Đạt danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia: Đà Nẵng đứng vai 'người tiên phong'

​Đóng cửa nhà máy thép ô nhiễm, chi hàng tỉ đồng để xử lý nước thải cứu bãi biển, lắng nghe người dân để cùng bảo vệ lá phổi xanh Sơn Trà là những điều chính quyền Đà Nẵng tự đặt mình vào thế khó giữa thời điểm phát triển nóng.

Đà Nẵng đạt danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia” nhờ vào những nỗ lực của chính quyền và người dân. Ảnh: Lê Tuấn

Vậy nhưng, điều đó đã tạo nên sự khác biệt. “Đà Nẵng là thành phố có tham vọng lớn, dám đặt mục tiêu lớn. Đó là hướng đến sự phát triển bền vững, xây dựng thành phố môi trường. Tất cả sẽ không dễ dàng nhưng nếu có nền tảng từ bây giờ, mọi thứ đều không bao giờ muộn khi Đà Nẵng trở thành người tiên phong dẫn đầu” - ông Bảo - cán bộ chương trình của WWF tại Việt Nam - đánh giá.

Đóng cửa nhà máy thép, chi tiền tỉ xử lý nước thải

Là một thành phố phát triển, thậm chí là đang ở giai đoạn “nóng” ở mọi lĩnh vực từ du lịch đến công nghiệp, Đà Nẵng cũng phải đối diện với vấn đề môi trường khi hạ tầng chưa thể chạy theo kịp. Thế nhưng, tháng 3.2018, Đà Nẵng thông báo đóng cửa hai nhà máy thép tại huyện Hòa Vang. Quyết định gây nhiều xôn xao trong xã hội, bởi với quyết định này, Đà Nẵng có thể đẩy hai doanh nghiệp vào thế khó - một trong những việc làm sẽ làm mất uy tín của thành phố với cộng đồng doanh nghiệp.

Thế nhưng, Chủ tịch Đà Nẵng vẫn dứt khoát, đây là quyết định cuối cùng của chính quyền thành phố. Ông Huỳnh Đức Thơ trong cuộc trao đổi với báo chí nhìn nhận: “Đúng là có hai quyết định được đưa ra, trước đây Thường vụ quyết định di dời dân. Đã từng có phương án cho hai nhà máy thép (Dana Ý và Dana - Úc) thay đổi công nghệ, chuyển đổi công năng trong vòng 15 năm để không còn luyện nấu bằng nguyên liệu thép phế liệu gây ô nhiễm. Phương án này sau đó cũng vướng một số vấn đề, trong đó có vấn đề tái định cư quy mô rất lớn và môi trường về sau cho các thế hệ. Vì vậy, Đà Nẵng quyết định hai nhà máy thép sẽ phải đóng cửa theo lộ trình”.

Theo Chủ tịch Đà Nẵng, vấn đề gây ô nhiễm sẽ có thể ảnh hưởng rất lâu nên việc di dời nhà máy chỉ là chuyện “trước sau gì cũng làm”. Nhiều người đánh giá, có sự bất nhất trong các quyết định của lãnh đạo thành phố, nhưng ông Thơ khẳng định quyết định cuối cùng phải dựa trên sự tính toán, bảo đảm lợi ích của người dân và lợi ích doanh nghiệp. Đóng cửa hai nhà máy, thành phố cũng phải mời doanh nghiệp lại họp bàn, thậm chí sẽ phải chi ra hàng nghìn tỉ đồng để bồi thường nhưng sẽ không có sự thay đổi nào thêm nữa.

Sau sự việc trên, chính quyền Đà Nẵng cũng sẽ rà soát các nhà máy khác trong khu vực. “Hiện giờ có khoảng 5-7 nhà máy trong khu công nghiệp dù không gần khu dân cư còn các hoạt động nấu luyện, Đà Nẵng sẽ đều thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động nấu luyện thép” - là khẳng định thống nhất một chủ trương không để tồn tại công nghiệp gây ô nhiễm tại thành phố của Chủ tịch Đà Nẵng.

Ở một lĩnh vực khác, cũng nằm trong thời điểm phát triển nóng, bãi biển Đà Nẵng - nơi từng được vinh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh đang phải đối diện với nước thải ô nhiễm. Hình ảnh du khách bịt mũi, nhảy qua những khe nước đen ngòm khiến bất kỳ ai cũng dễ thất vọng.

