Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc: Bộ phải có ý kiến

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, việc xây dựng đập dâng nếu không tính toán cẩn trọng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, bồi tích, môi trường...

Dự án đập dâng ở hạ lưu sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi. Vị trí xây dựng đập dâng cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ du.

Dự án được tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư từ năm 2004 với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng với thân đập bằng cao su.

Năm 2018, qua nhiều lần điều chỉnh, thân đập được làm bằng bêtông kèm theo các hạng mục bổ sung như: cổng ngăn sông có cửa van điều tiết, đập tràn, âu thuyền, cầu và đường giao thông…Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2018- 2021. Tổng mức đầu tư khoảng gần 1.500 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là giữ nước, tạo mức nước dâng trên sông Trà Khúc đoạn qua TP Quảng Ngãi nhằm tạo cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí và ngăn xâm nhập mặn.

Chia sẻ với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) cho biết ông giật mình khi đọc thông tin về dự án này và đã chỉ ra những điểm lo ngại mà tỉnh Quảng Ngãi cần phải giải quyết thỏa đáng trước khi tiến hành xây dựng.

Lo mất nguồn lợi thủy sản

Trước hết, đối với lo ngại của Hội Nghề cá Quảng Ngãi về việc đập dâng sẽ tác động lớn đến môi trường, nguồn lợi thủy sản và đời sống của một bộ phận dân cư hành nghề thủy sản trên đoạn sông Trà Khúc từ hạ lưu chân đập Thạch Nham đến Cửa Đại, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng là hoàn toàn đúng.

Ông lý giải, lâu nay có quy luật cá từ biển vào vùng nước ngọt đến tận chân đập Thạch Nham đẻ, người dân dựa vào đây để đánh bắt.

Bây giờ làm đập dâng (không có cửa xả đáy), lại không có đường cá đi khiến cá không thể vào sinh sản được nữa và sẽ di cư đến vùng khác.

"Khi ấy nguồn lợi thủy sản của TP Quảng Ngãi bị mất đi, những hộ dân cư sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản không có việc làm, họ sẽ sống bằng gì? Dự án phải đền bù, tạo công ăn việc làm mới cho họ", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Sông Trà Khúc trong ráng chiều. Ảnh: Một thế giới

Sông Trà Khúc trong ráng chiều. Ảnh: Một thế giới

Kỹ thuật

Về vấn đề kỹ thuật, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) lưu ý đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Cụ thể, dự án này làm đập dâng kết hợp đường giao thông mà địa chất ở hạ lưu sông Trà Khúc toàn là cát. Điểm này khác với đập Thạch Nham ở phía trên cầu Trà Khúc - dựa trên khối đá rất lớn. Do đó, nếu làm sẽ phải đóng cừ thép để làm trụ đỡ.

"Nhưng nếu mai này dưới tác động của dòng chảy lên xuống của thủy triều, sự tiến lùi của biển, liệu khối cát ở đập dâng có bị xói?

Cần lưu ý rằng đây là cửa biển, thông suốt từ sông Trà Khúc chảy ra biển. Ở phía trên đã có đập Thạch Nham đứng trên khối đá nên không xói được vào đập nữa mà chỉ xói vào bờ phải.

Giờ dưới hạ lưu làm đập dâng, nếu như dự định ban đầu làm đập cao su thì tôi cho rằng phù hợp bởi đập cao su nghĩa là không có giao thông, chỉ có mục đích dâng nước, nó là công trình tạm, sau này không dùng có thể bỏ đi. Còn bây giờ làm đập bê tông, công trình vĩnh cửu, tuổi thọ phải tính hàng trăm năm, trên có đường giao thông, vậy cấp công trình giao thông là bao nhiêu? Nếu cấp quốc gia thì không đạt và làm đường giao thông phải xem xét phần nền.

Nếu mực nước thủy triều lên xuống và sóng đánh vào, lôi cát ở đập dâng đi, liệu công trình có đứng được không? Cứ cho rằng cừ có thể đóng 20m thì xói vẫn có thể hơn 20m nếu dòng chảy vẫn tiếp tục xói. Thủy triều phức tạp ở chỗ: khi vào thì không mạnh, nhưng khi rút thì rất mạnh và nó lôi hết cát đi. Chính vì thế, tính ổn định của đập dâng này là điều cần phải xem xét", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Điểm thứ hai liên quan đến kỹ thuật được vị chuyên gia thủy lợi chỉ ra, đó là bờ biển quanh tỉnh Quảng Ngãi có nguy cơ bị xói.

Bùn cát ở trên thượng nguồn đã bị đập Thạch Nham giữ lại, nhưng đập này trong thiết kế có xả đáy, vì thế khi cần có thể xả bớt bùn cát xuống cho biển. Tuy nhiên, đập dâng thì không xả đáy được, nó tích bùn cát ở đây khiến cửa biển đói chất bồi tích và hệ quả là nó buộc phải ngoạm hai bên bờ.

Môi trường

Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc sẽ tiến hành chặn dòng chảy để giữ nước bên trong tạo thành hồ chứa, có cửa van điều tiết, đập tràn, âu thuyền, khu vực này sẽ thành khu du lịch, vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, GS.TS Vũ Trọng Hồng lo ngại, khu vực vui chơi sẽ trở thành nơi ô nhiễm rất lớn vì các tàu thuyền ở đó đều chạy máy, chưa kể nhà hàng, khách sạn quanh vùng sẽ phát triển, khi ấy chất thải sẽ đi về đâu?

Đối với TP ven biển, chất thải chỉ có thể chảy thẳng ra biển, trong khi đó để làm nhà máy xử lý chất thải vô cùng tốn kém, Quảng Ngãi liệu có đủ tiền để xử lý?

Theo vị chuyên gia, Quảng Ngãi phải tính đến kịch bản khi ô nhiễm tăng, dân kêu đòi dỡ bỏ, công trình đã làm vĩnh cửu thì dỡ thế nào? Trung Quốc đã từng dỡ công trình như vậy nhưng nó gây hại cho môi trường, bê tông, nhựa, cao su... sẽ vất đi đâu, chưa kể vô cùng tốn kém?

Vào mùa khô, chắc chắn đập dâng không dám mở cửa. Bởi khô hạn nên Quảng Ngãi phải làm đập Thạch Nham để tưới cho hàng vạn hecta. Trên thượng nguồn, Quảng Ngãi có hồ chứa Nước Trong và thủy điện Đăk Đrinh, thủy điện điều tiết theo ngày, còn hồ chứa phải theo mùa mới xả.

Hồ chứa Nước Trong chỉ xả dòng chảy môi trường nhưng nó có xả thường xuyên không lại là vấn đề lớn, rồi nước xả môi trường này có làm sạch được khu vui chơi không hay chỉ xả xuống đập Thạch Nham là dân sinh dùng hết?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/dap-dang-ha-luu-song-tra-khuc-bo-phai-co-y-kien-3381751/