Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp

Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2015. Qua chín năm triển khai, Đề án đã từng bước nâng cao trình độ của người sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đăng ký vào làm cho các doanh nghiệp.

Xã hội hóa công tác đào tạo

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ma Quang Trung, năm 2016, có 62 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước bố trí kinh phí của Trung ương và địa phương để thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp (riêng tỉnh Bình Phước không bố trí kinh phí) với tổng kinh phí 235 tỷ đồng. Do đó, số lao động được học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới ba tháng đã đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, số lao động thuộc diện chính sách, an sinh xã hội là: 48.923 người; số lao động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: 77.266 người; số có việc làm mới và nâng cao hiệu quả sản xuất khi làm nghề cũ: hơn 100 nghìn người.

Bước sang năm 2017, có thêm 290.430 người lao động được đào tạo nghề nông nghiệp gắn với đặc thù vùng miền. Trong đó, 20% số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và 10% được đào tạo nông nghiệp để bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Bảy tháng đầu năm 2018, số người lao động được học nghề nông nghiệp là hơn 120 nghìn, đạt 41% kế hoạch đề ra. Trong đó, đào tạo từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương là 64 nghìn người, gồm 20 nghìn người được đào tạo gắn với các chương trình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp; 5.000 người theo chương trình tái cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương và 39 nghìn người được thụ hưởng từ chính sách an sinh xã hội. Ðào tạo từ nguồn xã hội hóa khoảng 33.500 người. Nhiều lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề chất lượng cao, như trồng rau an toàn, trồng nhãn, trồng dưa công nghệ cao, sản xuất nấm, chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP...

Một số lao động còn được đào tạo nghề sử dụng máy công cụ phục vụ sản xuất, chế biến sau thu hoạch. Nhờ đó, nhiều lao động nông nghiệp nông thôn có thêm việc làm mới, góp phần tăng thu nhập. Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp đã thành công khi sử dụng lao động được đào tạo nghề bài bản, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như Hợp tác xã Anh Ðào (Lâm Ðồng), Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên (Sơn La)...

Song, để có đủ nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0 vẫn là bài toán khó. Theo tiến sĩ Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trình độ thấp của người lao động nông thôn đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học - công nghệ. Ở những vùng, miền có nền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn cho nên thiếu kinh phí đào tạo, chủ yếu trông chờ ngân sách Trung ương, hay từ các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ. Ðây chính là rào cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục đổi mới cách dạy và học

Ðể đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho biết, là đơn vị chủ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua Học viện đã điều chỉnh, xây dựng các chương trình nâng cao chất lượng đào tạo dài hạn, ngắn hạn, cập nhật kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... giúp cán bộ các địa phương, cán bộ hợp tác xã có kỹ năng làm việc. Học viện cũng tăng cường quan hệ quốc tế, mời các trường về giao lưu, nói chuyện cũng như hằng năm đưa một số sinh viên đi làm nghiên cứu sinh quốc tế để có thể tiếp thu tốt những kiến thức tiên tiến của các nước, từ đó ứng dụng vào thực tiễn nước ta...

Gắn đào tạo với thực hành, đào tạo theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hay đón đầu xu hướng nông nghiệp thế giới chính là hướng đi mới không chỉ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam mà còn của hầu hết các trường đại học. Thực tế đã chứng minh, hợp tác đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học giữa viện và các trường học viện là hướng đi đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên tham gia và cộng đồng xã hội.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ Vina Agri Trần Xuân Dũng cho biết, công ty luôn phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam qua các chương trình tuyển dụng hằng năm cho những vị trí việc làm phù hợp nhu cầu của công ty. Ðồng thời, tiếp nhận sinh viên của trường đến thực tập để sinh viên được trải nghiệm công việc thực tế, củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc trong môi trường mới. Năm 2018, công ty dự kiến tuyển dụng khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các hệ thống trang trại, nhà máy...

Nhiều người lao động được đào tạo bài bản để thích ứng với thực tiễn sản xuất nông nghiệp đang có nhiều thay đổi.
Trong ảnh: Chăm sóc vườn lan tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Ðào Thế Anh khẳng định, quá trình hợp tác chính là cơ hội tốt cho các cán bộ nghiên cứu được tham gia giảng dạy. Ðồng thời, các giảng viên, học viên cao học, sinh viên cũng có nhiều cơ hội hơn để tham gia thực địa. Sự kết hợp bài bản này sẽ đạt được ba thuộc tính quan trọng, đó là: tính khoa học, tính thực tiễn và tính chính danh, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Ðể đạt mục tiêu phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020, theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt, hệ thống đào tạo nghề hiện nay cần nhanh chóng khắc phục tình trạng giảng dạy, hướng dẫn chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu của người học và của doanh nghiệp sử dụng lao động cũng như thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

Ðồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới các chương trình đào tạo vốn còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, thiếu nghiêm trọng giáo cụ, ít giảng dạy tại hiện trường, xí nghiệp, cánh đồng, trang trại... Thay vào đó, cần đẩy mạnh áp dụng mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Ðổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Thực hiện tốt các vấn đề này sẽ góp phần giải quyết được tình trạng "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp trong nước.

SƠN HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37227702-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-nong-nghiep.html