'Đặt lên bàn cân' chiến đấu cơ F-35 Mỹ và Su-35 Nga

'Su-35 của Nga là mối nguy hiểm đối với Mỹ và các nước đồng minh do khả năng linh hoạt đa chức năng của nó. Nhưng F-35 Lightning II của Mỹ vẫn nổi trội hơn, giành được nhu cầu lớn trên thị trường quốc tế' - Tờ 19FortyFive của Mỹ nhận định.

Cần phải lưu ý rằng, chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của là tiêm kích hệ thứ 4 (tên hiệu NATO là Flanker-E+) của Không quân Nga có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trên không và trên biển.

Tiêm kích Su-35 có cho mình đầy đủ hệ thống tên lửa không đối không, không đối đất và không đối hải như: AA-10/11/12, AS-10/13/14/15/16/17 và cả hệ thống bom KAB-500L, KAB-1500 ( bom dẫn đường bằng laser ) và FAB-100/250/500/750/1000.

Máy bay chiến đấu Su-35 còn có tầm bay xa hơn 3000 km và khả năng bay cao ~18 km (có thể nói là “vượt trội” so với F-35 - tiêm kích thế hệ 5). Giới chức Mỹ đặc biệt lo ngại về việc tên lửa hành trình chống hạm Onyx sẽ được triển khai trên Su-35.

Tờ 19FortyFive đã nhắc nhấn mạnh rằng Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, với khả năng cơ động và hệ thống điện tử hàng không được cải tiến dựa trên thiết kế của Su-27 - vốn đã ra đời từ thời Liên Xô.

Tờ báo của Mỹ nêu lên hai điểm nổi bật của Su-35 so với các loại chiến đấu cơ hiện đại ngày nay, đầu tiên là trạm radar được nâng cấp để điều khiển tên lửa SARH hay radar quét mảng pha điện tử bị động cải tiến.

Radar mảng pha Irbis-E có khoảng cách dò tìm đạt tới 400 km với mục tiêu có độ phản xạ radar (RCS) là 3m2 (tương đương máy bay F-16). Với mục tiêu có độ tán xạ radar là 0,01m2 (tương đương máy bay tàng hình) phạm vi dò tìm đạt 90 km.

Và Su-35 của Nga với 2 động cơ Lyulka AL-35F có thể giúp chiếc tiêm kích này đạt tốc độ tối đa lên tới 2.500 km/h, vượt xa đối thủ chúng ta đang “đặt lên bàn cân” là F-35 Lightning II của Mỹ.

Một số ấn phẩm cũng cho rằng, nếu Mỹ từ chối bán chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II cho bất kỳ quốc gia nào đó, thì ngày lập tức quốc gia đó sẽ chú ý đến tiêm kích Su-35 của Nga - như một kẻ thay thế tuyệt hảo.

“Tất nhiên, F-35 với khả năng tàng hình sẽ vượt trội hơn Su-35 của Nga, nhưng đối với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và có thể là cả Algeria thì tiêm kích Nga là một sự bổ sung vũ trang đáng được mong đợi.” 19FortyFive cho biết.

Mặc dù vậy nhưng qua các cuộc thử nghiệm, có thể thấy F-35 của Mỹ gặp rất nhiều vấn đề về “độ tin cậy”. Theo một số thông tin được Không quân Mỹ xác nhận vào năm 2019, thì mỗi khi F-35 bay vượt tường âm thanh (Mach 1,2) thì lớp sơn tàng hình của nó sẽ bị bong tróc, khiến F-35 bị mất khả năng tàng hình nếu không được bảo trì liên tục.

Và theo một phi công lái F-35 trong bài kiểm tra năng lực để đối đầu với F-16 diễn ra trong điều kiện cận chiến ở độ cao 3.000-9.000m, “F-35 quá kềnh càng và có vấn đề về khí động học khiến máy bay không đủ độ linh hoạt và khả năng xoay xở để giáp lá cà trên không”, ông nói trong báo cáo dài 5 trang gửi lên cấp trên.

Và có lẽ do “ỷ lại” vào khả năng tàng hình của F-35 nên các nhà thiết kế đã hạn chế tốc độ tối đa của F-35 quá đà. Do đó, một khi bị phát hiện thì F-35 sẽ khó lòng mà chạy thoát những máy bay chiến đấu tiên tiến có tốc độ cao hơn.

Thế nhưng trang tin 19FortyFive cũng lưu ý rằng sau Su-35, Nga có thể sẽ bắt đầu xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57. Do đó, có lẽ Mỹ nên đẩy mạnh việc bán F-35 Lightning II trước khi gặp sự cạnh tranh từ tiêm kích này của Nga.

Có thể thấy, dù là F-35 của Mỹ hay Su-35 của Nga thì cũng đều có những điểm mạnh và nổi bật riêng. Rất khó để chúng ta có thể đưa ra được, đâu mới là sự lựa chọn tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh các quốc gia khác nhau. Chưa kể tới việc, muốn tiếp cận và mua được máy bay Su-35 của Nga, sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cản trở về mặt ngoại giao, kinh tế, chính trị từ Washington. Nguồn ảnh: Pinterest.

Video thông số về F-35 Lightning II của Mỹ và Su-35 của Nga. Nguồn: Armies Power.

Minh Hoàng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/dat-len-ban-can-chien-dau-co-f-35-my-va-su-35-nga-1603950.html