Đạp xe trong thành phố

Tháng 10. Thu rất thu. Trời trong. Nắng vàng. Gió hiu hiu… Nhẫn nại và chậm rãi, xe đạp cùng tôi đi trong thành phố.

Tôi chọn những ngày thu để đạp xe trong thành phố. Tôi đạp xe vào lúc bất kỳ, 5h sáng, 9h tối hoặc giờ cao điểm đến công sở buổi sáng hay giờ tan tầm buổi chiều… Xe đạp cùng tôi luồn lách qua các ngóc ngách trong khu dân cư là những dãy nhà bê tông lắp ghép được Liên Xô hỗ trợ xây dựng - nơi tôi đang cư ngụ.

Xe đạp đưa tôi trở về Ký túc xá Mễ Trì để được sống lại những năm tháng sinh viên. Xe đạp dẫn dụ tôi đến những khu đô thị mới có những dãy nhà biệt thự hàng chục tỷ nhưng cửa đóng im ỉm, rêu mọc phủ đầy. Xe đạp cũng kéo tôi đến phiên chợ cây cảnh mỗi tuần họp hai buổi ở làng lụa Vạn Phúc. Chậm rãi và tĩnh tại, xe đạp cùng tôi khám phá phố phường và đôi khi còn đánh thức những thứ mà khi lao vào nhịp điệu hối hả của xe máy, tôi đã lãng quên.

Tôi ở thành phố này đã 20 năm có lẻ. Thời sinh viên, chúng tôi vẫn thường đạp xe đi học, đạp xe đi thăm Lăng Bác, ra hồ Hoàn Kiếm chơi và cả những nơi rất xa như Chùa Thầy. Vừa đạp xe, vừa líu ríu trò chuyện nên quãng đường đi học hay đi chơi chẳng bao giờ thấy xa.

Kỷ niệm cùng nhau đạp xe dưới cơn mưa tầm tã đến giờ bọn chúng tôi gặp nhau vẫn nhắc. Quần áo ướt sũng, tóc tai dính bết nhưng tiếng cười thì giòn tan. Rồi xe máy thịnh hành, tôi cũng như bao người gác xe đạp vào ký ức. Xe máy tốc độ nhanh hơn, hợp với cuộc mưu sinh hối hả, hợp với những bươn bả trên đường đời. Rồi trào lưu xế hộp lên ngôi.

Tắc đường, kẹt xe, không có điểm đỗ, ôtô lại gặp phải thách thức "sinh tồn". Nhiều người bạn tôi đã không vượt qua được thách thức này, đành để ôtô đắp chiếu, đi xe máy cho lành. Thế là, xe máy trở lại vị trí số 1 trong cuộc đua sinh tồn của đa số đám đông. Còn xe đạp có vẻ như vẫn bị lãng quên…

Tôi quay lại với xe đạp chẳng vì một lý do cụ thể nào cả. Nói như đám thanh niên bây giờ, "thích thì nhích" thôi. Khi đạp xe buổi tối trên con đường Tố Hữu, tôi ngẩn người trước ánh đèn nhiều màu sắc của những cao ốc, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán xá…

Tuyến đường này hoàn thành khi người ta xây dựng Khu đô thị Dương Nội, ban đầu dân tình hay gọi là đường Lê Văn Lương kéo dài (đường này tiếp giáp với đường Lê Văn Lương). Hồi đó, đường rất vắng, hai bên toàn ruộng, ao rau muống, vườn đào…

Nay thì thay đổi chóng mặt, sầm uất và hào nhoáng vô cùng. Đường cũng vì thế mà đông kịt, ruộng gần như lấp hết… Tốc độ xây dựng trên tuyến đường này nhanh đến nỗi, chính các chuyên gia giao thông cả Tây lẫn ta khi thực hiện dự án tuyến xe bus nhanh BRT cũng không lường hết được. Một phần lòng đường ở đây giờ vẫn dành cho BRT, nhưng vào giờ cao điểm, xe máy, ôtô lấn hết, mặc kệ cái loa ở cột đèn tín hiệu giao thông vẫn ra rả đọc mức xử phạt… Ngay cả những cái xe bus được đầu tư sang chảnh chạy trên tuyến đường dành riêng cho mình còn bị xe máy, ôtô lấn lướt huống hồ thân phận xe đạp. Xe đạp vì vậy, vừa lạc lõng, vừa yếu thế…trong vòng đua tốc độ.

