Đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vững chắc 'phên dậu' của Tổ quốc

Việc xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được xác định cụ thể trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, nhằm luật hóa các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), khu vực biên giới (KVBG), xây dựng nền biên phòng toàn dân, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, là hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ BGQG, tạo thuận lợi cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực thi pháp luật ở biên giới. Báo Biên phòng giới thiệu một số ý kiến tâm huyết của đại biểu tham dự Hội nghị tọa đàm dự thảo Luật BPVN do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức ngày 20-7, tại thành phố Hải Phòng.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Dự thảo Luật BPVN được chuẩn bị công phu, có tính hợp hiến và phù hợp với các văn bản pháp luật, quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, luật hóa được chức năng nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên bộ, trên không và trên biển.

Lĩnh vực biên phòng, chức năng nhiệm vụ của BĐBP liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, các lợi ích kinh tế của đất nước, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Những vấn đề Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia đã quy định là quy định chung, còn dự thảo Luật BPVN cụ thể hóa để đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Đối với tên gọi của Luật BPVN, đã được xác định trong Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị “Sớm ban hành Luật BPVN”. Việc ban hành Luật BPVN chính là cơ sở pháp lý để đảm bảo tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. BĐBP với vai trò lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện luật, địa vị pháp lý của BĐBP được nâng lên với tên gọi của Luật BPVN. Điều đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực, là trách nhiệm để BĐBP tiếp tục phấn đấu luôn thực sự là biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu.

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng: Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố hệ thống chính trị; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát tiển kinh tế - xã hội ở KVBG được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh BGQG và tăng cường đối ngoại.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác thực thi nhiệm vụ biên phòng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện để điều chỉnh đối với lực lượng chuyên trách, lực lượng phối hợp; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Một số quy định giữa các ngành, lực lượng chưa được thống nhất, dẫn đến công tác tham mưu, phối hợp có thời điểm chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả không cao. Công tác tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới; chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách mới về nhiệm vụ biên phòng có thời điểm còn hạn chế.

Ngoài ra, các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang và một số chủ thể trong tham gia quản lý, bảo vệ BGQG. Việc tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân còn thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng thực thi nhiệm vụ. Nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG, bảo đảm an toàn trật tự KVBG, cửa khẩu, đòi hỏi phải có văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất, trong đó, việc ban hành Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Ông Nguyên Hữu Hùng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: KVBG là “phên dậu” quốc gia, mang tính chất quốc tế, dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Sau nhiều năm thực thi Luật BGQG, các quy định đã đi vào cuộc sống được kiểm nghiệm, đủ điều kiện lựa chọn, kế thừa, phát triển thành luật đảm bảo tính hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Mặt khác, cần luật hóa những quy định có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên KVBG, biển đảo. Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại biên phòng, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các lực lượng bảo vệ biên giới với các nước láng giềng, giải quyết hiệu quả các vấn đề về quan hệ biên giới.

Ngoài ra, BĐBP được giao nhiệm vụ quản lý hành chính ở KVBG, thực hiện kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý; thực hiện nhiệm vụ điều tra phòng, chống các loại tội phạm ở KVBG... Những nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân và quyền con người.

Với những lý do trên, việc xây dựng, ban hành Luật BPVN sẽ giải quyết được nhiều vấn đề pháp lý, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phát huy được sức mạnh toàn dân, của cả hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, đặc biệt là chính quyền địa phương và nhân dân KVBG thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng: Tại Nghị quyết số 33 ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG nêu rõ: Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc...

Với quy định như vậy, sẽ phát huy hết được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG.
Trong thời gian qua, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân KVBG, hải đảo xóa đói, giảm nghèo..., xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, BĐBP đã kịp thời triển khai lực lượng, duy trì hàng nghìn tổ, chốt với gần 7.000 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng và tổ chức quần chúng phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã không quản ngại hy sinh, ngăn chặn có hiệu quả dịch lây lan qua biên giới; tuyên truyền cho đồng bào phòng, chống dịch bệnh, góp phần to lớn vào thành công của cả nước trong phòng, chống dịch bệnh. Từ thực tiễn, kết quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP, việc ban hành Luật BPVN sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm...

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dap-ung-yeu-cau-quan-ly-bao-ve-vung-chac-phen-dauquot-cua-to-quoc-post431177.html