Đào tạo nhiều tài năng quần vợt

Cuối năm 2018, TP Đà Nẵng chủ trương xã hội hóa môn quần vợt với động thái thành lập Trung tâm quần vợt TP Đà Nẵng (DTTC). Đươc sự tài trợ 70 tỷ đồng trong thời hạn 7 năm của Tập đoàn Sun Group, quần vợt Đà Nẵng hứa hẹn có nhiều bước đột phá. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn ông Trương Quang Vũ- Giám đốc Trung tâm DTTC về mô hình hoạt động cũng như tham vọng của quần vợt Đà Nẵng trong tương lai.

Ông Trương Quang Vũ

Ông Trương Quang Vũ

* P.V: Thưa ông, việc ra đời trung tâm DTTC có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển môn quần vợt Đà Nẵng?

* Ông Trương Quang Vũ: Hơn 10 năm trước, quần vợt Đà Nẵng bắt đầu chuyển hướng cho sự phát triển, đạt được nhiều kết quả tốt và trở thành một trong những địa phương mạnh về bộ môn này nhưng vẫn gần như bế tắc trong khâu đào tạo đội ngũ kế cận. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quản lý lỏng lẻo, chồng chéo, VĐV không được quan tâm, đầu tư đúng mức và không có chương trình huấn luyện mục tiêu dài hạn, ngắn hạn, không có điều kiện thi đấu các giải trong nước và quốc tế…. Vậy nên, việc ra đời DTTC là hết sức quan trọng, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nêu trên, từng bước đào tạo ra những VĐV chất lượng cho quần vợt Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

* P.V: Mô hình hoạt động của DTTC có gì khác biệt so với các địa phương khác?

* Ông Trương Quang Vũ: Theo tôi, khác biệt lớn nhất ở đây là tư duy mở. Cùng với SHB Đà Nẵng, DTTC là nơi đào tạo VĐV thể thao thuộc diện xã hội hóa, nhận sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo thành phố. DTTC trực thuộc Liên doàn quần vợt Đà Nẵng nhưng có quyền quyết định tất cả các vấn đề về chuyên môn, từ việc tuyển chọn VĐV cho đến chuyện lên kế hoạch tập huấn, thi đấu… Thứ nữa là chúng tôi luôn có chính sách mở, sẵn sàng tiếp nhận, đào tạo những VĐV có chuyên môn tốt từ các trung tâm mạnh trên cả nước mà không đặt nặng vấn đề VĐV này sau khi thành tài sẽ thi đấu cho đơn vị nào. Cuối cùng là các VĐV đầu quân cho DTTC sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, ngoài việc học văn hóa còn có chỗ ăn nghỉ và hỗ trợ kinh phí sinh hoạt.

* P.V: Tiêu chí tuyển chọn VĐV vào DTTC và cơ sở vật chất tại Đà Nẵng có đảm bảo cho các VĐV tập luyện?

* Ông Trương Quang Vũ: Có 2 hình thức tuyển chọn VĐV từ lứa U10, U12, U14 và U16 vào DTTC. Chúng tôi thông qua giới thiệu từ các vệ tinh ở quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng để tuyển chọn nhóm VĐV có năng khiếu. Từ đây, DTTC sẽ tổ chức riêng chương trình cho nhóm VĐV này. Bên cạnh đó, DTTC còn kết nối với những đơn vị ngoài địa bàn để tuyển chọn. VĐV nào thực tài, có thể phát triển lên con đường chuyên nghiệp thì sẽ ký kết hợp đồng để đào tạo lâu dài.

Về cơ sở vật chất, hiện nay các VĐV của DTTC đang tập luyện ở mặt sân có thể nói là tốt nhất Việt Nam, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Giám đốc Kỹ thuật Dimitri Penchev, người từng 3 lần nhận giải thưởng HLV xuất sắc nhất năm tại Canada. DTTC cũng vừa đầu tư máy bắn bóng hiện đại để VĐV tập luyện và thời gian tới sẽ xây dựng sân quần vợt có sức chức 3.000 chỗ ngồi, đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu tầm quốc tế. Mục tiêu sau 7 năm hoạt động, DTTC sẽ đào tạo cho Đà Nẵng VĐV thi đấu đạt thứ hạng cao tại các giải trẻ trong hệ thống Grand Slam như các giải Mỹ mở rộng, Úc mở rộng, Roland Garros và Wimbledon; các VĐV phải có thứ hạng trong bảng xếp hạng quần vợt thế giới (ATP và WTA); cung cấp 1/3 thành viên cho ĐT Việt Nam… Đây sẽ là những tiền đề để quần vợt Đà Nẵng sớm trở thành một trong những trung tâm quần vợt tốt nhất Việt Nam ở một tương lai không xa.

* PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Nguyên Thảo (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/84_204187_dao-tao-nhieu-tai-nang-quan-vot.aspx