Đất cho trường học và vấn đề quy hoạch đô thị

Những ngày vừa qua, dư luận trên cả nước đều thấy áp lực thi vào lớp 10 ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt là những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Áp lực thi cử, xin học đầu cấp cho con em nhân dân là điều dễ dàng nhận thấy nhất trong những năm qua.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Càng ngày áp lực này càng gay gắt hơn khi đô thị phát triển, nhà cao tầng xây nhiều hơn, người thì thêm lên chỗ học thì vẫn không tăng, trường học không được xây mới để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân khu vực đó.

Tháng 3/2019 cư dân Trung Hòa – Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phản đối hết sức gay gắt việc Tổng Công ty Vinaconex đề xuất xây dựng thêm tòa nhà 18 tầng nổi, 3 tầng hầm ở khu vực này. Điều hết sức lạ lùng là điều này lại được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận.

Cũng cần phải nói thêm rằng, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính thời gian đầu được coi là kiểu mẫu cho các chung cư tại Hà Nội có quy hoạch hợp lý. Nhưng từ quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, với 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 - 7,5 tầng. Thì nay, khu này đã có tới 16 tòa nhà cao tầng với chiều cao từ 17 - 34 tầng. Áp lực dân số tăng cao nên đô thị này không còn là kiểu mẫu nữa. Giờ lại xây thêm tòa nhà cao tầng như vậy, mật độ dân số cho khu vực này càng tăng cao và việc người dân phản đối cũng là dễ hiểu.

Cũng lại Hà Nội, khu đô thị Linh Đàm (Q. Hoàng Mai) được xem là kiểu mẫu đô thị xanh cũng được nhồi thêm nhiều dự án, nhà cao tầng, cư dân đã phải căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối việc tăng thêm nhà ở tại khu đô thị này. Còn mới đây thôi, khu đô thị Ciputra cũng được coi là kiểu mẫu, cư dân cũng phản ứng trước việc phá vỡ quy hoạch khi chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 - 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 - 68 tầng. Cư dân khu Đoàn Ngoại giao cũng bức xúc suốt 2 năm nay về việc chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ khiến tình trạng giao thông ách tắc và các dịch vụ công như điện, nước, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế quá tải.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu có ý kiến “mỗi lần quy hoạch điều chỉnh là theo xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng”. Đại biểu nói đúng, hệ lụy của những điều chỉnh quy hoạch này đã gây bức xúc cho xã hội, khi cao ốc mọc lên nhiều hơn cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc đường, ô nhiễm môi trường tăng cao, đất cho khu đô thị được ưu tiên nhưng trường học thì vắng bóng.

Khi dân số tăng một cách cơ học như vậy, trường học không đáp ứng đủ thì áp lực đi xin học, thi cử của con em nhân dân sẽ còn là bài toán khó có lời giải. Không phải nghịch lý nhà cao tầng xây mới nhưng trường học vắng bóng các cấp quản lý không biết. Thực ra các quy hoạch đô thị đều có tính toán rất chi tiết về tỷ lệ dân cư và các điều kiện đi kèm trong đó có trường học. Nhưng tiếc rằng quy hoạch thì trên giấy, còn thực tế xây dựng lại khác xa. Thường thì các doanh nghiệp tính đầu tư xây cao ốc thu tiền hấp dẫn hơn nhiều xây trường.

Chung cư mọc lên như nấm, nhà cao tầng xây nhiều, áp lực dân số tăng cao trong khi chỗ học không đáp ứng đủ đã tạo gánh nặng lớn cho giáo dục. Nhiều năm nay cứ trước mỗi mùa thi, năm học mới, mạng xã hội, báo giới lại nóng, nào là phụ huynh đạp rào xin học cho con ở trường mầm non, rồi cảnh xếp hàng rồng rắn nộp đơn xin học đầu cấp...

Còn mới đây là những hình ảnh lo lắng trước việc thi vào lớp 10 của con em cũng tốn không ít giấy mực của truyền thông. Chắc chắn những hình ảnh này sẽ còn xuất hiện vào những dịp đó trong năm nay và nhiều năm nữa. Điều này sẽ chỉ chấm dứt khi việc quy hoạch xây dựng được tuân thủ triệt để. Vẫn biết là tấc đất tấc vàng, đất cho trường học cũng không dám mong muốn được ưu tiên nhiều, nhưng ít nhất cũng phải bảo đảm đủ chỗ học cho con em nhân dân.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dat-cho-truong-hoc-va-van-de-quy-hoach-do-thi-4009693-b.html