'Đặt hàng' chống tham nhũng

Cách đây mấy hôm, trong buổi gặp gỡ báo chí đầu năm ở phía Nam, đại diện Ủy ban kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) đã “đặt hàng” các cơ quan báo chí và nhà báo trong việc phát hiện tham nhũng có thể xảy ra ở một số lĩnh vực có nguy cơ cao.

Những lĩnh vực được vị đại diện UBKTTƯ nhận diện là: cấp phép dự án đầu tư và ưu đãi đầu tư dự án; lập quy hoạch, giao các khu đất vàng không qua đấu giá, cấp đất sai nguyên tắc và đặc biệt là một số quỹ thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện. Trong năm 2009, ngoài một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng “trải đều” ở các lĩnh vực của đời sống xã hội thì tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực an sinh xã hội là vấn đề gây bức xúc, nhức nhối xã hội. Đây được xem là lĩnh vực “nóng” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Những câu chuyện về việc cán bộ cơ sở kê khống danh sách hộ dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo để trục lợi như trường hợp của bà Dương Thị Kim Liên (cán bộ UBND phường 14, quận 6, TP HCM) cách đây mấy năm không còn là cá biệt. Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng không ít lần phản ảnh một số cán bộ của các quỹ từ thiện, xóa đói giảm nghèo hay cán bộ làm công tác chính sách đã lợi dụng kẻ hở pháp luật để trục lợi. Năm 2009, Đất Việt và một số cơ quan báo chí từng phát hiện, đăng tải nhiều trường hợp cán bộ cơ sở ăn chặn tiền của người nghèo mà chính phủ hỗ trợ trong dịp tết Kỷ Sửu. Số tiền bị ăn chặn tuy không lớn, nhưng việc làm của các cán bộ này đã phá hỏng một chính sách nhân đạo, đầy ý nghĩa của chính phủ. Hậu quả, hàng loạt cán bộ làm sai phải nhận hình thức kỷ luật. Những tưởng, chuyện tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này sẽ không còn xảy ra sau “sự cố” đó, thế nhưng “sức mạnh của đồng tiền” đã làm không ít người tiếp tục “nhúng chàm”. Mới đây, các cơ quan chức năng phát hiện UBMTTQ Bà Rịa - Vũng Tàu lấy tiền ủng hộ thiên tai, bão lụt của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào tỉnh này gửi tiết kiệm để lấy lãi. Người đứng ra thực hiện việc này lại chính là Chủ tịch UBMTTQ và hiện là Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh này. Mặc dù, các cơ quan chức năng chưa xác định việc làm này có tư lợi hay không, nhưng với việc sử dụng quỹ dành cho đồng bào bị thiên tai, bão lụt sai mục đích đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chính quyền địa phương, gây bất bình dư luận. Vụ việc chỉ bị dở lở khi người dân tố cáo đến các cơ quan chức năng. Một điểm chung của những vụ tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực an sinh xã hội, quỹ từ thiện là rất khó bị phát hiện. Phải đến khi báo chí vào cuộc, người dân tố cáo thì những việc làm sai trái mới bị phanh phui. Chính vì thế mà đại diện UBKTTƯ mới đặt hàng báo chí với hy vọng các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm phòng chống tham nhũng, cùng với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, làm trong sạch, hạn chế xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Cùng với các cơ quan báo chí, đại diện UBKTTƯ cho biết sắp tới sẽ có quy định về thời hạn giải mã thông tin mật, thực hiện tốt quy chế người phát ngôn thuộc UBKT Đảng các cấp, đồng thời thành lập bộ tuyên truyền làm đầu mối phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác các hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Đây là những kênh thông tin quan trọng, góp phần đáng kể vào sự công khai, minh bạch trong công tác phòng chống tham nhũng. Đại diện UBKTTƯ hy vọng với sự “cởi mở” của tổ chức kiểm tra Đảng các cấp, sự nhận diện chính xác tham nhũng của cơ quan báo chí cùng tai mắt của người dân sẽ hợp thành “ba mũi giáp công”, góp phần vào việc lành mạnh hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Dat-hang-chong-tham-nhung/20103/82391.datviet