Đào tạo nghề phải gắn với địa chỉ cụ thể

Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh khi làm Trưởng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Sơn La nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Sơn La.

Cùng đi với đoàn có ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Sơn La.

Ông Cao Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Sơn La cho biết, là ngôi trường có bề dày 45 năm trong công tác đào tạo nghề, hiện trường đang đào tạo ở 3 cấp Cao đẳng, Trung cấp với khoảng 1.500 đến 2.000 HSSV/năm và Sơ cấp với lưu lượng 1000 học viên/năm với các khoa Điện - Điện tử, Cơ khí Hàn - Xây dựng, Cơ ký Động lực, Công nghệ Thông tin, Khoa học cơ bản - Dân tộc nội trú và vận hành Ô tô - Máy thi công.

Nhà trường hiện đang phục vụ hiệu quả công tác đào tạo nghề ở 3 cấp độ: 3 nghề ở cấp độ quốc tế (công nghiệp ô tô, Hàn và Điện công nghiệp), 1 nghề ở cấp độ khu vực ASEAN (vận hành nhà máy thủy điện) và 2 nghề cấp độ quốc gia (Kỹ thuật xây dựng và vận hành máy thi công nền).

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã được nhà trường triển khai kịp thời, cán bộ, viên chức, nhân viên nhà trường đã nắm vững quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, với mục tiêu đào tạo theo hướng tiếp cận, hướng tới thị trường sau đào tạo làm thước đo, gắn đào tạo với nhu cầu đa dạng của xã hội và cơ hội việc làm của người học, nhà trường đã luôn đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới.

Nhà trường đã rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực hành để nâng cao kỹ năng nghề và mời các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia thẩm định chương trình trước khi ban hành.

Do đặc thù là đơn vị đào tạo nghề, thời lượng giờ thực hành chiếm tới 70%, trong khi đó kỹ thuật công nghệ luôn thay đổi, chính vì vậy, để đảm bảo hướng dẫn HSSV thực hành bám sát theo sự phát triển và yêu cầu của người lao động, nhà trường đã tạo điều kiện để giáo viên chủ động liên hệ tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, học hỏi kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường đang nghiên cứu xây dựng chương trình kết nối doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV được thực hành nghề nhiều hơn tại doanh nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của trường.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, trong quá trình hội nhập hiện nay, trường cần tiến hành khảo sát nguồn nhân lực, khảo sát thực trạng đào tạo để đưa ra phương án đào tạo, phương án đầu tư khoa học, kỹ thuật để đón nguồn việc làm trong 5-10 năm tới, phục vụ nhu cầu việc làm của tỉnh Sơn La nói riêng và của vùng Tây Bắc nói chung.

Ông Phạm Văn Thủy cũng chỉ ra thực tế, thị trường lao động hiện không đơn thuần để hợp lý hóa bằng cấp đối với việc đào tạo trình độ cho người sử dụng lao động thực thụ, chính vì vậy thay vì kiểm soát chất lượng đầu vào, nhà trường cần phải kiểm tra chất lượng đầu ra của sinh viên. Đồng thời nhà trường cần phải tạo ra cơ chế đào tạo, địa chỉ đào tạo cụ thể, chi phí thực tế cho sinh viên thực hành tại các khoa để trang bị điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đạo tạo và khi sinh viên ra trường sẽ đáp ứng được yêu cầu hiện tại của công việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ghi nhận những kết quả đạt được của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Sơn La, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định, nhà trường đã năng động, tích cực trong quá trình triển khai và bước đầu đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp của địa phương.

Từ thực tế mô hình đào tạo của Trường, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị nhà trường cần tiếp tục tập trung huy động nguồn lực để bổ sung trang thiết bị dạy học, khuyến khích học bổng từ các doanh nghiệp cho học sinh và huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo chuyên ngành cho học sinh sau khi ra trường nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tăng cường nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học để tìm kiếm nguồn lực sao cho phù hợp với thực tế đào tạo của trường và địa bàn tỉnh Sơn La.

“Đào tạo nghề phải gắn với địa chỉ cụ thể, những khoa có bề dày truyền thống cần định hướng đào tạo cho học sinh đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy, doanh nghiệp trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Phải làm sao huy động được doanh nghiệp tìm đến trường để đặt hàng đầu ra cho sinh viên”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh gợi mở.

Diệp Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/dao-tao-nghe-phai-gan-voi-dia-chi-cu-the-tintuc420121