Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn: Đánh thức tiềm năng nhân lực chất lượng cao

Sở hữu lợi thế về đội ngũ nhà khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất trong nghiên cứu và giảng dạy các ngành đào tạo gần như: Khoa học vật liệu tiên tiến, Vật lý, Hóa học kỹ thuật… từ năm 2024, Trường Đại học Khoa học (TNUS) thuộc Đại học Thái Nguyên bắt đầu nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành học nhiều tiềm năng này.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiêp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn, vi mạch là con đường chủ đạo, và đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Để hiện thực hóa chủ trương này, đồng thời đáp ứng mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp điện tử, bán dẫn tại các khu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học đã tập trung hoàn thiện Đề án mở ngành đào tạo, nghiên cứu ngay từ đầu năm, kịp thời đáp ứng tuyển sinh cho năm học 2024-2025.

Viện Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học được trang bị thiết bị thí nghiệm hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN): Nhân lực ngành Công nghệ vi mạch và bán dẫn trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới cần khoảng 50.000 người có trình độ từ đại học trở lên. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn. ĐHTN cũng xác định tập trung đào tạo nhân lực cho ngành Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn thuộc khối các trường thuộc ĐHTN là nhiệm vụ quan trọng.

Trong chương trình thẩm định mở ngành của Trường Đại học Khoa học, GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch Hội khoa học Vật lý Việt Nam chia sẻ: Việt Nam hiện đứng thứ 9 toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng đủ 20% nhu cầu. Nhu cầu đào tạo vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%. Do đó, cần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực để khai thác tiềm năng thị trường nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Đặc biệt các nhà đầu tư từ Mỹ, Trung Quốc đã và đang xúc tiến đầu tư tại Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, nên cần có nguồn nhân lực rất lớn.

Đối với ĐHTN và Trường Đại học Khoa học, đào tạo về lĩnh vực Công nghệ bán dẫn là mới mẻ, nhưng không phải quá xa lạ đối với đội ngũ các nhà khoa học và giảng viên đã và đang công tác tại đây. PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học cho biết: Với kinh nghiệm đào tạo các ngành liên quan hơn 20 năm qua, như: Vật lý; Vật liệu; Hóa học; hệ thống thiết bị thí nghiệm hiện đại… cùng với đội ngũ nhà khoa học đang làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ của Nhà trường, gồm 6 Phó giáo sư, 6 tiến sĩ và đã có nhiều thành tựu nghiên cứu trong nước, quốc tế về lĩnh vực này sẽ phát huy tốt tiềm lực đang có để đào tạo trong thời gian tới. Giai đoạn 2018-2023, Viện đã chủ trì 01 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, 10 đề tài Nafosted, 9 đề tài cấp bộ… Đặc biệt, mỗi năm các nhà khoa học của Viện có từ 25 đến 45 bài báo công bố khoa học quốc tế ISI Q1, Q2.

GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch Hội khoa học Vật lý Việt Nam phát biểu tại chương trình thẩm định mở ngành Công nghệ bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).

Theo nhận định của PGS.TS Bùi Thanh Tùng (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), từ khung thiết kế chương trình đào tạo của Trường Đại học Khoa học: Tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch. Sinh viên trang bị thêm ngoại ngữ chắc chắn sẽ trở thành các chuyên gia của các tập đoàn điện tử, bán dẫn lớn.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, chuyên viên cao cấp của Công ty TNHH VINA SOLAR TECHNOLOGY, cho biết: Mỗi năm Công ty cần từ 200-300 kỹ sư về lĩnh vực thiết kế, đóng gói vi mạch và bán dẫn làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay đang rất khan hiếm nguồn nhân lực. Công ty sẵn sàng ký kết hợp đồng với thực tập sinh của các trường đại học, để các trường đào tạo sát với thực tế quy trình sản xuất, cũng là tạo nguồn tuyển dụng hằng năm hoặc đào tạo theo đặt hàng.

Có thể nói, dư địa về đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực công nghệ thiết kế vi mạch và bán dẫn tiềm năng rất lớn. TNUS đón đầu xu hướng nhân lực ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn dựa trên lợi thế về cơ sở vật chất hiện đại và hợp tác quốc tế đã triển khai sẽ trở thành một trong những đơn vị tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho cho ngành công nghiệp “tỷ đô” ngay tại Thái Nguyên.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202402/dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghe-ban-dan-danh-thuc-tiem-nang-nhan-luc-chat-luong-cao-4392546/