Đáp án vận hành 'cỗ máy' khủng

Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất với quy mô công suất 5 triệu tấn/năm, nhân sự lên đến cả chục nghìn người, thế nhưng mọi khâu vận hành sản xuất đều được đảm bảo kiểm soát tốt và chính xác.

Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất với quy mô công suất 5 triệu tấn/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất với quy mô công suất 5 triệu tấn/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhắc đến ngành thép dường như là nhắc đến sự "nặng nề" trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh với hàng nghìn lao động và những thiết bị khổng lồ. Thế nhưng, nhờ đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, những doanh nghiệp trong ngành này lại có thể vận hành một cách trơn tru quy trình của mình.

Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất với quy mô công suất 5 triệu tấn/năm, nhân sự lên đến cả chục nghìn người, thế nhưng mọi khâu vận hành sản xuất đều được đảm bảo kiểm soát tốt và chính xác các thông số về kỹ thuật, công nghệ, quy trình.

Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của hàng chục khâu khác nhau trong chuỗi sản xuất khép kín từ nhập nguyên liệu quặng sắt, than, đá vôi tới các nhà máy sản xuất ra thành phẩm.

Theo ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất là dự án lớn nhất của Tập đoàn cho đến thời điểm này.

Do vậy, Hòa Phát xác định đầu tư những gì hiện đại nhất, tốt nhất cho dự án nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Với yêu cầu này, Hòa Phát đã quyết định áp dụng thử nghiệm mô hình quản trị tổng thể bằng giải pháp SAP S/4HANA.

"Chúng tôi đang tổng kết, đánh giá những thuận lợi vướng mắc trong quá trình áp dụng để có những bước tiếp theo. Tùy theo điều kiện thực tế, chúng tôi sẽ xem xét áp dụng cho các công ty thành viên khác trong Tập đoàn. Bởi ngành thép là ngành công nghiệp nặng, mỗi thay đổi cần phải có lộ trình phù hợp, từ thử nghiệm tiến tới áp dụng từng phần và nhân rộng mô hình", ông Hà nói.

Báo cáo từ Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, SAP S/4HANA giúp công ty hoạch định và quản trị tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất một cách hiệu quả.

Dự án được triển khai với các giải pháp tổng thể tích hợp bao gồm các ứng dụng trong quản trị sản xuất; quản trị chất lượng; mua, bán hàng; kho và barcode, kế toán tài chính, kế toán quản trị, tích hợp cân điện tử và các thiết bị... Thép Hòa Phát Dung Quất là công ty đầu tiên trong Tập đoàn áp dụng SAP S/4HANA trong quản trị doanh nghiệp.

Ông Mai Văn Hà cho hay, có nhiều lợi ích khi ứng dụng giải pháp SAP. Nhưng cái được lớn nhất là dễ dàng kiểm soát các sản phẩm, vật tư, nguyên liệu theo các đặc tính kỹ thuật, theo dõi và quản lý chất lượng sản phẩm, chứng nhận chất lượng cho bán thành phẩm, thành phẩm các cấp.

Cùng với đó, doanh nghiệp có thể tối ưu nguồn lực và hiệu suất sử dụng nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tồn kho, chủ động các kế hoạch bảo trì bảo dưỡng thiết bị...; liên kết các quy trình và bảo mật thông tin, dữ liệu.

Hệ thống cũng giúp doanh nghiệp ứng phó với các tình huống, sự cố ngoài kế hoạch, sử dụng hiệu quả công cụ sản xuất để giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh. Với quy mô một dự án lớn như Thép Hòa Phát Dung Quất thì việc áp dụng SAP được xem như một hướng đi đúng và cần thiết trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Sau một năm áp dụng tại Hòa Phát Dung Quất, tới nay SAP mới hoàn thiện được khoảng 90%. Doanh nghiệp này cũng đang hoàn thiện nốt các chức năng, nhất là việc cải tiến các quy trình; trong đó có tinh giảm các bước ký xét duyệt không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo tính ràng buộc chặt chẽ của quy trình; cải tiến quy trình bảo trì bảo dưỡng thiết bị, giúp các bộ phận chủ động trong việc lập kế hoạch bảo trì tự động, lên kế hoạch vật tư dự phòng, kiểm soát được vật tư tiêu hao…

Cũng theo ông Trần Trọng Tuyên, Trưởng ban Công nghệ thông tin – Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, trong công cuộc chuyển đổi số, các cấp lãnh đạo rất chú trọng áp dụng các giải pháp tích hợp, các phần mềm phân tích nhằm tối ưu hóa năng lượng, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.

Do vậy, bên cạnh SAP thì Hòa Phát Dung Quất cũng triển khai hệ thống quản lý năng lượng EMS (Energy Management System).

Áp dụng hệ thống EMS này sẽ giúp cho việc thu thập và quản lý tập trung các số liệu năng lượng (điện, nước, khí); trong đó, cập nhật dữ liệu liên tục, dự đoán tương lai, từ đó phân bổ hợp lý các nguồn năng lượng; giám sát chi tiết các nguồn năng lượng sử dụng của từng nhà máy để tối ưu hóa các chỉ tiêu tiêu hao...

Tuy vậy, ông Tuyên cho biết, để tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, song song với việc cải thiện và tối ưu các giải pháp phần mềm đã và đang triển khai, công ty cũng đang làm việc cùng một số đối tác xây dựng hệ thống phần mềm điều hành quản lý, khai thác cảng. Việc áp dụng giải pháp quản lý điều độ Cảng là một yêu cầu tất yếu hiện nay của cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất.

Việc áp dụng giải pháp quản lý điều độ Cảng là một yêu cầu tất yếu hiện nay của cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất. Ảnh minh họa: TTXVN

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dap-ap-van-hanh-co-may-khung/188051.html