Khi đạp xe trong thành phố, tôi nhìn được nhiều thứ và cũng vẩn vơ với nhiều người. Người đàn ông khó xác định độ tuổi thanh niên hay trung niên, lúc đứng, lúc ngồi ở dải phân cách dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở là một ví dụ. Mỗi lần đạp xe qua đây, tôi đều nhìn anh đứng/ngồi ngơ ngẩn với cái mũ để ngửa. Không có một cái vòng đánh dấu, nhưng người đàn ông này chỉ loanh quanh ở đây.

Tôi cứ tự hỏi, liệu có ai dắt anh ta ra đây, bảo anh ta đứng/ngồi ở chỗ này không nhỉ? Cho đến một ngày, tôi qua chỗ anh khoảng 2h30 chiều. Lúc này, anh không ngồi/đứng với vẻ mặt ngẩn ngơ như mọi khi mà đang loay hoay với cặp lồng cơm. Gần nửa buổi chiều mới ăn bữa trưa? Mà ai đưa cơm cho anh? Kẻ chăn dắt hay người thân của anh?

Ở thành phố này, những góc ngã tư, cột đèn giao thông đâu có hiếm những đứa trẻ tàn tật ngồi trên xe lăn để xin tiền hay người già bán kẹo cao su. Nếu không có những người khỏe mạnh đưa đón, chăn dắt, thì họ đâu có thể đến được nơi này để ăn mày lòng thương. Lòng thương mà họ ăn mày được liệu có phải chia năm sẻ bảy?

Khi đạp xe, cái đầu rất rảnh và rất nhiều thứ lọt vào mắt. Có những lúc, tôi còn "điểm danh" được những "loại người" vẫn chọn phương tiện này để di chuyển. Đó là các bạn trai tuổi teen. Là chị mua đồng nát. Là chị bán tào phớ, ngô luộc, trái cây… Yêu kiều nhất trong số những người đi xe đạp là chị bán hoa. Những bông hoa rực rỡ luôn làm khuất lấp dáng vẻ lam lũ của chị. Chính các chị là người đem mùa xuân với những cành đào biếc vào trong phố, đem hạ về với sắc trắng của loa kèn tháng tư. Rồi mùa cúc họa mi, các chị làm cho những con phố thêm thơ mộng…

Đi xe đạp, tôi hay nghĩ đến bộ phim "Kẻ cắp xe đạp" của nước Ý. Bộ phim đen trắng, sản xuất từ năm 1948 này được cả thế giới thừa nhận, đó là bộ phim bất hủ. Trong phim, xe đạp không có tên riêng nhưng nó là thứ luôn gắn với số phận nhân vật chính. Phim lấy bối cảnh nước Ý sau chiến tranh, cuộc sống của đa số thị dân đều rất nghèo khổ, xe đạp là thứ tài sản đáng giá.

Với gia đình anh Antonio Ricci, nó còn là công cụ để cả 4 thành viên sinh tồn. Nhưng rồi, chiếc xe bị đánh cắp. Hành trình đi tìm chiếc xe bị mất cắp của Antonio Ricci cùng cậu con trai nhỏ và rồi anh trở thành "Kẻ cắp xe đạp" không có nhiều kịch tính nhưng vẫn đẩy cảm xúc lên cao trào. Bộ phim khép lại khi người cha đau đớn đối diện với cậu con trai nhỏ khi không thể chối cãi, rằng mình chính là kẻ cắp xe đạp…

Hà Nội đang đậm chất thu. Thêm một ngày đạp xe trong thành phố, thêm một ngày được sống chậm…

Cao Hồng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dap-xe-trong-thanh-pho-518394/