Đào tạo nhà báo trẻ: Cần kỹ năng hay công nghệ?

Đào tạo nhà báo hiện nay cần gì, kỹ năng làm nghề, kiến thức về công nghệ hay làm chủ nhiều ngoại ngữ là một trong những câu hỏi đã được nêu tại Diễn đàn 'Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ' do Liên chi hội cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức sáng nay 17/3, tại Bảo tàng Hà Nội.

Diễn đàn "Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ" là một trong số những hoạt động của Hội báo toàn quốc năm 2019.

PGS,TS Hà Huy Phượng chia sẻ, các sinh viên trường báo phải có đam mê đối với nghề báo.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ban Tổ chức hy vọng đây là cuộc trao đổi thoải mái, chân thành, cởi mở giữa những người đã, đang và sẽ làm nghề báo, góp phần vào thành công của hội báo toàn quốc. Mục đích của giao lưu là giúp các nhà báo trẻ và sinh viên trường báo giải đáp thắc mắc nghề nghiệp trong kỷ nguyên số hiện nay. Đồng thời diễn đàn là buổi giao lưu vô cùng ý nghĩa giữa các nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo để qua đó, các nhà báo trẻ có thêm các mối quan hệ và kinh nghiệm trong công việc làm báo hiện nay.

Về bản lĩnh làm nghề, nhà báo "già" khuyên các nhà báo "trẻ" đề cần có bản lĩnh chính trị để phân tích tốt các vấn đề xã hội. Nhà báo cần biết tìm cái mới, cái hay để sáng tạo trong thể hiện.

Diễn đàn giao lưu mở đầu bằng câu hỏi của sinh viên năm thứ tư khoa Báo chí - Học viện Báo chí Tuyên truyền Ngô Quang Hùng: "Sinh viên chúng em hiện nay yếu kỹ năng, vậy các thầy các cô và các anh chị nhà báo có thể chia sẻ giúp chúng em làm sao để nâng cao tay nghề ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường?"

PGS,TS Nguyễn Văn Dững - Học viện Báo chí Tuyên truyền đã trao giải đáp về vấn đề này: Việc đào tạo báo chí ở Việt Nam và thế giới luôn quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng làm nghề cho các nhà báo, tuy nhiên do việc chạy theo định mức tin - bài nên một số phóng viên trẻ đã không thường xuyên tham gia các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng làm nghề, điều đó dẫn đến một số hạn chế trong tác nghiệp.

Để nâng cao kỹ năng làm nghề, các nhà báo trẻ cần quan tâm để thế mạnh của mình ở ba điểm. Thứ nhất, năng lực tư duy mới, phát triển cách tư duy phản biện, không phải cứ thông tin nào tiếp nhận cũng phản ánh lên báo, phải có tư duy phản biện mới giúp cung cấp cho công chúng nhưng tin tức có giá trị. Thứ hai, làm chủ trình độ ngoại ngữ, vì ngoại ngữ là chìa khóa để giúp phóng viên tiếp cận tri thức, thế giới bên ngoài. Nếu ngoại ngữ yếu không thể đi dự họp báo quốc tế, đi dự hội nghị quốc tế không biết tiếp cận vấn đề như thế nào. Thứ ba, cần làm chủ công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ, thực hành thật nhiều trong sáng tạo tác phẩm báo chí bằng các thiết bị công nghệ, các nền tảng truyền thông xã hội tốt nhằm nâng cao kỹ năng".

PGS, TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, các nhà báo trẻ phải hơn nhà báo già về tư duy phát triển, giỏi ngoại ngữ, siêu về các phương tiện kỹ thuật và công nghệ, từ đó có năng lực phân tích, đánh giá tốt các vấn đề xã hội.

Bạn Nguyễn Văn Hoàng - Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội Thái Nguyên lại đặt câu hỏi với các nhà báo về việc: "Sinh viên trẻ nên tập trung nghiên cứu vào những công việc gì khi công nghệ làm báo đã bước sang thời đại 4.0".

