Đào tạo nguồn nhân lực đủ sức làm chủ công nghệ

Trong công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Hà Nội xác định nguồn lực con người giữ vai trò quyết định. Thành phố đã, đang và sẽ triển khai nhiều phần việc cụ thể với tinh thần quyết liệt nhằm đào tạo nguồn nhân lực đủ sức làm chủ những thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giờ học tin học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Giờ học tin học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Để huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Hà Nội xác định nguồn lực con người giữ vai trò quyết định. Muốn xây dựng thành phố hiện đại cần những công dân có năng lực chuyên môn cao. Xa hơn, khi đặt nền móng cho việc hình thành thành phố thông minh cũng không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực và đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, ở bậc giáo dục phổ thông, thành phố đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ. Trong 10 năm (2008-2018), Hà Nội đã xóa được 5.523 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp; xây mới thêm 7.841 phòng học văn hóa, 2.296 phòng học bộ môn. Một số trường được tập trung đầu tư trọng điểm như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Sơn Tây... Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nếu như việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông có tính chất phục vụ nhiệm vụ lâu dài thì việc cần làm ngay là nâng cao chất lượng đào tạo nghề để sớm có đội ngũ người lao động lành nghề. Công tác đào tạo nghề của Hà Nội những năm qua đã có bước tăng cả về lượng và chất.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết: "Chỉ riêng năm 2017, hệ thống các trường nghề của thành phố đã đào tạo cho 195 nghìn lượt người với 400 ngành, tuy nhiên so với đòi hỏi của thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu".

Vì vậy, thành phố đang rà soát, đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có từ 70% đến 75% người lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó là sẽ tập trung xây dựng một số trường cao đẳng nghề chất lượng cao, tầm quốc tế để đưa Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nghề của cả nước.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thì giáo dục, đào tạo phải được cải thiện toàn diện. Từ bậc phổ thông, ngành Giáo dục và Đào tạo phải hướng tới bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả học sinh, hướng tới chất lượng quốc tế.

Về việc đào tạo nghề, trong một đến hai năm tới phải xây dựng được một số trường theo tiêu chuẩn các quốc gia tiên tiến. Hà Nội sẽ phối hợp với các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin để đào tạo một đội ngũ kỹ sư giỏi, chú trọng vào những mảng, lĩnh vực then chốt. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đào tạo những nghề truyền thống, thế mạnh để phát triển các sản phẩm đã khẳng định được ưu thế.

Thành Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/912053/dao-tao-nguon-nhan-luc-du-suc-lam-chu-cong-nghe