Đặt máy tạo nhịp tim cho cụ ông 100 tuổi

Sáng 27/4/2021, BS.CK II Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết, thầy thuốc Khoa Nội Tim mạch – Khớp đã đặt máy tạo nhịp thành công cho cụ ông ở tuổi 'xưa nay hiếm'- 100 tuổi, có nhiều bệnh lý nền.

Cụ ông T. V. G., 100 tuổi, quận Cái Răng, TP Cần Thơ được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 8 giờ 56 phút ngày 22/4/2021 với tình trạng hoa mắt, choáng váng nặng.

Khai thác tiền sử, được biết, cụ ông đã từng bị ngất, có bệnh lý nền tăng huyết áp, từng bị nhồi máu não nhiều năm đang điều trị. Bệnh nhân có chỉ định đặt máy tạo nhịp nhưng bệnh nhân không đồng ý.

Sau khi nhập viện, kiểm tra điện tâm đồ phát hiện nhịp tim chậm 36-38 lần/phút.

Ê kíp thực hiện đặt máy tạo nhịp tim cho cụ ông 100 tuổi

Ê kíp thực hiện đặt máy tạo nhịp tim cho cụ ông 100 tuổi

Thầy thuốc hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân có hội chứng suy nút xoang, nhịp chậm có triệu chứng, tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch do nhịp rất chậm, các bác sĩ đã thực hiện tư vấn cho người nhà và đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân do ThS.BS Thân Hoàng Minh; BS.CKI Nguyễn Tâm Thoại - Khoa Nội tim mạch thực hiện thành công trong 30 phút.

Sau đặt máy, nhịp tim bệnh nhân 60 lần/ phút, cải thiện triệu chứng.

Hiện nay bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ổn định về huyết động, hết triệu chứng chóng mặt, lâm sàng cải thiện rõ, không còn triệu chứng khi hoạt động bình thường và ra viện ngày 27/4/2021.

Theo ThS.BS Thân Hoàng Minh, rối loạn nhịp tim thường gặp ở người cao tuổi, thậm chí họ không có tiền sử bệnh tim hoặc các bệnh khác, như một kết quả của các thay đổi thoái hóa ngay cả với tim cũng theo quy luật tuổi tác.

Tuy nhiên, hầu hết các rối loạn nhịp tim là hậu quả của tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành. Vấn đề hệ thống tim mạch có liên quan đến lão hóa, chẳng hạn như độ cứng mạch máu.

Ở người già, loạn nhịp tim là một nguyên nhân quan trọng của tử vong, suy giảm khả năng vận động và thường xuyên phải nhập viện.

Hình ảnh máy tạo nhịp tim trên DSA

Khi nhịp tim quá chậm: 30-40 nhịp/phút, thậm chí dưới 30 nhịp/phút sẽ dẫn đến lưu lượng máu lên não giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp oxy và năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não.

Não bị thiếu máu, bệnh nhân sẽ hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, giác quan sút kém, trí óc chậm chạp, khả năng gắng sức kém. Nặng hơn, có thể dẫn tới khó thở hoặc ngất.

Đây là hiện tượng bệnh nhân ngất vì thiếu máu não do ngừng tuần hoàn đột ngột. Nếu chỉ ngừng tim 3-5 giây thường choáng váng, mất thăng bằng.

Tim ngừng 5-10 giây thì ngất hẳn. Nếu ngừng tim trên 15 giây sẽ dẫn đến ngã, mê, tay chân co giật, sùi bọt mép, liệt có thể để lại di chứng vĩnh viễn. Nếu cơn ngất quá 3 phút sẽ dẫn đến chết não không hồi phục, đột tử.

Tạo nhịp vĩnh viễn là lựa chọn điều trị khi nhịp tim chậm có kèm theo các triệu chứng, quan trọng hơn là phòng ngừa được nguy cơ đột tử.

Đặt máy tạo nhịp tim ở người cao tuổi có nhiều thách thức và nguy cơ vì bệnh nhân thường có nhiều bệnh nội khoa kèm theo như: suy tim, viêm phổi, suy thận, tăng huyết áp...

Đường đi của mạch máu thường giãn, dị dạng và khi đặt máy rất khó, đôi khi xảy ra các biến chứng như thủng tim , chảy máu và tụ máu vết mổ, tràn khí màng phổi... đòi hỏi trình độ chuyên môn bác sĩ chuyên khoa. Phẫu thuật phải thực hiện từng bước, cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Đây là trường hợp cao tuổi nhất được BVĐK Trung ương Cần Thơ đặt máy tạo nhịp tim.

Phạm Phong. Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dat-may-tao-nhip-tim-cho-cu-ong-100-tuoi-n190772.html