Đào tạo sư phạm thiếu tầm nhìn: Trách nhiệm số 1 thuộc về Bộ trưởng!

Sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan, Nhà nước lãng phí rất lớn trong đào tạo nhưng chất lượng dạy học vẫn còn hạn chế.

Bài toán giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp những năm tới còn nguy hiểm hơn.

"Hiện nay đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội. Chúng ta phải có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực và đào tạo theo quy hoạch nguồn nhân lực", ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm.

ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Tại buổi làm việc mới đây với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở: “Lúc ký Quyết định 732, tinh thần của Chính phủ là chỉ tuyển mới để đào tạo rất ít ở những trường trọng điểm còn lại tập trung cho bồi dưỡng đội ngũ”. Quy định đã có nhưng xem ra Bộ GD&ĐT lại đi ngược chủ trương, “thả nổi” tuyển sinh sư phạm, thưa ông?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Đúng là có tình trạng “thả” tuyển sinh sư phạm, chúng ta làm chưa nghiêm túc trong việc này. Tuyển sinh tràn lan, cử nhân thất nghiệp. Lẽ ra, thay vì tuyển mới và đào tạo, các trường sẽ phải đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ hiện hành, tức là vẫn có kinh phí để "sống" chứ không chỉ "sống bằng tuyển sinh".

PV: Có một thực tế, việc đào tạo ngành sư phạm đang thừa quá nhiều chỉ tiêu, gây lãng phí một lượng lớn ngân sách Nhà nước trong khi chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Ông nghĩ sao về điều này?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Giáo dục quyết định tương lai quốc gia nhưng hiện giáo dục ĐH, CĐ hiện mới chỉ chú trọng về lượng mà chưa về chất. Về nguyên tắc là phải đào tạo theo nhu cầu xã hội, cần bao nhiêu đào tạo bấy nhiêu. Cần ở đây là cho khu vực, vùng miền, địa phương và ngành nghề chứ không phải “lấp đầy chỗ” cho các trường ĐH, CĐ rồi khi sinh viên ra trường lại thất nghiệp.

Thế nhưng, các trường đang tồn tại, họ vẫn phải tuyển sinh để “nuôi” bộ máy. Việc duy trì tồn tại này gây lãng phí lớn. Nhà nước cũng lãng phí một nguồn chi phí cho đào tạo.

PV: Có ý kiến cho rằng, giải quyết việc thất nghiệp trong những năm tới còn nguy hiểm hơn, lãng phí của đào tạo mới còn lớn hơn so với "lãng phí giảng viên sư phạm ngồi chơi”. Phải chăng, đây là hệ lụy của việc đào tạo không có quy hoạch, tầm nhìn?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Đúng vậy! Hiện nay, các trường sư phạm rất nhiều, từ các cấp đào tạo khác nhau. Ngay cả các trường không chuyên về sư phạm cũng cho “ra lò” giáo viên, dẫn đến chất lượng giáo viên không đồng đều.

Điều đáng nói, đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng dẫn tới thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Theo quan điểm của tôi, cần kiểm soát chặt việc đào tạo để đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên. Chúng ta phải có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực và đào tạo theo quy hoạch nguồn nhân lực đó.

Hiện nay, việc phân bổ nhân lực giáo viên có tính địa phương, hầu hết các giáo viên ở tỉnh nào về dạy ở tỉnh đó. Bởi vậy, nếu không chú ý đến chất lượng các trường đào tạo sư phạm địa phương thì sẽ ảnh hưởng lâu dài đến giáo dục ở đó.

Vì vậy, các tỉnh có thể lấy nguồn đào tạo từ trường đại học sư phạm Trung ương đóng tại các đô thị lớn chứ không cần thiết tổ chức cao đẳng sư phạm ở địa phương mình.

PV: Đi ngược lại chủ trương, tiếp tục “thả” tuyển sinh, theo ông trách nhiệm của Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân Bộ trưởng ở đâu?

ĐBQH Phạm Tất Thắng: Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước nên phải có trách nhiệm trong việc này. Bộ trưởng cũng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Ngành giáo dục phân chỉ tiêu đào tạo theo mặt bằng chung, trong đó có tính đến năng lực của các cơ sở giáo dục đào tạo chứ chưa gắn với nhu cầu xã hội. Theo tôi, cần có sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương cũng như xây dựng quy hoạch nguồn nhân sự quốc gia mới có thể xác định được nhu cầu đào tạo chính xác.

Riêng, ngành giáo dục cần một “cuộc đại phẫu” mà trước hết phải quy hoạch mạng lưới đào tạo, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo sư phạm, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tất cả các trường sư phạm phải quy về một mối, không để tình trạng nhiều cơ sở đào tạo nằm ngoài tầm quản lý của Bộ GD&ĐT như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hương Lan

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dao-tao-su-pham-thieu-tam-nhin-trach-nhiem-so-1-thuoc-ve-bo-truong-p53116.html