Đào tạo nghề cho nông dân theo thẻ: Không thể làm ào ào mà xong!

Ngày 20/10, cuộc họp dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ NN- PTNT, Bộ LĐ-TB& XH, Bộ Tài chính về nội dung hướng dẫn chế độ quản lý, phát hành, sử dụng “Thẻ học nghề nông nghiệp” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Đào Xuân Học.

Theo Vụ Tổ chức, Cán bộ (Bộ NN- PTNT) thời gian dạy nghề sẽ dưới 3 tháng, gồm 4 lĩnh vực đào tạo: Thứ nhất là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Thứ hai là chế biên nông lâm thủy sản. Thứ ba là quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Cuối cùng là quản lý và dịch vụ nông nghiệp. Đối tượng đào tạo sẽ là lao động nông thôn trong độ tuổi (16- 55) có nhu cầu học nghề gồm lao động nông thôn trực tiếp sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp…) và lao động nông thôn đang làm dịch vụ kinh tế, kỹ thuật (thú y, BVTV, giống, vật tư, chế biến…). Trình tự, thủ tục đăng ký học nghề theo dự thảo, Sở LĐ, TB& XH cung cấp thông tin về nghề đào tạo và chính sách liên quan đối với lao động tại địa phương thông qua xã. Người lao động lựa chọn nghề và đăng ký với xã, xã tổng hợp và báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh. Hàng năm Bộ NN- PTNT sẽ tổng hợp nhu cầu học nghề nông nghiệp trong cả nước rồi giao chỉ tiêu đào tạo cho các tỉnh. Các cơ sở dậy nghề thông báo tuyển sinh tới các xã để lao động lựa chọn và nộp đơn. Dự kiến mỗi lao động nông thôn đủ điều kiện được cấp 1 thẻ trong vòng 5 năm và thẻ sẽ có giá trị trong 2 năm. Thẻ học nghề nông nghiệp sử dụng không đúng quy định sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. Liên quan đến chế độ thanh quyết toán, các cơ sở dạy nghề sẽ thanh quyết toán kinh phí dạy nghề với Kho bạc Nhà nước căn cứ vào số lượng thẻ, chi phí đào tạo thực tế, giấy chứng nhận và chứng chỉ học nghề đã cấp cho học viên nhưng không cao hơn giá trị “Thẻ học nghề nông nghiệp”. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề cao hơn giá trị của thẻ thì học viên tự chi trả phần chênh lệch. Thứ trưởng Đào Xuân Học gợi mở cần làm rõ việc in, phát thẻ là trách nhiệm của cơ quan nào? Việc thanh toán đào tạo nghề ra sao? Các trường đều muốn thanh toán tại kho bạc gần nhất nơi trường đóng cho tiện nhưng Bộ Tài chính lại quy định nơi nào học viên ở nơi nào thì thanh toán nơi đó. Tất cả những điều đó cần phải được các chuyên viên, lãnh đạo các Vụ, Cục của các Bộ chụm lại bàn luận cho thật kỹ. Thứ trưởng Đào Xuân Học nói: “Động lực nào để đổi mới các trường đào tạo nghề? Đó chính là thẻ học nghề, thứ mà cho người nông dân quyền có thể tự quyết. Có thẻ, nơi nào, trường nào đào tạo tốt thì họ tìm đến học và ngược lại”. Theo Thứ trưởng: “Bước một chúng ta thí điểm dạy nghề cho nông dân nên không quan tâm đến số lượng mà chỉ quan tâm chất lượng đào tạo. Để đạt được con số 300.000 nông dân được đào tạo một năm không thể một chốc lát đạt được càng không thể làm ồ ạt”. Đại diện Bộ LĐ-TB& XH cho rằng, trong thời gian thí điểm của đề án, Bộ NN- PTNT sẽ là cơ quan chính thực hiện, khi đào tạo rộng rãi các Bộ khác mới tham gia nhiều vào. Đại diện Cục nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho biết hệ thống các trường quân đội cũng sẵn sàng mời Bộ NN- PTNT đến thẩm định để tham gia chương trình dạy nghề cho nông dân. Kinh nghiệm khi dạy nghề cho nông dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, bộ đội phải mang thiết bị, giống cây trồng, con nuôi đến từng xã, vận động bà con cũng không muốn đi, thậm chí phải…cho tiền thì họ mới đi học. Đại diện của Hà Nội cho rằng giới hạn đến 55 tuổi cho việc học nghề như dự thảo là chưa đủ mà phải 60 tuổi, đối tượng học sinh, thậm chí những người đã tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc muốn chuyển sang học nghề thì phải đào tạo dài hạn chứ không thể đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng được. Một vấn đề hết sức quan trọng khác được bàn luận sôi nổi là thanh toán giữa người có thẻ ở địa phương này học nghề ở địa phương khác thế nào?

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/41309/default.aspx