Đào tạo thí điểm 12 nghề theo các bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc

Đến nay đã có tổng số 318 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Úc

Thực hiện Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội nghị triển khai đào tạo thí điểm tại Quy Nhơn - Bình Định vào ngày 27/8/2015 và nhiều Hội nghị chuyên môn khác trong các năm 2016, 2017 để hướng dẫn cho 25 trường được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm thực hiện các cam kết, thống nhất và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu và tiêu chuẩn của Học viện Chisholm, Úc.

Để có căn cứ xác định chi phí đào tạo thí điểm, trên cơ sở các bộ chương tình chuyển giao, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời để áp dụng cho đào tạo thí điểm 12 nghề chuyển giao. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 1012/QĐ-LĐTBXH ngày 29/7/2016 phê duyệt Định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời cho 12 nghề chuyển giao từ Úc để áp dụng đào tạo thí điểm.

Trên cơ sở Định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời đã ban hành và chi phí đào tạo của từng nghề do các trường đào tạo thí điểm tự xác định, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã tổ chức thẩm định giá và có Công văn số 18002/BTC-QLG ngày 19/12/2016 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về “Mức tối đa đơn giá đào tạo thí điểm cho 41 lớp tại 25 trường đạt tiêu chuẩn chất lượng đào tạo của Úc”, làm cơ sở cho việc ký kết Hợp đồng đào tạo thí điểm với các trường.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đưa giáo viên chuyên môn 12 nghề đào tạo thí điểm của 25 trường đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc để đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của Học viện Chisholm và chính phủ Úc, cụ thể:

Năm 2015 đã tổ chức đưa đi học tập, bồi dưỡng đợt 1 cho 191 giáo viên giảng dạy chuyên môn của 12 nghề; Năm 2017 tiếp tục đưa 127 giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng.

Đến nay đã có tổng số 318 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Úc; trong đó có 193 giáo viên đã được Học viện Chisholm kiểm định, đánh giá và đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thí điểm theo quy định của Học viện Chisholm. Về cơ bản các trường đã đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy chuyên môn cho đào tạo thí điểm.

Trên cơ sở kết quả thẩm định đơn giá đặt hàng đào tạo thí điểm của Bộ Tài chính và kết quả kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thí điểm tại 25 trường, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tiến hành ký Hợp đồng đào tạo thí điểm với 25 trường cao đẳng được lựa chọn để tổ chức đào tạo thí điểm cho 41 lớp của 12 nghề đã chuyển giao chương trình từ Úc.

Công tác triển khai thực hiện tại 25 trường đào tạo thí điểm. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có Công văn số 994/TCDN-DNCQ ngày 14/7/2016 gửi 25 trường đào tạo thí điểm cho phép các trường thực hiện tuyển sinh từ tháng 8/2016, tổ chức khai giảng từ tháng 9/2016 để bắt đầu học bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên đạt chuẩn đầu vào B1 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu và tổ chức học các môn học chung theo quy định của Việt Nam.

Để hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh các lớp đào tạo thí điểm, đồng thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi với xã hội về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt trình độ quốc tế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện đăng thông tin tuyên truyền trên một số phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, Báo Lao động, Báo điện tử Dân trí và Đài truyền hình Việt Nam VTV1, VTV2.

Các trường đào tạo thí điểm đã tích cực, chủ động thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền việc tổ chức đào tạo theo chương trình quốc tế thông qua các hình thức: Phát trên truyền hình địa phương, thông tin trên Website của trường, in tờ rơi, lồng ghép trong các sự kiện mà nhà trường tổ chức hoặc phối hợp tham gia như ngày hội việc làm, tuyển sinh, thi tay nghề cấp địa phương và quốc gia, hội thi giáo viên dạy giỏi v.v.

Kết thúc đợt tuyển sinh, đến tháng 10/2016, 25 trường đã tuyển sinh được 803 sinh viên trên tổng số 888 sinh viên của 41 lớp theo kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH để tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh và học các môn học chung theo quy định của Việt Nam.

Bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bố trí và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác từ các Bộ/ngành, địa phương và đơn vị chủ quản, các trường đã tiến hành mua sắm, trang bị đầy đủ các trang thiết bị đào tạo theo yêu cầu trong chương trình chuyển giao của Học viện Chisholm, Úc.

Theo thông báo kết quả 2 đợt kiểm định của Học viện Chisholm đối với 41 lớp của 12 nghề tại 25 trường đào tạo thí điểm, cả 25/25 trường đào tạo thí điểm đã được Học viện Chisholm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện để tổ chức đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao. Tuy nhiên, các trường vẫn phải tiếp tục có sự bổ sung, hoàn thiện thêm về trang thiết bị, cơ sở vật chất, năng lực giáo viên, các điều kiện về an toàn, vệ sinh và sức khỏe nghề nghiệp (OHS) để đảm bảo đáp ứng hoàn toàn các quy định về chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của Úc.

Đối với những trang thiết bị còn thiếu của năm 2, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hướng dẫn các trường xác định khối lượng kinh phí còn thiếu, bố trí nguồn để các trường tiếp tục mua sắm, hoàn thiện theo đúng yêu cầu đảm bảo cho việc đào tạo chuyên môn năm thứ 2.

Bồi dưỡng tiếng Anh và giảng dạy các môn học chung theo quy định của Việt Nam. Theo Kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sinh viên các lớp đào tạo thí điểm phải có năng lực tiếng Anh đầu vào đạt trình độ A2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, để bắt đầu học các nội dung chuyên môn bằng tiếng Anh, sinh viên phải có trình độ B1 tiếng Anh. Để đáp ứng được yêu cầu này, các trường đã tổ chức giảng dạy 6 tháng tiếng Anh cho sinh viên (từ tháng 10/2016-4/2017) để đạt trình độ B1 trước khi bắt đầu vào học các nội dung chuyên môn.

Tuy nhiên, do chất lượng tuyển sinh đầu vào của các lớp đào tạo thí điểm tại các trường không cao và không đồng đều, nhất là năng lực tiếng Anh của sinh viên nên sau 6 tháng đầu, số sinh viên đạt trình độ B1 tiếng Anh là 216 SV (đạt khoảng 24%). Do tỷ lệ đạt yêu cầu tiếng Anh đầu vào thấp, chưa đủ điều kiện để học tập chuyên môn, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã lùi thời gian bắt đầu học chuyên môn và đồng ý để các trường tiếp tục tổ chức dạy bổ sung thêm 6 tháng tiếp theo (từ 6/2017-11/2017). Những trường đã có đủ số lượng sinh viên đạt trình độ B1 tiếng Anh thì bố trí học các môn học chung (theo quy định của Việt Nam).

Song song với việc bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên, các trường tổ chức giảng dạy các môn học chung theo quy định của Việt Nam để đảm bảo điều kiện khi tốt nghiệp ra trường sinh viên được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Úc. Trước khi bắt đầu vào học các nội dung chuyên môn theo chương trình chuyển giao (từ 22/01/2018), các trường đã dạy xong chương trình các môn học chung./.

Thanh Lâm

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/xa-hoi/dao-tao-thi-diem-12-nghe-theo-cac-bo-chuong-trinh-da-chuyen-giao-tu-uc-124538