Đạt 45 triệu tài khoản xem trong tuần đầu tiên nhưng 'Bird Box' của Netflix có đang tạo ra niềm tin sai lầm về người mắc bệnh tâm thần?

Mặc dù 'Bird Box' được 45 triệu tài khoản Netflix xem trong tuần đầu tiên nhưng phim cũng vấp phải phản ứng trái chiều. Bộ phim đã 'ngó lơ' trước những vấn đề về sức khỏe tâm thần đang được phơi bày trong phim và khiến những người mắc căn bệnh tâm thần trở nên xấu xí trong mắt khán giả.

Sau thành công vang dội của A Quite Place, Bird Boxcủa Netflix đã được trông đợi sẽ là “siêu phẩm” cuối năm làm bùng nổ màn ảnh nhỏ, nhưng thực tế sau khi ra mắt bộ phim lại gây ra nhiều thất vọng. Ngoài kịch bản kém, xây dựng thế giới nửa vời, nhân vật thiếu chiều sâu và lãng phí tài năng của một nữ diễn viên hạng A như Sandra Bullock, bộ phim còn gặp phải vấn đề trầm trọng hơn khi đang góp phần vào việc khiến những người mắc bệnh tâm thần trở nên “xấu xí” trong mắt khán giả.

Lấy bối cảnh hậu tận thế, bộ phim xoay quanh cuộc chạy trốn của một nhóm người, trong đó có bà mẹ Malorie (Sandra Bullock) cùng hai đứa con thơ khỏi một thế lực quái vật đang tràn xuống trái đất. Chỉ cần một cái chạm mắt với chúng, những con quái vật này sẽ khiến mọi người tự sát ngập tức theo nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ với con quái vật này, bạn có thể sống sót nếu đã từng có tiểu sử về…bệnh tâm thần. Thay vì tự sát theo những cách vô cớ như tất cả các “nhân vật bình thường” khác trong phim, những người này lại trở thành những tác nhân xấu xa, bị ám ảnh bởi việc thực hiện sứ mệnh của con quái vật để tiêu diệt loài người. Mặc dù trong phim chúng ta vẫn chưa được nhìn thấy con quái vật hình dáng ra sao hay nguyên nhân thực sự nào khiến cho những người nhìn vào mắt chúng vẫn sống. Nhưng ta cũng có thể phần nào đoán ra thông qua lời kể của các Gary về các cựu bệnh nhân tâm thần hay anh bạn của Charlie - một nhân viên cửa hàng tạp hóa đã “đi tù và hơi chút điên rồ”.

Trailer phim 1.

Gary, một trong những “nạn nhân” được sống sót nhưng đã trở nên phát điên khi nhìn vào con quái vật.

Điều rõ ràng là Bird Box đã ghi tên mình vào sử sách lâu đời của truyền thông đại chúng khi “quy chụp” những người mắc bệnh tâm thần là những kẻ hung ác cực kỳ nguy hiểm, thay vì chọn cách nhìn nhận rằng họ thực sự là nạn nhân của bạo lực. Từ việc là chủ đề trong các game bắn súng hàng loạt, những người mắc chứng bệnh tâm thần còn được coi những kẻ phản diện trong các bộ phim kinh dị từ thời xa xưa như Psycho,Friday the 13th, The Shining,…Càng ngày các nhân vật phản diện tâm thần càng đi sâu vào văn hóa đại chúng và gây nên ấn tượng xấu trong nhận thức của nhiều người. Những người trải qua căn bệnh này ở ngoài đời thà im lặng còn hơn tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía gia đình hay bạn bè vì họ sợ bị xa lánh hay coi như một kẻ điên loạn như các nhân vật trên phim ảnh.

Cách đây mấy tháng, Netflix cũng đã bị nhận những phản ứng dữ dội từ phía công chúng khi đưa ra những ý nghĩ sai lầm về trầm cảm và tự sát trong 13 Reason Why. Series đình đám này đã khiến những bạn trẻ mang trong mình suy nghĩ nông nổi và cảm thấy việc kết liễu bản thân là lối thoát cho những vấn đề của mình.

Trailer phim “Bird Box”.

