Đặt nhà ga C9 sát Hồ Gươm, quá tải hay không?

Mỗi chuyến tàu đến Ga C9 sát Hồ Gươm sẽ chỉ có 38 khách (bằng khách 1 chuyến bus). Đó là số liệu của Ban quản lý đường sắt Hà Nội trưng ra tại tọa đàm 'Quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 - Hồ Hoàn Kiếm' ngày 19.11.2018 để biện minh cho việc không thể gây quá tải người ở khu vực này.

Làm tính cộng cũng biết!

Tọa đàm này do Ban quản lý đường sắt Hà Nội và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, vị đại diện Ban cho biết: “Ga ngầm C9 - Hồ Hoàn Kiếm chỉ có vai trò ga trung gian, đáp ứng nhu cầu của dân địa phương, nhân viên làm việc các cơ quan trong khu vực, khách tham quan Hồ Hoàn Kiếm.

Có 178 tàu/ngày, có 38 hành khách/ tàu. Tổng cộng mỗi ngày có 6764 hành khách lên xuống tàu tại ga này… nên không xảy ra tắc nghẽn.”

Từ số liệu của UBND quận Hoàn Kiếm

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan (quanh hồ Hoàn Kiếm) vào ngày đi bộ cuối tuần trung bình từ 20.000 - 25.000 người/ngày, trong đó thời điểm ban ngày khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 đến 20.000 người.

Ngày thường ở khu vực Hồ Gươm có 5.000 người đi bộ, thêm 250.000 người di chuyển qua đây bằng xe máy. Ảnh: TL

Diện tích đường phố, vỉa hè thảm cỏ (kể cả bụi cậy, gốc cây, luống hoa...) Hồ Hoàn Kiếm là 200.000m2, trừ đi diện tích mặt nước 120.000m2, còn lại 80.000 m2. Nếu chia đều 20.000 người tập trung vào buổi tối tổ chức phố đi bộ cuối tuần thì trung bình 4m2/ người.

Riêng tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và các phố lân cận rộng khoảng 20.000m2, có thể tổ chức các hoạt động công cộng, nhưng cũng nhiều lúc dày đặc kinh khủng, khoảng 5-7 người/ m2 (xem ảnh chụp Giao thừa năm Ất Dậu - 2015).

Có ba tình huống tập trung đông người trên diện tích đất 80.000m2: 1- Bình thường 20.000 - 25.000 người/ngày (4m2/người). 2- Đông hơn , không tổ chức được hoạt động gì có 30.000- 40.000 người (trung bình 2m2/ người). 3- Rất đông, chen chúc, khá nguy hiểm 50.000-80.000 người (khoảng 1m2/ người). Còn hơn nữa có thể gọi là rất nguy hiểm… hay thảm họa.

Mời làm tính cộng...

Đặt ga tàu điện ngầm vào Hồ Gươm sẽ đối mặt khó khăn tại hai tình huống: một là cuối tuần người đi bộ sẽ đông gấp đôi hiện nay, hậu quả là đi lại cũng khó, nói gì thong dong thư giãn. Hai là, ngày thường thì vẫn có 5.000 người đi bộ, thêm 250.000 người di chuyển qua đây bằng xe máy, xích lô, ô tô điện, ô tô... Có ga C9 vào đây thì sẽ nhồi thêm khoảng 7.000 đi bộ/ngày cùng với hàng ngàn ô tô xe máy, tập trung quanh ga và khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bình quân mật độ dưới 1m2/ người. Tức là sẽ cực kỳ dày đặc, nguy hiểm khi đi bộ và rất nguy hiểm khi trộn lẫn đi bộ/ xe máy. Đó là chưa kể những ngày lễ hội diễn quanh hồ, đêm giao thừa, các ngày lễ có bắn pháo hoa, cổ vũ bóng đá…

Qua tính toán trên cho thấy sự bất hợp lý khi đặt ga ngầm C9 vào hồ Hoàn Kiếm, không những nó không giảm ách tắc mà còn làm giao thông mà sẽ gây rối loạn vào ngày thường cũng như cuối tuần.

