Đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh của nhân dân

Chiều 17.7, tại Hội nghị công tác khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức, đại diện Bộ Y tế cho biết, các hoạt động khám-chữa bệnh (KCB) y học cổ truyền (YHCT) tại các tuyến cơ bản đã đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân, góp phần vào thành tựu chăm sóc sức khỏe chung của ngành y tế và góp phần bảo tồn giá trị về bản sắc, phát huy và phát triển YHCT của Việt Nam. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVNB

Hoạt động khám-chữa bệnh YHCT được mở rộng

Theo báo cáo kết quả hoạt động KCB YHCT của Cục Quản lý y dược cổ truyền (YDCT), Bộ Y tế, hiện hệ thống KCB YHCT từ tuyến Trung ương đến tuyến xã được củng cố, hoàn thiện và mở rộng về quy mô đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có 88,88% số tỉnh, thành phố thành lập bệnh viện YHCT; 82,30% số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh thành lập khoa YDCT hoặc bộ phận YDCT liên chuyên khoa; 93,31% số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến huyện thành lập khoa YDCT hoặc bộ phận YDCT liên chuyên khoa; 88,23% số trạm y tế xã tổ chức triển khai KCB YHCT trên tổng số khám bệnh chung 8,75% ở tuyến tỉnh; 10,21% ở tuyến huyện; 22% ở tuyến xã. Tỉ lệ người bệnh đến cơ sở KCB YHCT ngày càng tăng đã chứng minh hiệu quả điều trị của phương pháp KCB YHCT, đã thu hút người bệnh ở các tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, Cục Quản lý YDCT cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như công tác cung ứng đấu thầu dược liệu, vị thuốc còn hiện tượng sử dụng chưa đúng giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu nuôi trồng trong nước chưa rõ ràng; giá trúng thầu thuốc của các tỉnh, thành phố vẫn còn chênh lệch; đa số dược liệu, vị thuốc chưa được cấp số đăng ký. Hiện nay Bộ Y tế mới đang soạn thảo ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký dược liệu thuốc cổ truyền.

Tại hội nghị, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay công tác KCB BHYT trong lĩnh vực YHCT còn nhiều bất cập như tần suất dịch vụ kỹ thuật tăng cao hơn bình thường, mã bệnh như nhau nhưng chi phí khác nhau. Tình hình sử dụng thuốc năm 2017 là 35 tỉ đồng, 5 tháng đầu năm 2018 là 16 tỉ đồng, sử dụng trên tổng chi phí thuốc 8,7%. Tình trạng các cơ sở KCB chỉ định rộng rãi, kéo dài thời gian điều trị không hợp lý, chỉ định điều trị nội trú cao, kê thêm nhiều giường bệnh... vẫn còn tồn tại.

Ban Thực hiện chính sách BHYT kiến nghị, cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh; cơ sở KCB chỉ định dịch vụ kỹ thuật phù hợp với chẩn đoán. Một số cơ sở KCB cần giảm ngày điều trị bình quân, không kéo dài ngày điều trị; sử dụng thuốc chế phẩm y học cổ truyền phù hợp; thực hiện việc chuyển tuyến KCB BHYT theo đúng quy định của Thông tư 40/2015/TT-BYT.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh trong lĩnh vực YHCT

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH Việt Nam luôn tuân thủ chặt chẽ các văn bản pháp luật mà Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng trong triển khai thực hiện chính sách BHYT nói chung, công tác KCB BHYT nói riêng. Ông Phạm Lương Sơn nêu rõ, quan điểm của BHXH Việt Nam là những gì sử dụng cho bệnh nhân, có lợi trong điều trị cho người bệnh thì thanh toán đúng, đủ; nhưng không sử dụng dứt khoát sẽ không thanh toán.

Ông Phạm Lương Sơn đề nghị, ngành y tế và BHXH sẽ tiếp tục phối hợp, cùng nhau tìm ra các nguyên nhân, từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện tốt nhất công tác KCB BHYT, hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cùng chung sức thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị trong thực hiện nhiệm vụ, bản thân các cơ sở KCB phải làm đúng, làm chuẩn, công khai minh bạch, không được lạm dụng trong điều trị; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để thu hút bệnh nhân đến KCB; tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn; đảm bảo hiệu quả, tiếp tục đóng góp vào công tác KCB, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân.

HÀ THỦY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/dap-ung-nhu-cau-kham-chua-benh-cua-nhan-dan-619505.ldo