Đào tạo người đẹp VN tranh tài ở đấu trường quốc tế .Bài 1: Thừa nhan sắc, thiếu kinh nghiệm

Mỗi năm, cuộc thi Hoa hậu Thế giới thu hút hơn 100 thí sinh đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, còn có 4 cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất, Nữ hoàng du lịch quốc tế. Những năm gần đây, vẻ đẹp Việt Nam đã phần nào được thế giới biết đến, thông qua sự có mặt của họ tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Chỉ có điều, kết quả cao trong những cuộc thi này vẫn… ngoài tầm tay chúng ta.

Hữu xạ vẫn phải... thêm hương Hữu xạ tự nhiên hương, tuy nhiên đặt trong bối cảnh hôm nay câu nói này đã có phần lạc hậu, nhất là lấy nhan sắc làm ví dụ. Nếu chỉ trong địa bàn nhỏ như một phường, xã, một quận, huyện thì nhan sắc còn có thể tự nhiên “tỏa hương”. Nhưng đã nâng tầm lên thành phố, quốc gia, khu vực hoặc thế giới thì cái gọi là “xạ” đó đã không còn đủ sức để “tự nhiên hương” được nữa mà cần phải được quảng bá, tôn vinh và nâng tầm. Tiêu chuẩn của nhan sắc cũng cần được quốc tế hóa nếu thực sự muốn so tài. Chẳng phải “tự nhiên” mà Venezuela, Ấn Độ được xem là những quốc gia sản sinh ra người đẹp. Hai quốc gia này có số lần đăng quang hoa hậu thế giới bằng nhau (5 lần), kế đó là Anh (4 lần)… Lời đồn đại về một dây chuyền công nghiệp đào tạo người đẹp dự thi hoa hậu thế giới ở các nước là có thật. Venezuela có hẳn một trung tâm chuyên tuyển chọn và đào tạo người đẹp tham dự các cuộc thi hoa hậu. Báo chí nước ngoài cũng nhìn nhận: dây chuyền đào tạo hoa hậu của Venezuela phơi bày sự thật về con đường đến với ngôi vị của các người đẹp không rải hoa hồng mà đầy nhọc nhằn, khổ luyện. Chọn ra được những cô gái có tố chất trở thành hoa hậu, trung tâm này liền “phù phép” biến những gì chưa hoàn hảo trên gương mặt và thân thể các cô gái thành gần như hoàn hảo thông qua những cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Các cô gái được dạy cách đi đứng, ăn uống, ứng xử để làm sao trở nên nổi bật giữa một rừng người đẹp. Venezuela không chỉ dẫn đầu ở cuộc thi Hoa hậu thế giới, gần đây nhất, 2 năm liên tiếp 2008 và 2009, hoa hậu Venezuela đều đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ. Ấn Độ cũng vậy, những người đẹp trước khi đến với các cuộc thi hoa hậu đều qua các lớp huấn luyện do những bậc thầy trong ngành kỹ nghệ sắc đẹp đào tạo. Gần với chúng ta hơn, đó là Nhật Bản. Chỉ trong vài năm, Nhật Bản đã trở thành quốc gia châu Á có thứ hạng trong bảng xếp hạng của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Người biến những cô gái Nhật trở thành đối thủ đáng gờm trong rừng người đẹp Hoàn vũ là bà Ines Ligron (người Pháp), Giám đốc tổ chức Miss Universe Japan. Các cô gái được Ines lựa chọn sẽ tiếp cận với mọi kỹ năng từ tiếng Anh, cách thức đi lại, giao tiếp, biểu cảm nét mặt, sự tự tin về bản thân cho đến chế độ ăn uống đặc biệt. Họ được huấn luyện để thể hiện những phẩm chất của một phụ nữ Nhật hiện đại: Không chỉ đẹp mà còn thông minh, nhạy cảm, duyên dáng, hài hước và chủ động tham gia các công tác xã hội, từ thiện. Kém cạnh tranh trên đấu trường quốc tế Nếu các cuộc thi sắc đẹp tầm vóc quốc tế như Hoa hậu Thế giới (Miss World) có lịch sử gần 60 năm (từ 1951), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) từ 1952 thì sự xuất hiện của Việt Nam