Đất lành chim đậu: Nhưng càng ngày càng ít đất lành

'Đất lành chim đậu' là câu nói của người xưa, một câu nói mà có lẽ ban đầu chỉ là sự quan sát khi ở đâu đó tươi mát, có cây cối nhiều, ở đó sẽ có chim đến đậu nhiều. Sau thì chúng ta hiểu thêm một nghĩa khác là ở nơi làm ăn tốt, dễ sống, dễ kiếm tiền, con người sẽ đến nơi đó ở nhiều, và còn một vài nghĩa khác nữa từ tình cảm con người.

Những chú chim cứ nhởn nhơ trong chùa mặc chiếc xe ô tô đang lăn bánh và nhiều người đứng bên.

Những chú chim cứ nhởn nhơ trong chùa mặc chiếc xe ô tô đang lăn bánh và nhiều người đứng bên.

Tốc độ phát triển của các đô thị đang làm mất đi nhiều cánh đồng, thậm chí nhiều cánh rừng, và thậm chí là núi đồi cũng được bạt xẻ để làm bàn đạp cho sự phát triển đô thị. Đã lâu rồi, tôi không còn nghe được tiếng chim mà vốn trước đây tôi hay đến để nghe, đó là một khu ký túc xá trường học, khi còn nhiều bóng cây, bởi nơi đây đã được thay thế hoàn toàn bê tông, không có chỗ cho những cây thân gỗ, rễ chùm mọc.

Tốc độ phát triển đô thị ví như gã khổng lồ ăn tạp, nó ngốn tất cả những gì cản đường. Những gì trước đây là hoang sơ, là nơi sinh sống của các loài cây, loài chim, hay ao hồ là nơi sinh sống của các loài cá thì thay vào đó là những tòa nhà chọc trời, khu thương mại. Chúng ta đành chấp nhận sống ở đó vì con người cũng như tốc độ đô thị, phát triển quá nhanh.

Vì những lẽ đó mà ở các thành phố, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, việc thấy một chú chim chạy nhảy là một việc rất hiếm. Bạn khó mà tìm được một bóng chim bay ở dọc đường Giảng Võ, đường Giải Phóng, hay ở đường Xã Đàn. Cây cối được con người trồng vào dường như mang tính chất làm cảnh cho phố phường hơn là để tạo một nơi đến cho các loài chim?

Và ở thành phố Hồ Chính Minh cũng vậy, bạn thật khó lòng tìm một bóng chim bay ở đường Lê Trọng Tấn, Tân Kỳ Tân Quý, hay đường Trường Chinh. Những nơi này quá ồn ào, quá tấp nập, quá nhiều tiếng xe, quá nhiều tiếng người, quá nhiều nhà hàng ăn uống. Loài chim, vốn có đặc tính thích nơi vắng con người, vắng tiếng ồn nên khó mà về trú ngụ.

Một vài điểm chúng ta có thể tìm thấy chim và nghe được nó hót là ở công viên. Nhưng dường như ở những nơi này cũng thật hiếm khi con người vào ra quá nhiều, và sẵn sàng phi một hòn đá nếu thấy chú chim đang hót. Có một điều lạ là ở các chùa trong hai thành phố trên lại có những chú chim đến đậu, hót, mặc dù nơi này thường xuyên có nhiều người. Chúng chậm chạp, có những bước nhảy ngắn trên sân chùa, hay trên tường, trên các cành cây, nhánh hoa.

Ở đây, chúng chẳng sợ con người, chúng đi bên cạnh bàn chân con người, bên chiếc bánh ô tô đang lăn, cùng lắm là chúng nhấc nhẹ người lên rồi lại xà xuống. Ở chùa, như chúng ta đã biết, đó là nơi yên tĩnh, không sát sinh, con người đến đây chiêm bái cũng mang vẻ mặt từ bi, điều này thật lạ! Có lẽ nắm được ưu điểm này ở chùa, cũng như tâm lý của con người khi đến chùa sẽ không bao giờ dọa hay bắt chim, nên chim cứ nhẩn nha chơi như vậy.

Phải chăng đất lành chim đậu được nói ra từ những quan sát trực diện trên? Ở nơi nào bình yên, không nhất thiết phải là khu rừng, chỉ cần bình yên, thì nơi đó, chim sẽ đến đậu, vì ở đó đất lành, một nghĩa đen từ một quan sát nhỏ trong chùa, tôi đã kịp suy nghĩ ra điều đó. Từ đây, nơi nào dễ sống, an toàn, không khí trong lành, và nhất là nơi đó con người yêu con người, thì ở đó lúc nào cũng đông vui, và từ đó sẽ sầm uất lên.

Và cũng từ đó, chúng ta nhìn rộng ra, một đất nước không cần phải quá giàu, quá nhiều khu công nghiệp, nhưng nơi đó yên ả, con người sống trong an tịnh, biết yêu thương giúp đỡ nhau, biết xót thương con người, thì ở đất nước đó, chắc rằng, du lịch sẽ rất phát triển. Liệu chúng ta có trở lại một nơi đẹp như thiên đường, nếu nơi đó mình bị ghẻ lạnh, và luôn sống trong sợ hãi?

Nhất Vũ

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dat-lanh-chim-dau-nhung-cang-ngay-cang-it-dat-lanh-63802