Đảo Trần ấm áp giữa mùa Xuân

Có một hòn đảo tiền tiêu xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, cùng với Bạch Long Vỹ, hòn đảo như con 'mắt thần' trấn giữ cửa ngõ vịnh Bắc Bộ, mang một cái tên lạ: Đảo Trần. Đảo được mệnh danh là 'Trường Sa' của Quân khu Ba. Trong sắc xuân phơi phới, Tết Đinh Dậu hứa hẹn sẽ mang đến nhiều khởi sắc cho quân dân nơi đảo xa.

Những ngôi nhà của các cư dân đảo Trần bừng lên trong nắng. Ảnh: N.Thanh

Đảo nhỏ bừng sức sống

Những ngày cận Tết, theo chân đoàn công tác Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đến thăm và tặng quà Tết quân dân đang sinh sống và công tác tại đảo Trần, lòng chúng tôi trào dâng nhiều cảm xúc khó tả.

Sau 4 tiếng đồng hồ vượt biển, đảo Trần hiện ra uy nghi giữa biển khơi mênh mông. Nổi bật giữa biển trời là cột cờ trên đỉnh núi cao nhất đảo. Nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên biển trời khiến lòng người trào dâng niềm tự hào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đón chúng tôi với nghi lễ "nhà binh", Thượng tá Trần Văn Hiện, Chính trị viên Đồn BP Đảo Trần xúc động nói: Mùa này là mùa biển động, sóng to, gió lớn nên hành trình ra đảo thêm phần vất vả. Các anh chị đã mang không khí mùa xuân, không khí đất liền đến với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Nằm cách cảng Vạn Gia, thành phố Móng Cái khoảng 25km, đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, có diện tích rộng chỉ hơn 5km2 nhưng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trước đây, đảo Trần không có dân cư sinh sống. Trên đảo chỉ có các đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ canh giữ biển trời. Đảo gần như hoang sơ và khắc nghiệt, thừa nước mặn nhưng khan hiếm nước ngọt, đến mức anh em phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt. Mãi đến đầu năm 2005, đảo đón công dân đầu tiên là một cặp vợ chồng trẻ tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Đó là anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh quê ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Đến năm 2015, đảo Trần đón thêm 15 hộ gia đình trẻ ra định cư.

Ai đã từng đến thăm đảo Trần sẽ cảm nhận được bước "chuyển mình" diệu kỳ của đảo. Giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ xen lẫn vị mặn mòi của biển cả, 15 ngôi nhà liền kề kiên cố, mái ngói đỏ tươi khiến cho người từ xa đến cứ ngỡ như đang lạc vào một "khu đô thị mới”. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều là các cặp vợ chồng trẻ. Với họ, ra với biển, gắn bó với đảo Trần không chỉ là khát vọng làm giàu nơi miền đất mới đầy tiềm năng, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với chủ quyền biển đảo.

Đảo Trần hôm nay không chỉ có những ngư dân quen với "ăn sóng nói gió" vươn khơi, bám biển, mà còn rộn rã tiếng nói cười của các em học sinh hân hoan cắp sách tới trường - những chủ nhân tương lai của đảo. Ngôi trường mới khánh thành trên mô đất cao, nổi bật giữa đất trời biển đảo, làm ấm thêm không gian còn hoang sơ của đảo. Trường có 2 lớp học cho 10 trẻ mầm non và 5 trẻ ở độ tuổi tiểu học. Nước ngọt cũng không còn là nỗi trăn trở khi 3 hồ chứa nước ngọt dung tích 100.000m3 được đầu tư, xây dựng, nguồn nước sinh hoạt được đấu nối trực tiếp từ bể sau khi được xử lý đến từng căn hộ. 2 máy phát điện được lắp đặt, vận hành đảm bảo sinh hoạt theo giờ cho quân dân trên đảo. Trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, giải trí và sản xuất, đánh bắt hải sản, đặc biệt là dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần trong một tương lai gần.

Cùng Thượng tá Trần Văn Hiện đến chúc Tết các hộ gia đình trên đảo, tôi được chứng kiến niềm vui đón Tết của những cặp vợ chồng trẻ trong ngôi nhà khang trang, ấm cúng. Anh Phạm Văn Dinh không giấu nổi niềm vui, xúc động: Nhà cửa ổn định rồi, mọi người đều xác định sẽ gắn bó lâu dài, coi đảo là nhà, là quê hương. Tết này, gia đình tôi cùng nhiều hộ gia đình khác sẽ đón một mùa xuân vui tươi trong không khí ấm tình quân dân".

Đón xuân giữa trùng khơi

Đón Xuân trên đảo Trần không náo nhiệt như ở trong đất liền vì không có phiên chợ Tết, không có rực rỡ sắc màu của phố hoa. Giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, ngày Tết trên đảo cũng có đầy đủ hương vị của đất liền. Ngoài thịt lợn, gà, bánh chưng, mứt kẹo... còn rất nhiều sản vật được mang ra từ đất liền, trong đó có cả hoa tươi, đào, quất.

Có những chiến sĩ lần đầu đón Tết tại đảo nhưng không cảm thấy buồn, vì bên cạnh luôn có tình cảm nồng ấm của đồng chí, đồng đội và người dân. Đêm Giao thừa, ánh sáng điện lung linh trong doanh trại quân đội, trên các mái nhà tràn ngập tiếng cười khiến đảo Trần thật bình yên, ấm áp giữa mùa xuân.

Toàn đảo đã được phủ sóng viễn thông Viettel nên mọi thông tin kinh tế, chính trị, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trong nước và quốc tế diễn ra hằng ngày đã được các chiến sĩ trên đảo nắm bắt đầy đủ và nhanh chóng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sẽ được tổ chức đan xen trong những ngày Tết phù hợp với điều kiện của đảo và kết hợp với hoạt động giao lưu với các đoàn ra thăm, chúc Tết quân và dân trên đảo...

Ngày cuối năm, trên đảo không khí càng thêm chộn rộn. Từ sáng sớm, đơn vị mổ lợn, gói và nấu bánh chưng, trang trí cây đào, bàn thờ Tổ quốc... Sau bữa cơm tất niên, cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau với các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn". Các anh hát cho nhau nghe với tất cả tấm lòng mình. Tiếng hát át cả tiếng sóng vỗ bốn bề, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà của những người con nơi đảo xa. Khi đồng hồ điểm 12 tiếng, cả đơn vị im lặng, lắng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước phát đi trên sóng truyền hình. Sau đó là lời chúc Tết của Chỉ huy Biên phòng tỉnh qua điện đàm khiến ai nấy đều xúc động, với bao ước nguyện.

Khi hương xuân gõ cửa mọi nhà, cũng là lúc những chiến sĩ quân hàm xanh lúc sẵn sàng gác lại việc riêng tư, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với họ, tình yêu đất nước đã hòa quyện cùng tình yêu gia đình tạo thành sức mạnh giúp họ bền gan, vững chí canh giữ biển trời Tổ quốc.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dao-tran-am-ap-giua-mua-xuan/