Đắp bồi mái ấm

Khẩu hiệu 'Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc' tiếp tục được chọn là chủ đề cho Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022 sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dùng làm chủ đề cho Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm 2021. Điều đó cho thấy bình an của từng gia đình có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội. Để có một xã hội hạnh phúc, phát triển, thì từng gia đình một phải bình an trước đã.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay đó là xã hội càng phát triển, thì việc làm, thu nhập càng gia tăng áp lực lên cuộc sống gia đình. Một khảo sát gần đây cho thấy ở một số đô thị cứ 3 cặp vợ chồng thì có tới 1 cặp rạn nứt. Sống độc thân hay chấp nhận làm mẹ đơn thân đang được nhiều phụ nữ lựa chọn với hy vọng không bị rơi vào bi kịch gia đình. Phần đa người trẻ sau khi kết hôn đều muốn ở riêng, rồi bị cuốn vào các vấn đề kinh tế, họ đã trở nên có khoảng cách với bố, mẹ và ngay cả vợ, con mình.

Nhiều người thường đổ lỗi cho sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình bằng nhiều lý do, nhưng ít người nhìn nhận xem đã bao giờ họ chủ động lập ra những “hàng rào” phòng vệ để bảo vệ mái ấm của mình chưa? Bữa cơm gia đình vừa là nghĩa vụ, cũng là trách nhiệm, không gian để hâm nóng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, vậy mà thống kê mới đây cho thấy ở một số đô thị có tới 40% gia đình có thành viên lâm cảnh “cơm hàng, cháo chợ”. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam cách đây 6 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn chủ đề rất hay đó là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, nhằm khuyến nghị dù có đi đâu, làm việc gì mỗi người cũng luôn nhớ về bữa cơm gia đình, nhớ về người thân đang chờ đợi mình bên mâm cơm ấm áp.

Gia đình bình an không hẳn chỉ là điều kiện về kinh tế, không có sự xung đột, bạo hành, ngược đãi, mà hơn thế phải là sự yêu thương, tôn trọng, từng thành viên phải có ý thức cùng nhau đắp bồi mái ấm bằng những việc làm tích cực, từ cùng ăn, cùng làm việc chung khi có thể, cùng thảo luận một vấn đề nào đó... Nếu như chỉ nhìn vào các vấn đề mang tính hành vi, mà bỏ quên đi các yếu tố “mềm” để sợi dây gia đình gắn kết hơn, thì sẽ rất khó có một gia đình bình an đúng nghĩa.

Năm nào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, những tấm băng rôn lại xuất hiện với những thông điệp ấm áp, yêu thương. Điều cần là hãy nhìn vào tấm băng rôn bằng trách nhiệm thật sự và hành động, để thông điệp ấy phát huy giá trị trong cuộc sống, chứ không phải bằng cái liếc mắt vô tình.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dap-boi-mai-am/161951.htm