Ở khu vực Hồ Gươm, lúc không tổ chức được hoạt động gì có 30.000- 40.000 người (trung bình 2m2/ người). Ảnh: TL

Giải thích là ga đón không nhiều khách thì càng vô lý, vì chẳng lẽ bỏ ra mấy chục ngàn tỷ đồng cho vận chuyển nhanh khối lượng lớn nhưng năng lực vận chuyển này lại chẳng hơn gì năng lực vận tải công cộng hiện có tại đây. Bởi quanh khu hồ Hoàn Kiếm hiện đã có 3 trạm dừng đỗ của 6 tuyến bus công cộng, tổng số có 240 chuyến/ngày, loại 45 chỗ/xe. Hàng ngày còn có hàng trăm chuyến xe du lịch 15- 45 chỗ đổ thẳng khách xuống tham quan hồ Hoàn Kiếm… năng lực vận tải hành khách hiện tại tại đây đã là 5.000-7.000 người/ngày.

Tóm lại đặt ga ngầm C9 vào khu vực hồ Hoàn Kiếm đón đưa nhiều khách thì gây tắc nghẽn, còn nếu chỉ muốn đón đưa ít khách thì ấn bằng được ga C9 vào đây (chỗ tập trung đông người nhất nước) để làm cái gì nhỉ? Sao tìm chỗ khác đặt ga để đón đưa, thu hút hành khách đông hơn, lưu thoát tốt hơn, an toàn thuận tiện hơn?

Tham dự tọa đàm là hầu hết các vị cựu lãnh đạo, thành phố, bộ Xây Dựng, cục, viện, sở... những người quyết định ra đời dự án Đường sắt đô thị này cách đây 12 năm, các vị đều nói khi đang đương chức thì cố gắng lắm nhưng nó đã chậm, nên giờ phải quyết tâm đẩy nhanh tốc độ thực thi dự án mà chẳng cần đắn đo suy tính thêm nữa. Có vị còn sốt sắng muốn “cần phải làm nhanh bởi đó là đồng vốn ODA. Dự án càng chậm thì con cháu sẽ càng phải trả nợ nhiều hơn.” Có đại biểu lo rằng chậm trễ sẽ không kịp sống tới ngày tàu điện ngầm chui vào ga Hồ Hoàn Kiếm, nên khẩn thiết đề nghị sớm thông qua phương án…

Tuy vậy, nếu xem xét lại những phép tính cấp tiểu học vừa rồi thì không rõ có nhầm lẫn chỗ nào để các vị phải hấp tấp đến vậy? Và xin nhớ vay ODA phải trả đắt hơn nhiều so với các cách vay khác, con cháu ta trả nợ còn nặng hơn. Mới chỉ cộng vài con số đã thấy bất ổn, thì việc đi vay mấy chục ngàn tỷ đồng để thỏa giấc mơ “đi tàu điện ngầm đến Hồ Gươm” là quá đắt.

Xung quanh bờ Hồ còn có tới 3 bến xe bus và có 6 tuyến, chạy từ 5 giờ sáng đến 21-22h. Các loại xe tuyến dài này 45 chỗ/xe.

Tổng số có 210 chuyến/ngày Tuyến 08: Long Biên - Đông Mỹ qua Bờ Hồ cứ 5 - 10 - 15 phút/chuyến (60 chuyến); Tuyến 09: Bờ Hồ - Cầu Giấy - Bờ Hồ cứ 10-15 - 20 phút/chuyến (50 chuyến); Tuyến 14: Bờ Hồ - Cổ Nhuế cứ 15 - 20 phút /chuyến (40 chuyến); Tuyến 31: Bách Khoa - Đại Học Mỏ qua Bờ Hồ cứ 15 - 20 phút/chuyến (40 chuyến); Tuyến 36: Yên Phụ - Bờ Hồ - Linh Đàm cứ 15 - 20/chuyến. (40 chuyến); Tuyến 86 - sân bay Nội Bài cứ 30/chuyến (30 chuyến). Hàng ngày cũng có gần 100 chuyến xe BUS du lịch 35-45 chỗ đổ khách xuống trước cửa nhà hát múa rối. Gần đó có trạm dừng đỗ của khoảng 30 xe điện du lịch (10 người/xe).

Trần Huy Ánh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dat-nha-ga-c9-sat-ho-guom-qua-tai-hay-khong-16277.html