Đặt mục tiêu GDP bình quân 10.000 USD/người vào năm 2035

Sáng 5/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF). Diễn đàn thường niên năm nay được tổ chức nhằm thay thế Diễn đàn Phát triển Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự VRDF. Ảnh: Quang Hiếu

Giải quyết 3 điểm nghẽn thành 3 đột phá chiến lược

Tại Diễn đàn này, các đối tác phát triển sẽ giúp Chính phủ mời các chuyên gia quốc tế về các lĩnh vực được ưu tiên quan tâm để chia sẻ kinh nghiệm, trình bày các nghiên cứu và những ý kiến gợi mở với Chính phủ. Chủ đề của diễn đàn là "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi diễn đàn lại bắt đầu sang một trang mới với tên gọi Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF). Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên.

Theo Thủ tướng, Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Về thể chế, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền. Xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách. Tập trung ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hóa và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính. Về chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ xác định đây là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Hiện Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn tới, Việt Nam ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.

Thực hiện 3 đột phá nêu trên, để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới: Một là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0. Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Hai là thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động. Thủ tướng cho biết, từ năm 2019, Chính phủ chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045.

Ra mắt ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam

Cũng tại Diễn đàn, ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được ra mắt. Khung chính sách kinh tế Việt Nam là tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”. Theo lời tựa của tài liệu, Khung chính sách kinh tế Việt Nam gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và mọi người dân Việt Nam một thông điệp rõ ràng. Thể hiện quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, động viên các nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.

Theo ấn phẩm này, mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2035, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, với GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Trên một nửa dân số Việt Nam tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu. Các trọng tâm cải cách bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Các động lực tăng trưởng được xác định là bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; khu vực tư nhân phát triển… Việc xây dựng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được triển khai từ cuối năm 2017.

Phát biểu kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và Khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên - cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp thế hệ mới.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dat-muc-tieu-gdp-binh-quan-10000-usd-nguoi-vao-nam-2035-20181205211023492.htm