được xem là khá non trẻ. Năm 2002 lần đầu tiên đại diện VN tham gia cuộc thi HHTG với thí sinh hoa hậu VN 2002 Phạm Thị Mai Phương. Thành tích đạt được của Mai Phương là lọt vào top 20. Cho đến nay, đều đặn mỗi năm VN đưa hoa hậu đi thi, thành tích lớn nhất vẫn chỉ là vào tới top 15 (HHVN 2004 Nguyễn Thị Huyền). Tại cuộc thi HHHV, vị trí cao nhất mà VN đạt được cũng là top 15 (HHHV VN 2008 Nguyễn Thùy Lâm). Tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) ta chỉ có các giải phụ. Ở cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International) cũng chỉ tới top 15: người đẹp Trương Quỳnh Mai. Ở cuộc thi Nữ hoàng du lịch quốc tế, đến nay VN đoạt duy nhất 1 giải phụ “Nữ hoàng nhân ái” (Chung Thục Quyên – Người đẹp ăn ảnh của HHPN 2005). Mới đây, lần đầu tiên người đẹp VN Vũ Hoàng Điệp đã giành thứ hạng cao nhất tại cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế, nhưng tiếc rằng dù là cuộc thi có tính quốc tế nhưng lại không nằm trong 5 cuộc thi sắc đẹp lớn kể trên, để nhan sắc Việt được cả thế giới công nhận. Có vẻ như mơ ước một giải thưởng cao hơn tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế lớn, với các người đẹp Việt Nam là không tưởng. Mặc dù thời gian sau này, những nhan sắc đại diện Việt Nam đi thi không hề thua kém bất cứ quốc gia nào cả về chiều cao, các số đo... Vấn đề nhan sắc Việt chưa thể “lên ngôi”, theo Á hậu Dương Trương Thiên Lý là “Tiềm năng của chúng ta nhiều, nhưng không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nên rất khó làm nên chuyện tại những đấu trường sắc đẹp lớn của thế giới. Vấn đề nữa là chúng ta phải xây dựng thêm danh tiếng của Hoa hậu Việt Nam nói chung. Chọn được thí sinh thật sự có chất lượng, thì việc đào tạo mới có kết quả. Quá trình đào tạo cũng mất nhiều thời gian, chứ không phải chỉ vài tháng, vài tuần”... Còn Hoa hậu Trương Tri Trúc Diễm thì: “Từ trước đến nay, khi các người đẹp của Việt Nam đi thi đều có chung hạn chế là thời gian chuẩn bị quá ít. Có người chỉ có 1 - 2 tuần chuẩn bị, rồi phải tự lo đặt vé máy bay, tự mời nhà thiết kế trang phục, tự lo phần thi năng khiếu… Trong khi đó, thí sinh các nước chuẩn bị rất công phu. Theo tôi, nếu sắc đẹp Việt Nam muốn đăng quang thì ngay từ bây giờ, các đơn vị giữ quyền tuyển chọn, đưa người đẹp đi thi phải chủ động tìm kiếm người để đào tạo, trang bị kiến thức. Tùy từng cuộc thi mà tuyển chọn cho phù hợp, ví dụ HHTG đòi hỏi người đẹp phải có vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng; HHHV phải có vẻ đẹp gợi cảm; còn với HHTĐ cần có kiến thức về môi trường… Cái thiếu nhất của người đẹp Việt Nam là kinh nghiệm. Chọn lựa các người đẹp từng tham dự các cuộc thi quốc tế sẽ thuận lợi hơn. Điều này một số nước khác trên thế giới đã vận dụng thành công…”. Người đẹp Vũ Hoàng Điệp thì tâm sự: “Thí sinh của Việt Nam cần làm sao để nổi trội hơn, được mọi người chú ý hơn. Sự kín đáo quá không tốt, phải gợi cảm một chút để tạo sức hấp dẫn. Ngay cách đi đứng, ăn mặc cũng rất quan trọng. Trong cuộc thi, lúc nào các thành viên ban giám khảo cũng nhòm ngó, cho nên luôn phải sửa soạn thật đẹp. Người đẹp Việt Nam chưa thật chủ động, mạnh dạn như thí sinh các nước…” NHÓM PV VHVN Đón đọc bài 2: Áp lực ở các “lò” đào tạo nhan sắc

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/9/201891/