Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Liên quan đến đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia 'Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo' GS.TS Phạm Quang Trung – Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã có báo cáo chuyên đề về chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện GD-ĐT.

Dạy học là ngành nghề đặc thù mang tính “khai sáng” con người

Lao động của giáo viên mang tính “khai sáng” cho con người

Đặt vấn đề nội dung này, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngày nay, khi bàn về chất lượng giáo dục không còn là vấn đề riêng của ngành Giáo dục mà của tất cả những ai quan tâm đến giáo dục. Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng chính tạo nên chất lượng giáo dục, yếu tố tiền đề của chất lượng nguồn nhân lực.

Vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục với tạo nguồn nhân lực được thể hiện qua hình thành nhân cách học sinh. Trong nhà trường, lao động của giáo viên mang tính “khai sáng” cho con người, các hoạt động giảng dạy, giáo dục tạo ra nhân cách học sinh đảm bảo mục tiêu tại Điều 2 Luật Giáo dục 2005 và sửa đổi năm 2009.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, từ Chương trình “Bồi dưỡng hiệu trưởng các trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam - Singapore” chỉ rõ hiệu trưởng có vai trò lãnh đạo phát triển đội ngũ. Nhiệm vụ đặt ra yêu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, vì đội ngũ này là khâu then chốt tạo nên chất lượng giáo dục trong nhà trường.Vấn đề phát triển giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý, gắn với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển con người được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu ra quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục gắn với phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo GS.TS Phạm Quang Trung và nhóm nghiên cứu, đánh giá tình hình triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định: Chất lượng giáo dục nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được sự nghiệp CNH - HĐH; công tác quản lý còn nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục thiếu số lượng, yếu năng lực, thiếu động lực tự học và đổi mới, chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới, quản lý; hạn chế về ngoại ngữ và công nghệ thông tin; năng lực của nhiều cán bộ quản lý chưa tương xứng với bằng cấp đào tạo.

Đánh giá thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục sau ba năm thực hiện Quyết định số 09/2005/QĐ.TTg, Bộ GD&ĐT khẳng định sự tiến bộ nhưng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thể hiện chủ yếu ở công tác tham mưu, dự báo, hoạch định, phương pháp làm việc, quản lý tài chính, trình độ ngoại ngữ và tin học, khả năng thu thập và xử lý thông tin.

Công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đã có nhiều thay đổi song chưa đáp ứng được đòi hỏi của các cơ sở giáo dục, nhất là việc phân cấp trong công tác cán bộ và thực hiện chế độ chính sách vẫn chưa phân định cụ thể được chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý giáo dục. Nguồn kinh phí dành cho đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Với một số các bất cập trên trước yêu cầu đổi mới giáo dục xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu như: Thiếu sự thống nhất trong cách hiểu về chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; thiếu tính đồng bộ trong xây dựng chính sách tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; xác định mờ nhạt vai trò, vị thế của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục; thiếu bộ tiêu chí đánh giá chất lượng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; chưa xác định được rõ các yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục.

Đề xuất 4 nhóm giải pháp

Để có căn cứ khoa học, trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài: “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo”, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất 4 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo.

Nhóm giải pháp quy hoạch lại mạng lưới đào tạo các trường đào tạo ngành sư phạm, khoa sư phạm và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể là giải pháp rà soát, đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm so với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên của các trường, khoa sư phạm và thích ứng nghề nghiệp.

Giải pháp rà soát, dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo và CBQLGD giai đoạn 2017 - 2025 gắn với cấp học, môn học, theo từng vùng miền địa phương. Giải pháp tăng cường liên kết, phối hợp đào tạo giữa các trường sư phạm, các khoa sư phạm và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nhà nước trong việc xác định nhu cầu tuyển sinh và nhu cầu việc làm của sinh viên.

Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện đào tạo giáo viên gắn với trường phổ thông theo hướng thiết thực và hiệu quả, gồm các giải pháp sau:

Một là, giải pháp liên kết các trường phổ thông theo “mô hình trường thực hành” gắn với đào tạo sinh viên sư phạm; Hai là giải pháp tổ chức thực hiện đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục gắn với chuẩn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo. Ba là, giải pháp xây dựng mô hình bồi dưỡng và đào tạo lại nghề nghiệp cho giáo viên (in service) độc lập với trường sư phạm; Bốn là, giải pháp xây dựng mạng lưới hiệp hội nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Nhóm giải pháp hoàn thiện chương trình đào tạo, tài liệu, sách giáo khoa của các trường, khoa sư phạm theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo, gồm: Giải pháp xây dựng khung năng lực nhà giáo tương lai theo chuẩn nghề nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo; Giải pháp hoàn thiện và xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; Giải pháp xây dựng mô hình phối hợp giữa của các trường sư phạm, khoa sư phạm với hệ thống trường phổ thông trong công tác biên soạn chương trình, tài liệu, giáo trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo Chương trình phổ thông mới.

Nhóm giải pháp về các điều kiện đảm bảo chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính của các trường sư phạm và các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhóm này gồm các giải pháp sau: Giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương, tuyển chọn, sàng lọc, khen thưởng, ưu đãi, tôn vinh và thăng tiến sự nghiệp đối với nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; Giải pháp đào tạo lại, bồi dưỡng năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục.

Giải pháp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đối với nhà giáo và CBQLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017-2025 và những năm tiếp theo; Giải pháp tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư tài chính để phát triển hệ thống các trường, khoa đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; Giải pháp xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá của người dân về nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; giải pháp xây dựng Luật Giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ báo cáo chuyên đề “Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện GD-ĐT” của GS.TS Phạm Quang Trung và nhóm nghiên cứu.

Hải Phong (lược dẫn)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/dap-ung-yeu-cau-doi-moi-giao-duc-3966679-b.html