Đắp bồi sức đề kháng cho bộ đội Trường Sa - Bài 3: Khắc sâu lời thề giữ biển (Tiếp theo và hết)

Bản lĩnh chính trị không tự nhiên có, mà là sản phẩm của quá trình giáo dục, rèn luyện liên tục của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Môi trường biển, đảo khắc nghiệt, thiếu thốn với nhiều tác động ngoại cảnh là những rào cản vô hình, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa phải không ngừng tôi luyện, bồi đắp sức đề kháng cho bản thân và tập thể quân nhân.

Nhận diện, khắc chế “rào cản”

Không thể phủ nhận, cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn công tác trên biển, đảo là những người có lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, nhưng không loại trừ khả năng lần đầu tiên bước ra môi trường đặc thù sóng gió, ngoại cảnh tác động, mọi sinh hoạt khép kín, khác xa trên đất liền nên bộ đội dễ thay đổi tâm sinh lý, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ.

Mở cánh cửa phòng làm việc chỉ vỏn vẹn 5m2, nhìn ra xa là mênh mông sóng nước, Trung úy Nguyễn Hữu Đạt, Chính trị viên đảo Đá Đông C tâm sự: “Đồng chí hãy thử hình dung, nếu một ngày thôi, chỉ ở trên đảo chìm trong khuôn viên rất hạn chế, nhìn bao quanh mênh mông là sóng nước, chưa kể những hôm dông bão, một người bình thường thì sẽ khó lòng chịu đựng nổi. Thế nhưng, với bộ đội Trường Sa thì việc bám trụ hết ngày này qua ngày khác là nhiệm vụ của mỗi người”. Nếu không có đủ bản lĩnh, ý chí thì khó mà vượt qua được. Vấn đề là làm sao tiết chế những suy nghĩ, tư tưởng tiêu cực, hướng bộ đội tới những điều tốt đẹp, lành mạnh, trong sáng. Giải quyết được vấn đề này sẽ là cơ sở khắc phục được nhiều vấn đề khác.

Mặt khác, cán bộ, chiến sĩ trên đảo có thành phần xuất thân khác nhau; trình độ văn hóa không đồng đều; đặc điểm vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, tuổi đời không giống nhau; hoàn cảnh gia đình, đặc trưng tính cách mỗi người mỗi khác. Trong khi đó, cán bộ quản lý, nhất là cấp đại đội, trung đội, hầu hết là những sĩ quan mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều nên không ít trường hợp gặp khó khăn trong quá trình dự báo, nắm bắt, định hướng, giải quyết tư tưởng bộ đội.

 Lễ chào cờ của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.

Lễ chào cờ của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.

Đây chính là những rào cản mà bất kỳ cán bộ quản lý nào cũng tính toán, suy nghĩ, tìm giải pháp thích hợp. Năm 2021, Vùng 4 Hải quân được Quân chủng Hải quân chọn là đơn vị làm trước để rút kinh nghiệm tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở. Từ sau hội nghị này, đơn vị đã có những cách làm mới, giải pháp hiệu quả nhờ đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác quản lý tư tưởng bộ đội.

Vang mãi lời thề giữ biển!

Sáng hôm ấy, tại phòng truyền thống của đơn vị, chúng tôi được nghe cán bộ đảo Trường Sa Đông giới thiệu về lịch sử truyền thống hào hùng của đảo. Nhìn thấy tấm ảnh có 3 nấm mộ nằm ở góc đảo giữa chang chang nắng gió, ai cũng xúc động nghẹn ngào. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, khi đó là nhân viên báo vụ, thấy sóng đánh chiếc xuồng của đảo cuốn ra xa, không ngần ngại, anh lao ra cứu xuồng. Sóng lớn, xoáy nước mạnh cuốn anh xa mãi...

Gương mặt trẻ măng nhưng đầy hoài bão, chiến sĩ Trần Đăng Khoa, đảo Trường Sa Đông tâm sự: “Qua những giờ giáo dục lịch sử truyền thống của đơn vị, chúng tôi được nghe kể về nhiều tấm gương cha anh đi trước. Mỗi tấm gương là một câu chuyện lịch sử về tinh thần xả thân vì biển, đảo. Điều đó tiếp thêm động lực để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng”.

Theo Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân, để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội giao phó, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, để mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn ghi nhớ và khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Qua đó bồi đắp lòng yêu nước, tình yêu và sự gắn bó với biển, đảo, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin chiến thắng, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách...

Để thực hiện mục tiêu giáo dục, các đơn vị đẩy mạnh kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục lịch sử truyền thống, tuyên truyền; coi trọng triển khai các mô hình, như: Học tập chuyên đề, thông báo thời sự, sinh hoạt chính trị tư tưởng, diễn đàn. Duy trì tốt các mô hình, như: “Mỗi tuần học một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Tích cực tổ chức hội thi, diễn đàn, tọa đàm, tạo không khí sôi nổi, góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ, chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa kể chuyện lịch sử truyền thống.

Để bộ đội an tâm công tác, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đội ngũ cán bộ các cấp trên quần đảo Trường Sa đã và đang thực hành nêu gương mẫu mực, sâu sát cơ sở, gần bộ đội để thấu hiểu và kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh. Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa cho rằng: "Sự nêu gương ấy phải được thể hiện trong lời nói và việc làm, không phải cứ nói những điều vĩ đại, to tát, mà phải nói những điều thiết thực cho bộ đội, cho đơn vị”. Thực tiễn ở đảo Trường Sa cho thấy, nhờ cán bộ nêu gương, sâu sát nên thực sự tạo được lòng tin, sự chia sẻ, đồng lòng cán binh, giúp cho "ngôi nhà chung Trường Sa" vốn đã đoàn kết, giờ càng thêm bền chặt.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm lãnh đạo làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý kỷ luật bộ đội. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát được triển khai chặt chẽ tới từng cán bộ, đảng viên, trong đó tập trung nắm chắc về lập trường tư tưởng, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, việc chấp hành kỷ luật, tác phong công tác... để kịp thời định hướng, uốn nắn và triển khai các chế độ, chính sách chăm lo đời sống tinh thần bộ đội, cũng như các chính sách hậu phương Quân đội. Bởi khi hậu phương vững mạnh thì cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, tận tâm cống hiến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Dẫu biết, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên vùng biển, đảo sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách và hy sinh, song với bản lĩnh chính trị vững vàng, với trái tim nhiệt huyết luôn nóng bỏng, trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên biển, đảo, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió hướng về Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa sẽ mãi giữ vững lời thề: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam... Dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí!”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dap-boi-suc-de-khang-cho-bo-doi-truong-sa-bai-3-khac-sau-loi-the-giu-bien-tiep-theo-va-het-727584