Đắp lá chữa rắn cắn, một cậu bé suýt mất mạng

Cậu bé 13 tuổi bị rắn cắn vào chân khi đang bắt cua buổi tối. Gia đình không đưa em đến bệnh viện mà đắp một loại lá không rõ tên.

Tối 25/8, bác sĩ CK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, bệnh viện đang điều trị một trường hợp bị rắn cắn.

Nạn nhân là em Đ.H. (13 tuổi), nhập viện trong tình trạng đi tiêu ra máu, vết thương sưng và bầm tím vì bị rắn cắn.

Người nhà cho biết, H. gặp nạn vào khoảng 20h ngày 23/8 khi đang bắt cua tại con suối gần nhà. Vị trí vết cắn nằm ở gót chân phải. Con rắn đã được người nhà bắt và tiêu hủy ngay sau đó. Tuy nhiên, gia đình không đưa em đến bệnh viện ngay mà đắp một loại lá cây (không rõ tên) lên vết thương.

Vết rắn cắn bị nhiễm trùng nặng sau khi gia đình đắp lá tự chữa trị.

Vết rắn cắn bị nhiễm trùng nặng sau khi gia đình đắp lá tự chữa trị.

Một ngày sau, gia đình thấy H. không ổn nên chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cấp cứu. Bác sĩ nhận định, bệnh nhi này nhập viện muộn, nhiễm trùng vết thương và nguy hiểm đến tính mạng. Dựa trên mô tả của người nhà, bác sĩ xác định đúng loại rắn đã cắn H. và dùng huyết thanh kháng độc phù hợp để điều trị.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng tiếp nhận một bé trai 13 tuổi bị rắn cạp nia cắn nguy kịch. Khi phát hiện con bị rắn cắn, gia đình đã đưa bé đến gặp thầy lang. Tuy nhiên vết thương quá nặng, thầy lang cũng từ chối.

Gia đình đưa bệnh nhi qua 3 bệnh viện, đến Nhi đồng 1 TP.HCM, trẻ bất động, đồng tử giãn 2 bên. Vì hết huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đặc trị, các bác sĩ buộc phải sử dụng 5 lọ huyết thanh khác có tác dụng chậm hơn. Đó cũng là những lọ huyết thanh kháng độc rắn đa giá cuối cùng của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Các bác sĩ cảnh báo, khi bị rắn cắn, người dân tuyệt đối không đắp lá lên vết thương, dễ dẫn đến nhiễm trùng; Không cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc, có thể gây chảy máu tại chỗ, nhiễm trùng, tăng hấp thu nọc độc.

Nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có.

Nẹp cố định chi bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng vết thương từ trên xuống để hạn chế hấp thu nọc độc, nên để chi thấp hơn tim; hạn chế buột garo phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ bị hoại tử chi.

Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người nhà hoặc nạn nhân cần ghi nhớ màu sắc, đặc điểm của con rắn để mô tả cho bác sĩ, nhằm sử dụng đúng huyết thanh kháng độc.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dap-la-chua-ran-can-mot-cau-be-suyt-mat-mang-2053547.html