Đào tạo tiến sĩ phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động

Thông tin về vệc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến dành 12.000 tỷ đồng để đào tạo khoảng 9000 tiến sĩ đang được dư luận chú ý. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết cơ chế quản lý, đào tạo tiến sĩ trong đề án mới rất khác với cơ chế truyền thống trước đây.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng không phải là đề án mới mà là tiếp nối đề án 911 với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ. Sau một thời gian rà soát lại đề án 911, Bộ GD&ĐT xét thấy, phương thức đào tạo còn chưa phù hợp, vì vậy, cách thức đào tạo theo đề án mới sẽ theo cách Nhà nước định hướng, hỗ trợ. Còn cơ sở đào tạo và người học có trách nhiệm và chia sẻ kinh phí. Số lượng tiến sĩ giảng dạy ở các trường ĐH hiện còn thấp (chỉ khoảng 21%) nên đề án đào tạo, thu hút tiến sĩ mới được Bộ GD&ĐT trình lên Chính phủ xem xét là nâng lên khoảng 35% đến năm 2020. Do đó, việc đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đặt ra. Số lượng tiến sĩ được đào tạo không phải là đào tạo mới tinh.

Điểm nhấn trong đề án đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ trọng tâm chú trọng vào việc thu hút các tiến sĩ, nhà khoa học đang học tập, làm việc ở nước ngoài, ở ngoài cơ sở giáo dục về giảng dạy ở các trường ĐH, học viện trong nước.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để làm được điều đó, Bộ GD&ĐT cũng đang nghiên cứu đề xuất chính sách để họ làm việc tốt khi trở về Việt Nam. Song song với đó, Bộ cũng thực hiện việc đào tạo số lượng thạc sĩ tốt cận kề, chứ không phải là đào tạo một cách tràn lan mà chú trọng tới đào tạo chất lượng.

Ngoài ra, Bộ sẽ không giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ mà Bộ sẽ đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích và kiểm soát chất lượng. Còn các cơ sở đào tạo sẽ dựa trên nhu cầu đào tạo tiến sĩ của mình sẽ phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Cơ sở đào tạo và người học đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được nhận học bổng, có thể là nhận được học bổng toàn phần hoặc từng phần.

Việc đào tạo, nhận được kinh phí đào tạo giảng viên đạt trình độ cao được áp dụng mở rộng, không chỉ ở trường công lập mà còn cả trường ngoài công lập.

“Quan trọng nhất là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc. Cách tiếp cận của chúng tôi bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo. Căn cứ vào đó, Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không làm đề án cử giảng viên đi học, rồi cắt biên chế những người cử đi học lại không trở về nước. Còn về phía người muốn đi học tiến sĩ ở nước ngoài phải có sự cạnh tranh để được nhận học bổng của Chính phủ và họ phải có trách nhiệm với đơn vị cử đi học. Do vậy, cơ chế quản lý, đào tạo tiến sĩ trong đề án mới rất khác với cơ chế truyền thống trước đây”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dao-tao-tien-si-phai-gan-voi-nhu-cau-su-dung-d66961.html