Đào tạo nghề gắn 'học đi đôi với hành'

Hiện, dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn tại tỉnh Hòa Bình chiếm trên 80% tổng số lao động. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng, theo đó một trong những cách làm đang cho thấy hiệu quả của địa phương này là đẩy mạnh 'học đi đôi với hành', tức là lao động nông thôn học nghề, làm việc trực tiếp tại tổ hợp tác, HTX…

Đơn cử như HTX mây, tre đan xóm Bui (xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) được thành lập năm 2020, với 25 thành viên là hội viên Hội Phụ nữ. Sau 2 năm, HTX hoạt động ngày càng hiệu quả. Các sản phẩm mây tre đan làm thủ công, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, được thị trường ưa chuộng, nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh, thành phố và xuất khẩu đi nước ngoài. Nhờ đó, HTX tạo việc làm ổn định cho khoảng 150 thành viên, với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng và hơn 200 lao động thời vụ tại địa phương, với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Hàng trăm nghìn lao động được giải quyết việc làm

Đáng chú ý, HTX còn phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ các xã: Vũ Lâm, Yên Phú, Văn Sơn và thị trấn Vụ Bản, từng bước góp phần mở rộng vùng sản xuất nghề mây tre đan ra toàn huyện Lạc Sơn.

Lao động nông thôn ở Hòa Bình được học nghề, thực hành tại các tổ hợp tác, HTX.

Hay ở huyện Mai Sơn, bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, cho biết để nâng cao tay nghề, đa dạng mẫu mã sản phẩm, các thành viên trong HTX đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm mới và kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên, hoạt động marketing do Hội Nông dân huyện tổ chức.

Từ đó, sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn được đưa đến các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Công việc hiện tại đã góp phần giúp cuộc sống của các thành viên trong HTX ổn định hơn.

Nhờ làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là phát huy thế mạnh về du lịch trong những năm qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mai Châu.

Theo thống kê, hiện dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn tại tỉnh Hòa Bình chiếm trên 80% tổng số lao động. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã đặc biệt quan tâm tạo việc làm cho lao động đảm bảo an sinh xã hội. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả khả quan góp phần tích cực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 177.000 lao động, bình quân 16.000 lao động mỗi năm, trong đó đã giải quyết việc làm cho 4.000 người thông qua xuất khẩu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.

Lấy giá trị sản xuất làm kết quả dạy nghề

Những kết quả trên là nhờ vào việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn "học đi đôi với hành". Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, cho hay thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, dạy nghề và hỗ trợ nông dân theo từng năm; giao Trung tâm Hỗ trợ nông dân xây dựng kế hoạch tuyển sinh sát với yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của các cấp Hội, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân.

Hội phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề của tỉnh bố trí các giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp nghề; địa điểm tổ chức các lớp nghề được chọn giảng dạy, học tập gắn với các cơ sở sản xuất tổ hợp tác, HTX, trang trại; phương pháp dạy nghề theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, chú trọng thực hành, kỹ năng thao tác nghề, đào tạo hội viên nông dân đến khi làm được nghề mới kết thúc.

Như vậy, với cách đào tạo nghề phải chú trọng “học đi đôi với hành”, lấy giá trị sản xuất làm kết quả dạy nghề, lấy kết quả thực tế làm kết quả đánh giá học tập mới đạt được hiệu quả: Đúng đối tượng, phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất tại địa phương, song hành vừa học lý thuyết vừa thực hành áp dụng ngay thực tế tại hộ sản xuất, cơ sở; người học dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân các cấp quan tâm hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, phân bón... để phát triển sản xuất. Đặc biệt, là hỗ trợ giới thiệu làm sau đào tạo cho hội viên nông dân. Hiện nay, có trên 90% người học nghề đã có việc làm với mức thu nhập trung bình từ 4,5 - 6,5 triệu/tháng.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cho biết sẽ tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của dạy nghề; Gắn việc đào tạo nghề với đầu ra tạo việc làm cho người lao động thông qua các mô hình tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp; Đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề cho lao động theo hướng đáp ứng nhu cầu việc làm của thị trường; Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội…

Thu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/dao-tao-nghe-gan-hoc-di-doi-voi-hanh-1089526.html