Giải đáp câu hỏi này, nhà báo Lê Hoàng Anh Tuấn cho rằng: "Làm báo 4.0 có thuận lợi đó là tạo ra khả năng siêu kết nối, vì thế cần có sự nhay nhẹn về tư duy kết nối nếu không báo chí sẽ bị tụt hậu so với mạng xã hội trong đưa tin. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực phân tích, bình luận sao cho thuyết phục công chúng và dư luận". Về những thuận lợi và thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Lê Hoàng Anh Tuấn đồng quan điểm với PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng về việc nâng cao ngoại ngữ cho sinh viên trường báo ngay khi còn trên ghế nhà trường để có thể giao tiếp tốt với phóng viên quốc tế và có khả năng thẩm định tốt các nguồn tin từ nước ngoài.

Quang cảnh diễn đàn.

Trong khi đó, nhà báo Vũ Thế Cường - Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, thứ nhất: "Một nhà báo trẻ hiện nay cần phải được trang bị kỹ năng truyền thông xã hội. Bởi kỹ năng này sẽ giúp họ tác nghiệp báo chí hiệu quả hơn, lan tỏa, truyền tải thông tin đến với bạn đọc nhanh và rộng hơn. Với kỹ năng truyền thông xã hội tốt, các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter… trở thành một công cụ hiệu quả cho phóng viên, đặc biệt các nhà báo trẻ, những người có thời gian sử dụng mạng xã hội khá lớn, trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Các nhà báo trẻ có thể sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, thu thập thông tin, kiểm chứng và xác thực thông tin.

Thứ hai, bên cạnh kỹ năng truyền thông xã hội, nhà báo trẻ hiện nay cần phải liên tục cập nhật, đó là kỹ năng tận dụng kỹ thuật – công nghệ trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí. Vì vậy, kỹ thuật và công nghệ mới trong hoạt động tác nghiệp báo chí, giúp các nhà báo trẻ có khả năng thu thập thông tin tốt hơn, xử lý thông tin hiệu quả hơn, và xây dựng các tác phẩm hấp dẫn hơn. Đó chính là nhằm tạo ra giá trị “Hình thức trình bày là Nữ hoàng”.

Thứ ba, tư duy sáng tạo, xây dựng tác phẩm báo chí sáng tạo cũng là một trong những kỹ năng cần thiết trong việc đào tạo các phóng viên trẻ hiện nay. Với số lượng cơ quan báo chí khá lớn như hiện nay, có thể nói độc giả đang được thưởng thức “món ăn” báo chí khá đầy đủ và đa dạng. Tuy nhiên, điều đó dẫn tới thực trạng, nhàm chán với các tác phẩm báo chí được thực hiện theo mô hình truyền thống. Chính vì vậy, sự sáng tạo trong cách thể hiện tác phẩm báo chí sẽ giúp cho độc giả có những “món ăn” tin tức hấp dẫn hơn, thú vị hơn, từ đó hiệu quả truyền thông được nâng cao".

Về kỹ năng tác nghiệp trong nghề báo, TS Trần Bá Dung có câu hỏi cho các phóng viên trẻ: "Kỹ năng là gì". Ông cho biết đó là kỹ năng khai thác kiến thức, kỹ năng tác nghiệp, kỹ năng xử lý thông tin và phải làm được một cách thuần thục. TS Trần Bá Dung khuyên các bạn sinh viên nên đọc nhiều khi làm cá

PGS,TS Đỗ Thu Hằng: "Thách thức về công nghệ hiện rất lớn, do đó các nhà báo trẻ sẽ phải vượt qua, chiếm lĩnh và điều khiển hệ thống công nghệ. Nhà báo trẻ phải đủ tư duy để nhận diện tin thật và tin giả, nhận diện nguồn gốc tin để cung cấp cho độc giả".

Kết luận Diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Đây là cuộc đối thoại sôi nổi, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ; thể hiện trách nhiệm của những người làm báo đi trước đối với thê hệ làm báo trẻ. Trong thời đại công nghiệp 4.0 công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay tâm thế, trách nhiệm, đạo đức rất quan trọng, nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng. Vấn đề này đang được Hội Nhà báo Việt Nam rất quan tâm và đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi kết luận, qua Diễn đàn, Hội Nhà báo sẽ tiếp tục tổ chức những tọa đàm, diễn đàn ý nghĩa cho các nhà báo trẻ và sinh viên ngành báo, đồng thời cũng hướng đến cho sự thành công của Hội Báo toàn quốc năm 2020./.

Tuấn Đạt

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/giao-duc/dao-tao-nha-bao-tre-can-ky-nang-hay-cong-nghe-119782