Bird Box cũng đang đi theo vết xe đổ của series này khi tỏ thái độ khá thờ trong việc miêu tả những vụ tự tử đầy tính bạo lực. Cách làm phim của họ đi theo chủ nghĩa giật gân mà ngày càng xa rời những vụ tự tử trong thực tế. Tưởng chừng điều đó sẽ tạo thêm phần kịch tính thú vị cho bộ phim nhưng nó đã bị phản tác dụng và tình cờ biến cái chết thương tâm trở thành những vụ án mạng rẻ tiền và để lại những suy nghĩ tiêu cực cho người xem hoặc thậm chí cả những người đang vật lộn với ý định tự tử.

Có thể đó chỉ là vô tình khi những người “kiến tạo” ra Bird Box từ đầu không có ý định tạo ra một nhân vật phản diện tâm thần hay có những vụ tự sát bạo lực đến thế. Có lẽ những gì con quái vật ấy tiêm nhiễm vào các nhân vật ấy lại là ẩn dụ cho những nỗi sợ hãi, những vấn đề mà chính họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng đó lại không phải là lời bào chữa cho sự thiếu nhận thức của các nhà làm phim khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như vậy.

Một series khác của Netflix cũng đã gặp vướng phải nhiều ý kiến phản đối khi xem nhẹ những vấn đề về trầm cảm và tự sát.

Nói một cách công bằng, Bird Box đã có những nỗ lực đáng tuyên dương trong việc miêu tả chân dung và tâm hồn của những người khuyết tật. Cuối cùng, Malorie và những đứa trẻ tìm được nơi trú ẩn an toàn trong một cộng đồng do người khiếm thị điều hành, cho thấy những người bị khuyết tật không chỉ là những công dân có khả năng mà còn là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, dẫn dắt những người sống sót vào một thế giới mới. Bộ phim đã thổi một làn gió tích cực, mới mẻ về một sự thật trong xã hội thực tại: những con người bị cả xã hội coi là vô dụng, yếu đuối thì nay họ đã trở nên mạnh mẽ, trỗi dậy một cách phi thường.

Tuy nhiên sau khi “đề cao”cộng đồng người khuyết tật, bộ phim lại vô tình “dìm” cộng đồng khác xuống và khiến cho ý nghĩa của bộ phim trở nên không trọn vẹn. Trong một cộng đồng những sống sót trong phim lại không hề có chỗ cho những người “khuyết tật” về tâm lý.

Không giống như khiếm thị, bệnh tâm thần được khắc họa như điểm yếu không thể khắc phục, khiến người bệnh (xem phải mấy phim đó) dễ bị tổn thương hơn thay vì có thể kháng cự lại thứ bệnh của con quái vật mà bộ phim muốn thể hiện. Điều đáng lên án ở đây đó là Bird Box đã tạo ra một thế giới quá khắc nghiệt với những bệnh nhân tâm thần, làm tổn thương họ bởi những định kiến của xã hội và thậm chí còn nhốt họ trong một màn đêm tăm tối mà không tài nào thoát ra được.

Nhiều khán giả đưa ra ý kiến phản đối về vấn đề tự sát mà bộ phim đề cập tới

Mặc khác, Bird Box đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc khắc họa chân dung của những bệnh nhân tâm thần một cách một chiều. Thậm chí bộ phim còn biến những con người xấu số ấy thành những “thây ma không não”. Trong ánh mắt khinh biệt của con người trong xã hội, bệnh nhân tâm thần giống như hiện thân của quỷ dữ. Thế giới nghiệt ngã ấy đã đẩy những con người vô tội xuống vực thẳm, quay lưng và từ chối quyền sinh sát của họ. Tuy vẫn có những sự thực khi miêu tả về các bệnh nhân tâm thần trong các bộ phim từ trước tới nay. Nhưng có lẽ đã đến các nhà làm phim nên có một cách nhìn khác đi về những người mắc bệnh tâm thần chứ không phải chỉ là những kẻ điên loạn, thích giết chóc.

Kết lại, Bird Boxkhá thành công trong việc khai phá sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người dù là bình thường hay khiếm khuyết. Tuy nhiên bộ phim lại có cái nhìn quá khá khắc nghiệt với số phận của những bệnh nhân tâm thần và vô tình góp thêm việc khiến cho khán giả có cái nhìn sai lệch về họ.

Pollyeste

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/dat-45-trieu-tai-khoan-xem-trong-tuan-dau-tien-nhung-bird-box-cua-netflix-co-dang-tao-ra-niem-tin-sai-lam-ve-nguoi-mac-benh-tam-than-4354147.html