Đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa nhắm trúng nhu cầu của doanh nghiệp

Người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Một trong những nguyên nhân của rào cản này, theo ông Vũ Đức Thắng- Trưởng phòng Tư vấn Giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa nhắm trúng đến nhu cầu của doanh nghiệp.

Người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm việc làm

Anh Lê Việt Cường (đứng) cùng các nhân viên ở Vụn Art

Anh Lê Việt Cường (đứng) cùng các nhân viên ở Vụn Art

Là Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), anh Lê Việt Cường cho biết, Vụn Art đến nay hoạt động được 6 năm nhưng trong đó có đến 3 năm đầu dành thời gian để dạy nghề. Không nhiều cơ sở nhận người lao động khuyết tật chưa qua đào tạo như Vụn Art. "Vụn Art có 95% lao động là người khuyết tật (NKT), trong đó có đủ dạng tật. Đặc biệt, có 40% là người tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Với những lao động tự kỷ, việc đào tạo nghề vô cùng khó khăn. Có những em, dạy 4 năm vẫn không làm được nghề. Điều mà em đó học được trong 4 năm là có thể tự đi xe bus, tự phục vụ bản thân. Mỗi một dạng tật đều có những khó khăn riêng. Với những em bị điếc, việc truyền tải kiến thức thật không dễ dàng. Với những em bị khuyết tật vận động, ảnh hưởng rất nhiều đến sự di chuyển…", anh Cường cho biết.

Theo anh Cường, với vấn đề tìm việc làm của người khuyết tật, yếu tố gia đình là quan trọng nhất. "Nhiều gia đình nghĩ con khuyết tật thì sẽ không làm được gì nên bỏ mặc, buông xuôi con. Một số gia đình có điều kiện thì lại chiều con quá. Điều cần nhất là các gia đình rèn cho con sống tự lập, phối hợp với trường dạy nghề để định hướng nghề cho con. NKT nào cũng có thể làm được việc, miễn đó là công việc phù hợp với khả năng của họ". Điều mà anh Cường trăn trở, đó là làm sao khuyến khích và phát triển nghề phù hợp với trình độ, khả năng của NKT. "Các trường dạy nghề cần phải thay đổi. Đó là, không dạy nghề mà thị trường không cần. Thực trạng của các trường dạy nghề cho NKT hiện nay là dạy nghề đơn giản, không phù hợp với nhu cầu thị trường, không có tính sáng tạo, đột phá. Chỉ khi nào trường dạy nghề cho NKT tiếp cận được với thị trường thì NKT mới có được việc làm".

Học sinh tại lớp dạy nghề dự án phục hồi chức năng cho thanh niên khuyết tật thông qua dạy nghề tại Hà Nội

Là người khuyết tật, Đậu Thị Hải Hà (sinh năm 1996, quê Nghệ An) cũng phải luôn tìm hiểu thị trường việc làm để đi học nghề. Tốt nghiệp ĐH Vinh, Hải cũng "trầy trật" với hành trình đi xin việc làm chỉ vì bị khuyết tật cả chân và tay. May mắn, Hải cũng xin được làm nhân viên văn phòng sau rất nhiều lần bị các doanh nghiệp từ chối. Hải cho biết, điều khó khăn nhất của em khi đi làm là hòa nhập với môi trường làm việc. Em luôn tự ti, mặc cảm và rất khó hòa nhập với các đồng nghiệp.

Mới đây, Hải Hà là người đầu tiên bị sa thải khi công ty gặp khó khăn. Em đã tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều về thị trường công việc, đặc biệt là thị trường công việc dành cho NKT. "Em đang đi học thiết kế web. Đây là công việc phù hợp với NKT như em, vì ở nhà em cũng có thể làm được việc". Theo Hải Hà, trong cộng đồng NKT của em, nhiều thanh niên khuyết tật không tìm được việc làm. "Do họ không được đào tạo nghề nên họ không tìm được việc phù hợp. Hiện tại, có nhiều nghề phù hợp với NKT như photoshop, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin. Các bạn khuyết tật nên chủ động tìm hiểu thị trường lao động để có kế hoạch đi học nghề phù hợp".

Theo ông Vũ Đức Thắng, đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa nhắm trúng, nhắm đúng đến nhu cầu của các doanh nghiệp

Chia sẻ về khó khăn của NKT khi đi tìm việc, ông Vũ Đức Thắng- Trưởng phòng Tư vấn Giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trước năm 2012, khi nói đến việc làm của NKT, chỉ nói đến tăm tre, chổi đót. Nếu khoanh vùng việc làm của NKT, như vậy chính chúng ta khoanh vùng, xây rào cản ước mơ của NKT. Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội không phân biệt việc làm cho NKT hay không khuyết tật, mà dựa trên các kỹ năng nghề làm việc tại các doanh nghiệp. Chúng tôi mong các doanh nghiệp đã sử dụng NKT lan tỏa với các doanh nghiệp khác là sử dụng NKT không với mục đích nhân đạo mà NKT hoàn toàn có khả năng lao động".

Nói về khó khăn trong công tác giới thiệu việc làm cho NKT, ông Vũ Đức Thắng cho biết: Số lượng các đơn vị sẵn sàng sử dụng lao động là NKT còn ít, thông tin về vị trí việc làm trống còn hạn chế và chưa đa dạng; Công tác đào tạo nghề cho NKT còn chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đặc biệt, đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa nhắm trúng, nhắm đúng đến nhu cầu của các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn các chương trình đào tạo càng sát với nhu cầu của các doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không quan tâm người lao động có phải là NKT hay không.

Ông Kwon O Seong - Giám đốc chi nhánh Angels' Haven Việt Nam

Nhằm tăng cường năng lực nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật để mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam, tổ chức Angels' Haven Việt Nam đã thực hiện Dự án "Thí điểm phục hồi chức năng thông qua đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam. Ông Kwon O Seong - Giám đốc chi nhánh Angels' Haven Việt Nam, cho biết: Dự án nhằm xây dựng chương trình dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, nâng cao nhận thức về khuyết tật và thành lập mạng lưới hỗ trợ hòa nhập xã hội cho thanh niên khuyết tật, cung cấp các khóa đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật (làm bánh và pha chế; Thiết kế đồ họa và dán nhãn dữ liệu), vận động chính sách về dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật.

"Chúng tôi mong muốn nâng cao hơn nữa hiểu biết của mình về việc làm cho người khuyết tật thông qua các hội thảo kết nối các tổ chức người khuyết tật tại Hà Nội và cung cấp cơ hội thực tập và việc làm cho thanh niên khuyết tật đang theo học tại hai trung tâm đào tạo nghề mà chúng tôi hỗ trợ" Ông Kwon O Seong - Giám đốc chi nhánh Angels' Haven Việt Nam chia sẻ.

N.M

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dao-tao-nghe-cho-nguoi-khuyet-tat-chua-nham-trung-nhu-cau-cua-doanh-nghiep-20230530161542798.htm