Các Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng đã phải tiến hành khảo sát biển nhiều lần, yêu cầu các sở ban ngành vào cuộc ngay, huy động từ nhiều nguồn lực để giải quyết triệt để nhằm “cứu bãi biển”. Và tháng 7 mới đây, sau nhiều cuộc họp bàn, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương, đầu tư 211 tỉ đồng từ nguồn vốn đối ứng trong nước của dự án Phát triển bền vững TP.Đà Nẵng để triển khai đầu tư tuyến cống thu gom nước thải ven biển dọc đường Trường Sa.

Trong thời gian chờ dự án, thành phố yêu cầu Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tập trung nhân lực, phương tiện thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời và chủ động trong việc thực hiện theo kịch bản ứng phó và xử lý sự cố nước tràn ra biển để hạn chế việc nước tràn ra biển tại các cửa xả. Với những doanh nghiệp lợi dụng các đợt mưa lớn xả thải, Đà Nẵng mạnh tay phạt hàng trăm triệu đồng bởi “hỏng biển là hỏng cả thành phố”.

Đánh giá về lựa chọn không hề dễ dàng này của Đà Nẵng, bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - cho rằng: “Đà Nẵng đã có quyết định không hề dễ dàng nhưng cộng đồng cần nhìn nhận, thành phố đang đưa ra lựa chọn cho không chỉ bây giờ mà còn tính toán đến những bước đi dài trong tương lai. Chúng ta đã phải đánh đổi môi trường vì nhiều lợi ích khác thì nay Đà Nẵng đang phải đánh đổi một số lợi ích để chọn môi trường. Từ đó tạo một nền tảng cho cách ứng xử với môi trường mà các doanh nghiệp khi đầu tư vào thành phố phải cân nhắc cẩn trọng”.

Sơn Trà đang được người dân chung tay bảo vệ để giữ lại thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Ảnh: Minh Hải

Mục tiêu lớn, tham vọng lớn với thành phố môi trường

Từ những nỗ lực rất hiện thực đó, năm 2018, Đà Nẵng là một trong 3 thành phố tại Việt Nam đạt danh hiệu Thành phố xanh Quốc gia do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới - WWF bình chọn.

Ông Thái Minh Bảo - cán bộ chương trình của WWF tại Việt Nam - đánh giá, Đà Nẵng đã thể hiện là “người tiên phong”. Bởi, thành phố đang đặt mục tiêu rất lớn, như cam kết giảm 25% lượng phát thải carbon vào năm 2030 so với mức phát thải hiện tại của thành phố. Đây là mức lý tưởng nhất mà Việt Nam đặt ra (giảm 8% carbon vào năm 2030 và có thể cao nhất là 25% trong điều kiện nhận được hỗ trợ tích cực của quốc tế) trước Hội nghị Paris - COP21 về biến đổi khí hậu.

Đà Nẵng là địa phương tiên phong đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2017-2020 với các hành động cụ thể như xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại bãi rác Khánh Sơn và sân bay Đà Nẵng (2 giai đoạn).

Đưa vào hoạt động dự án xe buýt nhanh BRT (Bus Rapid Transit), áp dụng xăng sinh học E5 RON92 trên toàn thành phố. Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày sẽ thu gom, xử lý rác thải và sản xuất năng lượng từ rác thải. Bên cạnh đó là những dự án cải thiện môi trường nước, Đà Nẵng cũng đưa lý tưởng về thành phố xanh, môi trường vào trong mọi hành động để lan tỏa thông điệp này đến với doanh nghiệp, cộng đồng.

“Hành động toàn diện nhiều mặt và được lồng ghép giữa các ngành, lĩnh vực với nhau, Đà Nẵng đang hành động với vị thế của ‘Người dẫn đầu’. Đó cũng là điểm tạo nên sự khác biệt của thành phố khiến chúng tôi ấn tượng” - ông Bảo cho hay.

Đà Nẵng là thành phố năng động hàng đầu về phát triển kinh tế. Đây là điểm ‘nóng’ về du lịch nên việc phải đối diện với một số tồn tại vẫn còn hoặc có nguy cơ tiềm năng như sự thiếu hụt nguồn cung cấp nước sạch vào một số thời điểm cao điểm du lịch; sự xả thải chưa kiểm soát hết bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động… là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, với định hướng chiến lược của thành phố là tăng trưởng kinh tế phải song hành vấn đề giữ gìn môi trường, ông Bảo tin tưởng: “Tôi tin Đà Nẵng, dù còn một số khó khăn trong hành trình phát triển bền vững, sẽ tiếp tục những nỗ lực và sáng kiến, xứng đáng với danh hiệu ‘Thành phố đáng sống’ của Việt Nam”.

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dat-danh-hieu-thanh-pho-xanh-quoc-gia-da-nang-dung-vai-nguoi-tien-phong-628539.ldo