không giống nhau, nên tôi ưu tiên giúp học viên nắm vững nền tảng lý thuyết cơ bản trước, sau đó dành thời gian giải thích những nội dung mở rộng cho những học viên có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn."

BS. Nguyễn Khắc Tân, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế, chia sẻ: "Qua khóa học, tôi đã nắm chắc được quy trình đánh giá rối loạn nuốt, khi nào sử dụng cách lượng giá gián tiếp, trực tiếp để xác định người bệnh có bị rối loạn nuốt hay không, nhằm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp".

BS. Trần Thị Thu Hà (thứ ba, trái) thực hành lượng giá bệnh nhân.

BS. Trần Thị Thu Hà (thứ ba, trái) thực hành lượng giá bệnh nhân.

BS. Trần Thị Thu Hà, TTYT huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Tôi được hướng dẫn, giảng giải kĩ càng từng bước về các thang lượng giá như thang lượng giá NIHSS, lượng giá thăng bằng Berg… Trước đây tôi mới chỉ được tiếp cận với các công cụ này qua sách vở. Tôi sẽ áp dụng các thang đo này vào việc lượng giá cho bệnh nhân đột quỵ tại TTYT".

Nhận xét về khóa đào tạo, PGS.TS. Đỗ Đào Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm PHCN, BV Bạch Mai, cho biết:

"Tôi đánh giá cao học viên ở tinh thần cầu thị, có trách nhiệm trong việc chuẩn bị trước các nội dung được giao và chủ động trong quá trình học tập. Tôi mong rằng, các học viên sẽ vận dụng tối đa những nội dung đã học trong công tác chuyên môn tại cơ sở y tế, cũng như tham vấn cho lãnh đạo đơn vị để triển khai áp dụng các công cụ lượng giá, quy trình thực hành PHCN đã được đào tạo một cách rộng rãi tại đơn vị, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng PHCN."

Kết thúc khóa học, 33 học viên đều đủ điều kiện để được BV Bạch Mai cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn về PHCN đột quỵ cơ bản kèm theo danh mục các kỹ thuật được đào tạo.

Giảng viên, BS. CKI Lê Thị Phương Dung trao chứng chỉ cho học viên.

Giảng viên, BS. CKI Lê Thị Phương Dung trao chứng chỉ cho học viên.

Dự án Hòa Nhập 1 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET). Đơn vị quản lý là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). MCNV là đơn vị thực hiện, tham gia hai nội dung chính là đào tạo nhân lực và cung cấp dịch vụ PHCN.

Phi Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dao-tao-ky-thuat-chuyen-mon-cho-bac-si-ve-phuc-hoi-chuc-nang-dot-quy-nao-169240521121213957.htm