Đáp trả trừng phạt Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lúng túng do đâu?

Tổng thống Erdogan nỗ lực tìm giải pháp nhưng vẫn thua Washington một bước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 14/8 tuyên bố nước này sẽ tiến hành những biện pháp cụ thể để “bảo vệ tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ” khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng gọi Facetime cho người dân kêu gọi họ xuống đường lật đổ đảo chính.

Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Erdogan nhấn mạnh: “Tất cả những mặt hàng mà chúng ta nhập khẩu bằng ngoại tệ, thì giờ chúng ta sẽ tự sản xuất và xuất khẩu. Chúng ta sẽ cấm các sản phẩm công nghệ từ Mỹ.

Nếu họ có iPhone thì còn có Samsung để thay thế. Và chúng ta cũng có thương hiệu điện thoại của nước mình - Vestel Venus.

Chúng ta sẽ sản xuất đủ cho người dân dùng. Chúng ta cần phải sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao hơn cả hàng nhập khẩu”.

Theo New York Times, những tuyên bố của ông Erdogan rất đặc biệt bởi chính ông cùng nhiều vị bộ trưởng khác cũng là những người dùng iPhone. Vào năm 2016, khi cuộc đảo chính nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã gọi cho những người ủng hộ mình bằng FaceTime. Điện thoại của Apple chiếm tới 17% thị phần điện thoại tại đất nước này.

Từ khi cuộc đối đầu thương mại với Mỹ nổ ra, Tổng thống Erdogan đã có nhiều biện pháp cụ thể nhằm cứu đồng nội tệ lira và tình hình kinh tế của nước này tránh khỏi hậu quả của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm.

Trước khi kêu gọi tẩy chay iPhone, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích người dân bán hết vàng và đồng USD để cứu đồng lira.

Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính chất là hạn chế tác động bất lợi của các biện pháp trừng phạt Mỹ mà thôi.

Ankara rõ ràng là thiếu những con át chủ bài chiến lược để đối đầu với Mỹ.

Các quan chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cảnh báo Mỹ về việc áp đặt trừng phạt chẳng có lợi cho ai và sẽ khiến các bên cùng thiệt hại.

Tuy nhiên, Washington chỉ quan tâm tới câu chuyện ai sẽ là người thiệt hơn khi họ tung ra các đòn trừng phạt.

Washington đã sử dụng đồng USD làm vũ khí biến cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ thành cuộc khủng hoảng chính trị xã hội.

Đồng lira bị mất giá nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những biện pháp đối phó rất tỉ mỉ của ông Erdogan về kinh tế và tiền tệ cho tới nay chưa đưa lại được cải thiện gì và xem ra còn không thích hợp để có thể giúp xoay chuyển được tình thế.

Tình trạng này càng kéo dài thì càng bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyện xung khắc với Mỹ và càng thêm nguy hiểm đối với quyền lực của ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ lại không nhận được sự hậu thuẫn đáng kể nào về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại của các đồng minh khác trong NATO. Không có kế sách dài hơi để đối đầu Mỹ, Ankara đang phải chấp nhận sự lèo lái của Washington, tìm cách hạ nhiệt tình hình, kêu gọi Mỹ tìm giải pháp đối thoại.

Ông Erdogan không có bài để đấu dài hơi với Mỹ?

Kịch bản cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra tương tự như sự sụt giá chóng mặt của đồng nội tệ Iran.

Đồng nội tệ sụt giảm giá trị kỷ lục chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi nhu cầu mua đồng USD của người dân lại tăng lên, cuộc sống trở nên khó khăn hơn và các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra tại Iran.

Chính phủ Iran nhìn nhận thực trạng này là do thế lực thù địch từ bên ngoài cấu kết với thành phần phản động trong nước phá hoại. Ngân hàng Trung ương Iran và Bộ Tư pháp Iran đã cáo buộc Mỹ, Israel, Ả-rập Saudi và phe đối lập sống lưu vong lá tác nhân chính gây ra sự hỗn loạn của hệ thống tiền tệ, khiến đồng rial mất giá nhanh chóng.

Bộ Tư pháp Iran đã cho bắt giữ hơn 40 người, trong đó có một cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương vì bị cáo buộc đã cấu kết với thế lực thù địch bên ngoài, phá hoại nền kinh tế, làm hại đất nước.

Song, việc đổ lỗi cho "thù trong, giặc ngoài" mà không tập trung vào giải pháp, phương pháp, biện pháp giải quyết vấn đề của Chính phủ Iran đã khiến tình hình kinh tế - xã hội Iran thêm rối loạn.

Trước tình hình này, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Seyyed Ali Khamenei đã phải nói thẳng là những khó khăn kinh tế hiện tại của Iran chủ yếu là hậu quả gây ra từ các yếu tố bên trong đất nước Iran, hơn là tác hại từ trừng phạt Mỹ.

"Quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ gây sức ép đối với người dân Iran lớn hơn rất nhiều sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ... Đây không phải là do sự phản bội, mà là do sai lầm lớn trong quản lý", Đại giáo Khamenei luận giải.

"Các chuyên gia kinh tế và nhiều quan chức tin rằng nguyên nhân của vấn đề hiện nay không phải từ bên ngoài, mà từ nội bộ. Không phải trừng phạt không gây hậu quả, song tác nhân chính là do cách chúng ta đối phó", lãnh tụ tối cao nhấn mạnh.

Cuối cùng người chịu trách nhiệm về tinh thần và bảo vệ an ninh đất nước Iran cũng đã đối diện với sự thật. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, liệu có sớm nhận ra sự bất cập ở đất nước mình?

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dap-tra-trung-phat-my-tho-nhi-ky-lung-tung-do-dau-3363715/