Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho kho bạc số

Để thực hiện mục tiêu trở thành kho bạc số vào năm 2030, Kho bạc Nhà nước đã và đang tiến hành đồng bộ các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, về hoạt động nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.

Công chức KBNN Khánh Hòa đang thực hiện rà soát các số liệu thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: KBNN Khánh Hòa

Kho bạc số với “3 có”

Kho bạc số là một bộ phận cấu thành của chính phủ số. Việc xây dựng thành công kho bạc số sẽ góp phần xây dựng và phát triển chính phủ số để đạt tới mục tiêu cuối cùng là hiện đại hóa hệ thống quản lý và tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội, cùng với đó tạo ra một hệ sinh thái số mở, lành mạnh và an toàn.

Nếu như kho bạc điện tử với “3 không”: Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ, thì tại kho bạc số, mọi tác nhân đều có thể tương tác trên nền tảng số, theo chính sách, quy trình nghiệp vụ và phương thức quản trị lấy người dùng trong và ngoài ngành làm trung tâm phục vụ; lấy việc khai thác và phân tích dữ liệu số là năng lực mới hỗ trợ cho điều hành và ra quyết định. Do đó, kho bạc số sẽ là “3 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng và có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu.

Theo đánh giá của Kho bạc nhà nước (KBNN), kho bạc số sẽ tập trung vào việc cải cách và chuyển đổi mô hình dựa trên dữ liệu, trong đó, các dịch vụ công được gắn kết chặt chẽ vào các tác vụ hàng ngày, phục vụ cho việc tăng cường gắn kết với tổ chức, đơn vị, cá nhân giao dịch và thực hiện trên nền tảng xử lý thông tin. Đặc biệt, mô hình kho bạc số hướng tới cung cấp dịch vụ thay vì quản lý hành chính như hiện nay.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) sẽ ở mức cao nhất, người dùng có thể, đăng ký và sử dụng dịch vụ ở bất cứ nơi nào, kết quả sẽ được trả tận nơi, không cần đến giao dịch trực tiếp tại kho bạc. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ của kho bạc, tạo niềm tin rất lớn cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân vào KBNN nói riêng và các cơ quan nhà nước, Chính phủ nói chung.

Ngoài ra, do dựa trên nền tảng số với việc khai thác, chia sẻ dữ liệu để phục vụ người dùng một cách nhanh chóng, thuận lợi, kho bạc số sẽ cung cấp nhiều tiện ích tạo thế chủ động cho người dùng theo hướng phục vụ tổ chức, đơn vị, cá nhân theo nhu cầu của họ. Đồng thời, hữu ích cho các công chức KBNN và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc quản lý, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Nâng cao năng lực quản trị

Kiến trúc tổng thể CNTT được KBNN xây dựng phù hợp với kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số; có sự kết nối và chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan. Kiến trúc tổng thể CNTT của KBNN đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng và phát triển các hệ thống CNTT phục vụ điều hành và hoạt động nghiệp vụ tại KBNN, giúp nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, KBNN đã ban hành kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới kho bạc số gồm: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ gồm 5 nghiệp vụ chính là quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính nhà nước; tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước; huy động vốn và quản lý ngân quỹ; thanh tra; nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Được biết, để trở thành kho bạc điện tử, KBNN đã rất chú trọng đến việc phát triển CNTT. Do đó, so với các hệ thống trong ngành Tài chính, KBNN được coi là “em út” với 33 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm đầu tư của các thế hệ lãnh đạo KBNN, đặc biệt là đào tạo cán bộ và trong đó có cán bộ CNTT, KBNN được đánh giá là đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT và hiện đại hóa.

Thành công lớn nhất của KBNN phải kể đến đó là Dự án Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc). Đây chính là hệ thống dùng ứng dụng CNTT làm đòn bẩy để đổi mới cơ chế quản lý ngân sách và kho bạc. Từ trục xoay Tabmis, KBNN đã phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp với hệ thống Tabmis, tạo ra rất nhiều thuận lợi trong công tác quản lý nguồn ngân quỹ cũng như cho khách hàng giao dịch.

Triển khai thành công Tabmis, KBNN cũng có một đội ngũ cán bộ làm CNTT mạnh từ trung ương đến địa phương, làm tiền đề cho việc áp dụng các ứng dụng CNTT trong hoạt động của KBNN thời gian sau này.

Tuy nhiên, theo KBNN, Tabmis đến nay có gần 11 năm hoạt động, công nghệ đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là yêu cầu của công tác quản lý ngân quỹ, công tác kiểm soát chi của kho bạc cũng đã có nhiều thay đổi. Vì thế, bài toán đặt ra cho KBNN là cần tập trung, nghiên cứu kế hoạch nâng cấp mới, thậm chí có giải pháp để đáp ứng yêu cầu quanh hệ thống Tabmis có các hệ thống vệ tinh nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của kho bạc tại mọi thời điểm. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ CNTT này đến nay đã có người nghỉ hưu hoặc giữ trọng trách khác. Trong khi đó, việc tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn. Do đó, KBNN tiếp tục đối diện với thách thức về đội ngũ cán bộ làm CNTT.

Theo lãnh đạo KBNN, để khắc phục khó khăn này và hướng tới kho bạc số, tới đây, ngoài việc phát triển phương thức cung cấp DVCTT qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ, huy động vốn, kế toán nhà nước nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, KBNN sẽ đặc biệt chú trọng vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, KBNN tiếp tục tiến hành nghiên cứu về tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị KBNN trực thuộc là cấp thực hiện). Song song với đó, KBNN sẽ tiếp tục chú trọng đến việc đào tạo cho cán bộ trẻ, giúp họ thành thạo trong triển khai hệ thống ứng dụng CNTT; mở lớp đào tạo cho cán bộ chuyên sâu CNTT, nghiệp vụ từ trung ương đến địa phương để các cán bộ nắm bắt, am hiểu về hệ thống CNTT phù hợp hơn với công nghệ hiện nay cũng như độ mở của hoạt động KBNN.

Từng giai đoạn cụ thể để phát triển Kho bạc số

Song song với việc xây dựng kiến trúc tổng thể CNTT, KBNN cũng đưa ra kế hoạch và mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, KBNN tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; củng cố hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN.

Đồng thời, từng bước chia sẻ dữ liệu mở; triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu; chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT; chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Giai đoạn 2026 - 2030, KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở, từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ. Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin; chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật...

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dao-tao-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-cho-kho-bac-so-134205.html